Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khát nước sạch!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-5, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP và các đại biểu Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tại Q.9 và Thủ Đức. Tại đây nhiều cử tri tỏ ra bức xúc về việc không được sử dụng nước sạch…

Cử tri Nguyễn Hữu Tín (Q.9) bức xúc vì nhiều hộ dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Ảnh: A.Khánh

Nhiều người chưa biết nước sạch là gì?

Đại diện cho 100 hộ dân, cử tri Nguyễn Hữu Tín (Tổ trưởng tổ 2, KP.5, P.Tân Phú) bức xúc: “Hiện tại nơi tôi sinh sống còn 30/95 hộ dân chưa có nước sạch mặc dù đường ống nước đã kéo vào đầu khu phố. Bà con hiện đang phải sử dụng nước phèn, nước giếng khoan rất ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, người già và trẻ nhỏ vì sử dụng nước này mà nhiều người mắc bệnh…”.

Ông Trần Văn Bảy – Chủ tịch UBND Q.9 – cho biết, việc 30 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, có một số nguyên nhân, trong đó có việc quận đang thỏa thuận với người dân trong việc đền bù, thu hồi đất để kéo đường ống nước vào tới những hộ dân này.

Sau khi tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại Q.9, phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM đã tìm đến tổ 2, KP.5, P.Tân Phú, Q.9.

Tại đây, bác Võ Thị Lan (65 tuổi, số nhà 207/51/4 đường số 207, KP.5) than thở: “Lúc mới nghe thông tin được cấp nước sạch (cách đây khoảng 2 tháng), ông nhà tôi đã viết đơn và gửi cho phường. Lúc đường ống nước kéo về tới đầu ngõ, cả nhà ai cũng mừng sẽ được sử dụng nước sạch nhưng đợi mãi vẫn không thấy nước sạch đâu. Ông nhà tôi lên phường hàng chục lần và được trả lời đã đề xuất với Công ty cấp nước Thủ Đức nhưng chưa thấy công ty hồi đáp nên không biết đến bao giờ mới có đường ống nước chạy vào gia đình tôi”.

Cách nhà bác Lan gần 500m, cô Lê Ngọc Thơm (số nhà 153/20 đường số 153, KP.5) tâm tư: “Nghe đài báo nói TP đã hoàn thành 100% cấp nước sạch cho dân nhưng gia đình tôi và nhiều hộ gia đình khác ở khu phố này có biết nước sạch là gì đâu. Hàng ngày cứ phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, quần áo thì ố vàng, người lớn, trẻ nhỏ phải tiết kiệm từng ca nước sạch (mua bình) để ăn uống…”.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri này, cử tri Nguyễn Văn Huỳnh (P.Phước Bình, Q.9) cho biết, việc thi công hệ thống chống ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp kéo dài, tốn kém tiền bạc của Nhà nước nhưng ngập vẫn ngập…

Về vấn đề này, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho biết: “Cách đây 10 ngày tôi và Phó Ban ngân sách HĐND TP đã tham dự buổi giám sát công trình chống ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp. Tại đây, Ban quản lý dự án kênh Ba Bò cho biết dự án chống ngập trên toàn tuyến đường này có tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng. Thế nhưng mùa mưa vẫn ngập, thậm chí ngay trong mùa khô khi mưa hoặc có triều cường cũng ngập. Theo đó, chúng tôi đã yêu cầu Ban quản lý cung cấp thiết kế dự án, qua kiểm tra cho thấy có lỗi kỹ thuật…”.

Xử lý bổ nhiệm sai chưa quyết liệt

Ngoài những bức xúc về vấn đề an sinh, nhiều cử tri cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng bổ nhiệm cán bộ sai, tham nhũng chưa được giải quyết triệt để… Cử tri Trần Ba đặt vấn đề: Chính phủ đang hướng tới “Chính phủ liêm khiết – sáng tạo” nhưng có địa phương khi tổ chức kỷ niệm thành lập tỉnh chỉ riêng việc mua quà tặng đại biểu đã mất tới 70 tỷ đồng. Đó có phải là lãng phí, tham nhũng?

Cử tri Nguyễn Thị Dung tâm tư về việc bổ nhiệm cán bộ thời gian qua gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Nổi cộm như vụ Trịnh Xuân Thanh, một sở tỉnh Hải Dương có hàng chục cấp phó phòng, nhiều địa phương khác – một phòng, một sở bổ nhiệm người nhà vào các vị trí chủ chốt… Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của các cấp có liên quan trước khi bổ nhiệm ở đâu? Đến khi xử lý thì những cá nhân trước đó ký quyết định bổ nhiệm đã nghỉ hưu, vậy quyết định xử lý cán bộ đó có còn tính răn đe… “Gốc rễ ở đây là phải sửa Luật Công chức, Viên chức trong kỳ họp này”, cử tri Dung đề xuất.

Trả lời những câu hỏi của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, thời gian qua những vụ án tham nhũng, bổ nhiệm sai cán bộ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi có kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước đến nhân dân – đó là dân chủ trong xã hội, dân chủ trong sinh hoạt Đảng và quyền tôn trọng người dân. Bên cạnh đó, những sai phạm xảy ra cũng có liên quan tới công tác thanh tra, kiểm tra, công tác cán bộ, thông tin không được đầy đủ. Vì vậy, ngay trong Đại hội XII của Đảng, Đảng cũng đã nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm này và Đảng đã tự phê, tự sửa.

“Riêng tại TP.HCM, việc bổ nhiệm cán bộ đều được bỏ phiếu kín, có đánh giá, nhận xét của từng cá nhân. Có những cán bộ, khi xem xét, bổ nhiệm Ban Thường vụ Thành ủy phải xem xét cả ngày cũng chưa thông qua. Tất nhiên, cũng có khi việc được triển khai kỹ như vậy vẫn có sai sót, chủ quan. Nhưng trên quan điểm nếu sai sót khách quan thì phải rút kinh nghiệm, còn sai sót chủ quan thì kiên quyết xử lý đến tận cùng vấn đề”, bà Tâm khẳng định.

An Khánh

Bình luận (0)