Giữa trưa hè nóng hầm hập, cô Vệ nhẫn nại rẽ vào từng cửa hàng, từng quán ăn, từng văn phòng, từng hộ gia đình dọc phố Tràng Thi, Bà Triệu (Hà Nội), vội vã chìa đủ thứ giấy giới thiệu đã nhàu cả lớp ép plastic, chứng minh thư và luôn miệng khẳng định gia chủ có thể xác minh nhân thân của mình bằng mọi cách.
Vì đi xin, đi “khất thực” sự giúp đỡ nhưng lại không phải cho bản thân nên cô cố gắng để những người tiếp xúc hiểu việc mình làm không vì vụ lợi. Người phụ nữ tên Bùi Thị Vệ, ở Ban chấp hành Hội phụ nữ thôn Trại Cốc Hạ, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, sau khi chứng minh việc làm hoàn toàn trong sáng của mình, liền chìa ra những tấm ảnh thực sự “sốc”, chụp hình một đứa trẻ “ngoài hành tinh”…
Em đầu to, anh cơ thể quắt
Bé Nguyễn Văn Hiệp (2,5 tuổi) nằm ệp trên giường, trong gian nhà mái lợp pro-xi măng nóng như rang. Thằng bé nằm im, hiền lành, chân tay, cơ thể bé quắt, mềm oặt… chỉ có cái đầu là lớn ngoại cỡ. Cái đầu ngất ngư, kích thước gấp đến 3 lần cơ thể. Phần sau gáy và thóp trước trán phình lớn làm phần da đầu căng rạn, xanh rớt những gân, mạch máu.
Dù được cậu anh trai lớp 2 vuốt ve, vỗ về hay bố nựng đỡ, bé Hiệp không một phản ứng. Cái trán to sụ, bướu lồi kéo căng cả da mặt, khiến mí mắt bị giật ngược lên, che kín cả đôi mắt. Đôi lần, bàn tay nhỏ bé của Hiệp cố bấu lên mặt gãi, mí mắt dưới kéo xuống và người ta mới thấy được tròng mắt trẻ con đen lay láy.
Bố cháu bé đỡ con, xót xa: “Cháu bị bệnh não úng thuỷ từ nhỏ”. Hiệp là con thứ ba và cũng là đứa trẻ cắt đứt hy vọng cuối cùng có một đứa con bình thường của của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thức (SN 1969) và chị Nguyễn Thị Minh (SN 1973).
Anh Thức từng tham gia quân ngũ, đi lính nghĩa vụ giữa thời bình, 2 năm ở mấy tỉnh vùng núi phía Bắc. Năm 1991, anh xuất ngũ rồi lập gia đình. Đầu năm 1997, hai vợ chồng có cháu đầu lòng, Nguyễn Văn Hải. Chưa kịp hưởng niềm vui, vợ chồng anh phát hoảng vì phát hiện ở con những biểu hiện bất thường khi mới 2-3 tháng tuổi. Lăn lóc chạy chữa 4-5 tháng trời ở Viện Nhi TƯ, anh chị đành đưa con về, chấp nhận căn bệnh bại liệt, câm, điếc của bé.
Cậu con trai thứ 2 chào đời năm 2000, tên Nguyễn Văn Hiếu, đến năm lên 5 lại có những biểu hiện thiểu năng trí tuệ, đến nay, dù đã học lớp 2 nhưng vẫn hơi ngơ ngẩn, lúc quên lúc nhớ.
Năm 2006, Anh chị Thức – Minh có thêm cháu Nguyễn Văn Hiệp – một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh, hoàn toàn bình thường. Bi kịch lặp lại khi lên 3 tháng tuổi, Hiệp bắt đầu “khó ở”, quấy cả ngày đêm và đầu bỗng dưng to ra một cách bất thường, ấn vào thấy lõm sâu. Hai vợ chồng cuống quýt đưa con lên viện Nhi. Sau một tuần nằm viện, các bác sĩ kết luận cháu bé bị chứng não úng thủy – căn bệnh nan y, khó có hy vọng.
Tình cảnh gia đình rơi vào tuyệt vọng, kiệt quệ. 3 đứa con bệnh tật, thuốc thang, cuộc sống của 5 người trong nhà chỉ trông vào số tiền kiếm được hàng ngày của một trong hai vợ chồng. Một người phải thường trực ở nhà chăm con.
13 tuổi, cậu cả vẫn ngồi xe tập đi suốt ngày trước hiên nhà, thân người không lớn hơn đứa em út 2,5 tuổi bao nhiêu. Còn cậu bé “người ngoài hành tinh”, đầu vẫn ngày ngày to thêm, nay đã nặng tới gần 16kg.
Giờ chẳng còn khả năng tính tới việc chạy chữa cho con, anh chị Thức – Minh chỉ còn cố “chạy” vài chục nghìn mỗi ngày nuôi những đứa con tật nguyền. Nhà có 3 sào ruộng, cấy hái xong, hai vợ chồng lại thay nhau làm thuê làm mướn, kiếm thêm hộp sữa, lạng thịt cho con. Anh chị cũng đã nhiều lần làm đơn xin chính quyền trợ cấp, nhưng đến nay chỉ có cháu Hải được xã hỗ trợ 50.000 đồng/tháng, trường hợp cháu Hiếu và Hiệp vẫn đang xem xét.
Người phụ nữ “khất thực” cho… hàng xóm
Nói về gia cảnh nhà hàng xóm, cô Vệ lại rơm rớm nước mắt. Người cùng thôn cùng xã, biết hoàn cảnh gia đình, người cán bộ Hội phụ nữ vẫn qua thăm bọn trẻ luôn, mỗi lần lại dúi cho chị Minh lúc thì dăm ba chục nghìn, khi lại bịch sữa, gói bánh.
“Cô thực sự là người có tâm, nhìn thấy các cháu lần nào cũng khóc. Cô vẫn nói rất thương con trẻ nhưng điều kiện gia đình cũng chỉ đến mức, không khá giả gì hơn chòm xóm” – anh Thức cười buồn. Ngay việc giấy tờ xin chế độ, trợ cấp cho các cháu, vướng đâu cô Vệ cũng lại lăn vào, mang khắp nơi, từ xã tới huyện, lo giúp.
Chính người phụ nữ đã lên tuổi bà ấy đã nghĩ ra cách đi kêu gọi, vận động, xin sự giúp đỡ hộ gia đình anh Thức. Cô tự lên xã, huyện trình bày, xin giấy giới thiệu, gọi người chụp ảnh 2 đứa nhỏ tật nguyền đang tồn tại mòn mỏi giữa điều kiện thiếu thốn, kiệt quệ của cả nhà.
Gia đình cũng chủ yếu làm nông, may nhờ con cái phương trưởng cả, có lúc nào thong thả, rảnh rang đôi chút, cô Vệ lại làm một buổi “khất thực” giúp 2 cháu bé bệnh tật.
Một lần vào chùa La Khê (Hà Đông), cô Vệ trình bày và nhà chùa đã gom công đức, giúp được cho nhà Thức – Minh cả triệu đồng. Hay đi chùa lễ Pphật, tại chùa Quán Sứ, cô Vệ cũng gặp được một tín chủ ở làng Triều Khúc. Bà chủ xưởng nhựa đã theo về tận thôn Trại Hạ, thăm cậu bé “người ngoài hành tinh” và giúp cháu bé 3 triệu đồng để thuốc thang, chạy chữa.
Anh Thức gật đầu cảm kích về những việc làm ân nghĩa của người phụ nữ hàng xóm dành cho gia đình: “Thậm chí tiền tàu xe đi lại, cô Vệ cũng hoàn toàn bỏ tiền túi ra. Cô làm tất cả những việc đó hoàn toàn vì lòng tốt, hết sức giúp đỡ. Gia đình tôi cũng không biết lấy gì trả ơn”.
Cô hàng xóm vẫn động viên 2 vợ chồng thương các con, cố giữ những hy vọng. Dù sao đấy cũng là những “núm ruột” của mình. Thôi thì gia đình người ta ăn cơm, nhà mình ăn cháo, chăm các con được ngày nào hay ngày ấy.
Buổi đầu tiên lang thang dọc theo các phố với đủ thứ giấy giới thiệu và tập ảnh “gây sốc”, từ sáng tới trưa, cô Vệ mới chỉ gom được đôi ba trăm cho bé Hiệp. Quẹt mồ hôi chảy dài xuống cổ, người phụ nữ luống tuổi, da ngăm đen, đậm chất nhà nông cười xoà kể: “Vào mấy hàng ăn, họ kinh hãi xua đi, sợ để khách nhìn thấy mấy tấm ảnh. Gõ đúng cửa nhà một bác sĩ, ông tận tình vẽ vào sổ và chỉ tôi hơn chục huyệt điểm trên mặt, trên đầu chữa chứng não úng thuỷ về hướng dẫn lại nhà Thức – Minh xoa bóp, bấm huyệt cho con…”.
Quá nửa giờ chiều, người phụ nữ quê lại tất tả hỏi tuyến, điểm đón xe buýt quay lại bến Hà Đông bắt xe về lại thôn Trại Hạ. “Tôi hay đi chùa, Phật dạy làm việc thiện là phải thực tâm, cũng là việc làm để đức lại cho con cho cháu…”, cô Vệ cười hiền trước khi quay lưng…
Các bác sĩ cho biết, não úng thủy là tình trạng bệnh lý, trẻ bị thừa dịch não tủy trong não, gây tăng áp lực nội sọ. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là đầu trẻ to dần (có nhiều trường hợp to rất nhanh), thóp trước phồng và giãn rộng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, mô não sẽ bị chèn ép, dẫn đến những di chứng như mù, câm, điếc, liệt. Bệnh não úng thủy thường là bẩm sinh hoặc xuất hiện sau một đợt viêm não, viêm màng não, xuất huyết não, u não… Trên trang Web của Bệnh viện Việt Đức cho biết, điều trị bệnh não úng thủy trị rất phức tạp và tốn kém, có thể mổ nội soi hoặc mổ đặt dây với chi phí khoảng từ 5-10 triệu đồng. Tuy nhiên với hoàn cảnh hiện nay của vợ chồng anh chị Thức – Minh, đó là khoản tiền mà trong mơ họ cũng không thể nghĩ đến. Bé Nguyễn Văn Hiệp và gia đình rất mong nhận được những tấm lòng nhân ái, hảo tâm trong xã hội. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Nguyễn Văn Thức – thôn Trại Hạ, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. |
P.Thảo (dantri.com.vn)
Bình luận (0)