Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Khát”… Ôsin

Tạp Chí Giáo Dục

“Nói nghe có vẻ vô lý, nhưng Ôsin (người giúp việc – NGV) là nguyên nhân gây “xì trét” nhiều nhất trong cuộc sống của tôi, nhất là từ khi tôi có thêm em bé.

Tìm được một cô giúp việc ưng ý đã khó, làm sao giữ được lâu càng khó hơn”, chị Ngọc Quý (Q.3, TP.HCM) chia sẻ. Đây cũng là mối quan tâm chung của nhiều gia đình hiện nay.
Muôn nẻo tìm Ôsin
Trong khi chờ đăng ký tìm NGV ở Công ty Chuyên Việc, chị Kim Cúc (Q.10, TP.HCM) giãi bày: “Chạy khắp các trung tâm giới thiệu NGV ở thành phố, tôi mới được giới thiệu cho một NGV. Vừa tới nhà tôi, cô này hỏi ngay: “Nhà chị có mấy người? Có người già, con nít không?”. Nghe tôi nói có hai con nhỏ và một mẹ già, cô này liền viện cớ thoái thác… Nghĩ lại còn tức, ai đời Ôsin lại đi chọn chủ nhà”.
Cùng cảnh ngộ với chị Cúc, chị Thuận cho biết: “Một NGV đến nhà tôi, sau khi xem xét gia cảnh đã từ chối thẳng vì không thể chăm em bé trong điều kiện thiếu tiện ích, nhà lại ở quận vùng ven. Trước đó, tôi đã từng có một NGV do mẹ tôi tìm dưới quê. Sau khi thông thuộc thành phố, cô ta đòi nghỉ vì: “Bé nhà chị quậy quá, em bị nhức đầu mãn tính, không chịu nổi”.
Mức lương phổ biến của NGV hiện nay khoảng 1,3 triệu – 1,8 triệu/tháng (bao ăn ở tại nhà chủ), thậm chí có nơi lương khởi điểm từ 2 – 2,5 triệu/tháng tùy lượng công việc nhiều hay ít, làm việc nhà hay giữ em bé, chăm sóc người già… Tại Công ty Phan Đăng, sau khi tôi đăng ký, nêu yêu cầu tìm NGV, anh nhân viên ghi nhận nhưng không hẹn chắc thời gian, vì hiện Công ty còn 10 khách hàng đăng ký đã hơn một tháng nay vẫn chưa đáp ứng được. “Tốt nhất chị nên tìm  NGV theo giờ, trong khi chờ kiếm được NGV ở lại nhà”, chị Hoa, một người có “thâm niên” thay bốn NGV trong hai năm, khuyên tôi như vậy và cho biết lý do thay NGV không phải do mình khó, mà do Ôsin… “chảnh”. Chị kể: “Thấy thằng con mình khóc la í ới, nhưng bà Ôsin vẫn thản nhiên dán mắt vào màn hình tivi, rồi trách ngược: “Sao em không dỗ con, để nó khóc hoài vậy?”. Còn chị Ôsin trước, ngay bữa cơm đầu tiên đã khuyến cáo: “Chị bị đau bao tử, bác sĩ dặn không được ăn đồ ăn cũ”. Bữa nào có thức ăn dư của ngày hôm trước, dù đã hâm nấu lại, Ôsin đẩy thẳng về phía vợ chồng tôi chứ không động đũa… Mình không mong gì Ôsin chuyên nghiệp, tháo vát, chỉ cần một NGV chăm chỉ, gắn bó lâu dài với công việc, với chủ nhà… nhưng tìm đỏ mắt không ra”.
Theo ông Phạm Hồng Long, Giám đốc Công ty Trí Tâm, cung vẫn chưa thể đáp ứng cầu. Số người đăng ký tìm NGV ở Công ty Trí Tâm mỗi năm tăng từ 5% – 10%. Trong khi đó, người đăng ký tìm việc giảm dần và thất thường theo thời điểm. Đa số NGV từ nông thôn lên, xem giúp việc nhà là công việc kiếm thêm lúc nông nhàn. Một số khác sau khi đã quen việc, thạo đường sá thành phố thì lại muốn làm việc theo giờ chứ không thích sống chung với chủ nhà. Thu nhập của NGV theo giờ khoảng ba triệu/tháng, nếu “chạy sô” cho hai, ba gia đình. Tính ra, lương GVN còn cao hơn lương… cử nhân mới ra trường. Nắm được nhu cầu “khát” NGV nên không ít người đặt nhiều yêu sách khiến người sử dụng lao động “bối rối”: chẳng hạn mỗi năm được nghỉ phép ít nhất 10 ngày, được nghỉ lễ tết, hoặc trả lương gấp ba lần nếu làm việc dịp lễ tết, không làm việc sau 21g, tăng lương mỗi năm ít nhất một lần, có tiền lương tháng 13…
Không thể kỳ vọng vào dịch vụ
Nắm bắt nhu cầu lớn về NGV, ở TP.HCM đang có nhiều công ty tổ chức tuyển dụng, đào tạo NGV với những kỹ năng cơ bản về giao tiếp, sử dụng các trang thiết bị gia dụng hiện đại… Tùy kinh nghiệm và khả năng, NGV sẽ được đào tạo từ 3 – 10 ngày  trước khi đến làm việc tại các gia đình. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ  GVN làm việc khá chuyên nghiệp. NGV có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có công ty còn mua cả bảo hiểm tai nạn cho NGV.
Tuy nhiên, do người sử dụng thường đòi hỏi cao ở NGV nên nhiều khi dịch vụ chuyên nghiệp cũng khó đáp ứng. Nhiều công ty dịch vụ việc làm cho biết, có những khách hàng gọi đến yêu cầu tìm NGV có giấy khám sức khỏe, xét  nghiệm máu, biết cách ứng xử, nấu ăn ngon, sạch sẽ, sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện đại… Nhưng tìm được một NGV hội đủ những yêu cầu trên thì không đơn giản.
Được đào tạo trong thời gian quá ngắn chỉ đủ để NGV làm quen những nguyên tắc cơ bản. Chưa kể, một số NGV đã có kinh nghiệm từ chối việc đào tạo. Trong khi đó, người sử dụng lao động lại quá kỳ vọng vào dịch vụ NGV chuyên nghiệp nên mâu thuẫn giữa chủ nhà, NGV và công ty cung cấp dịch vụ đã xảy ra. Bà Ngọc Ánh (Q.Phú Nhuận) bức xúc: “Trung tâm nói NGV đã được đào tạo, biết cách sắp xếp công việc, biết sử dụng thiết bị hiện đại. Vậy mà mới về ngày đầu, cô ta đã làm hư máy giặt; ngày thứ hai, áo quần lem luốc màu vì Ôsin như… người máy, bỏ tất cả vào máy giặt mà không phân loại từng thứ…”.
Trao đổi vấn đề này, bà Diễm Châu – Phó giám đốc Công ty Chuyên Việc cho rằng: “Không dễ tìm NGV hoàn hảo theo ý mình. Khi có NGV mới, chủ nhà nên mô tả chi tiết và hướng dẫn thao tác công việc, mỗi ngày một ít, để NGV quen dần với nếp sống gia đình và các trang thiết bị. Trong vài ngày đào tạo, nếu NGV học ào ào, ghi nhớ hết những gì được hướng dẫn thì… e rằng quá khó. Chủ nhà không nên quan niệm: “Công ty giới thiệu thì có thể tin tưởng 100%”. Dù các công ty đều yêu cầu NGV nộp lý lịch có xác nhận của địa phương và tìm cách xác nhận nhân thân người được tuyển dụng, nhưng chủ nhà cũng phải tự bảo quản tài sản của mình để tránh rủi ro”.
Ôsin… cử nhân
H.A.T., cử nhân ngành Đông Phương học đang giúp việc nhà cho một gia đình người Úc ở Q.2, chia sẻ: “Tốt nghiệp ĐH loại khá nhưng tôi chưa tìm được việc làm. Nghe người bạn nói gia đình ông sếp nước ngoài đang tìm NGV biết chút ít tiếng Anh, tôi đã làm thử và gắn bó luôn tới giờ. Công việc ổn định, không quá vất vả, có cơ hội luyện tiếng Anh và thu nhập cao hơn một số cử nhân mới ra trường, nên tôi chưa nghĩ đến việc tìm việc khác”. A.T. cho biết, cô còn hai người bạn đã tốt nghiệp ĐH hiện cũng đang làm việc nhà cho hai gia đình người nước ngoài khác. Vài người bạn muốn đi làm như cô nhưng không xin được việc vì không biết tiếng Anh.
N.T.B.H., cử nhân ĐH Công nghiệp, làm việc nhà kiêm gia sư tiếng Việt cho một gia đình vợ gốc Việt – chồng Pháp ở đường Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận gần một năm, cho  biết: “Tôi được thuê về làm gia sư dạy tiếng Việt cho hai bé bốn tuổi và bảy tuổi khi đang là sinh viên năm thứ ba. Sau khi tốt nghiệp, do chưa tìm được việc làm, tôi kiêm thêm nhiệm vụ giúp việc nhà. Tôi được đối xử như một nhân viên công ty, được nghỉ ngày chủ nhật và dịp lễ tết, nhưng có lẽ  cũng không thể kéo dài công việc này. Bạn bè người thân vẫn tưởng tôi đang làm cho một công ty nước ngoài”…
Theo Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)