Một thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập khi báo cáo trước Quốc hội, đó là số lượng các thẩm phán nghỉ việc từ đầu năm đến nay là gần 1.000 người.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Thảo luận sau đó, đại biểu (ĐB) Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm số lượng án mà tòa án các cấp phải giải quyết tăng 5.000 vụ, trong khi, số lượng biên chế Quốc hội giao được giữ nguyên từ năm 2012 đến nay.
Vào tháng 11-2006, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lúc đó là ông Nguyễn Văn Hiện đã “than thở” về tình trạng thiếu trầm trọng thẩm phán (năm 2005, toàn ngành thiếu đến 1.116 thẩm phán). Sau khi tận dụng tối đa, thậm chí buộc phải bổ nhiệm thêm một số thẩm phán chưa đạt tiêu chuẩn, vẫn còn thiếu tới 900 người. Nhưng, đây cũng không phải nỗi lo riêng của ngành tòa án.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, trung bình 1 huyện (khoảng 20 xã) chỉ có khoảng 10 cán bộ kiểm sát viên, rất khó đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm.
Còn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ năm 2016 đến nay, biên chế công chức thi hành án dân sự liên tục cắt giảm, đến nay đã giảm 1.016 biên chế (10,16% so với số biên chế được giao năm 2015). Trong khi đó, khối lượng công việc qua các năm tăng cả về việc và về tiền. So với năm 2016, số việc phải thi hành năm 2022 tăng 5%, nhưng giá trị phải thi hành tăng đến 259%. Tại TPHCM, bình quân mỗi năm, 1 chấp hành viên phải thi hành trên 400 tỷ đồng. Đây thực sự là một áp lực rất lớn, trong khi chế độ đãi ngộ còn hạn chế.
Nhiều giải pháp đã được đề ra từ hàng thập kỷ trước, song thách thức rất lớn này vẫn chưa được giải quyết.
ANH THƯ (theo SGGP)
Bình luận (0)