Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khát vọng của cô học trò nhặt ve chai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Góc học tập, nghỉ ngơi của hai mẹ con Trinh là chỗ phơi quần áo

Sau mỗi giờ tan lớp, cô học trò có gương mặt khả ái ở lại cùng với chị lao công. Khi ra về, chiếc cặp cồng kềnh của cô bé chứa toàn là vỏ chai, bao ni lông để bán kiếm tiền mua mì gói. Đó là em Trương Phúc Trinh, lớp 12B8, Trường THPT Marie Curie.
Mẹ con “họ nghèo”
Ngoài trời, những hạt mưa trái mùa vẫn rơi. Nơi gác trọ nằm sâu trong con hẻm đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3, Trinh đang phơi bộ đồng phục duy nhất đã ngả màu cho kịp khô để ngày mai đến lớp. Nói là gác trọ chứ thực ra đó chỉ là gác lửng bằng gỗ dùng để phơi quần áo của những người ở trọ, bên dưới được chủ nhà cho hai mẹ con Trinh ở tạm, mỗi tháng đóng 200 ngàn đồng.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Hậu Giang, mới học lên lớp 4, cha mẹ em đã chia tay nhau. Kể từ đó, em theo mẹ lên Sài Gòn sinh sống. Trinh phải theo mẹ ở trọ hết nơi này đến nơi khác. Chưa một lần Trinh được đi công viên, mua sắm, thế nhưng với Trinh điều đó không quan trọng bằng việc “được cắp sách đến trường”.
Mẹ Trinh, chị Lưu Trúc Lan ngậm ngùi kể: “Hai mẹ con ở trọ, thu nhập từ nghề phụ việc nhà của tôi chẳng được là bao nên việc Trinh đến được trường là rất khó khăn. Đa số là từ tiền đóng góp, ủng hộ của bà con, bạn bè. Cũng may là mấy năm nay được nhà trường miễn tiền học phí nên cũng đỡ”. Nghèo lại gặp eo. Một lần về quê, chị Lan bị té gãy xương sườn đành phải ở lại quê để điều trị gần nửa năm. Trinh ở thành phố một mình. Khi lành bệnh, chị trở lại thành phố để tiếp tục kiếm tiền nuôi con. Do nghỉ việc quá lâu nên chị mất việc, lại bị chủ nhà trọ lấy lại nhà, hai mẹ con không biết phải đi đâu, về đâu. May mắn khi được một người tốt bụng giới thiệu đến ở tạm căn gác lửng phơi quần áo và đó là “tổ ấm” của hai mẹ con chị cho tới nay. Ai kêu làm gì chị Lan làm nấy. Từ rửa chén, bưng bê, giặt quần áo… với quyết tâm kiếm cái chữ cho con. Cái xui này chưa qua cái xui khác lại ập đến. Cuối năm 2008, trên đường đi làm chị lại bị tai nạn gãy tay đến nay vẫn chưa khỏi. Rồi thỉnh thoảng cơn bệnh viêm đa xoang lại tái phát hành hạ chị.
Nuôi ước mơ bằng… mì gói
Nghèo khó, vất vả nhưng Trinh luôn lạc quan, yêu đời. Thấy mẹ vất vả đã có lúc Trinh nghĩ đến chuyện nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền mua thuốc cho mẹ. Nhưng với ý nghĩ “có cái chữ mới mong thoát được cảnh xóm trọ” và có tiền chữa bệnh cho mẹ nên Trinh lại tiếp tục đến trường với bao mơ ước. Cũng vì cái nghèo mà từ bao năm nay Trinh không biết đến bữa ăn sáng là gì. Sáng nhịn đói đạp xe đến trường, bữa trưa lót dạ bằng gói mì tôm rồi tiếp tục học. “Em tập không ăn sáng từ lâu rồi, ăn mì tôm lâu rồi cũng quen” – Trinh tâm sự.
Năng động, nhanh nhẹn và để “nuôi” ước mơ trở thành SV của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, sau mỗi buổi học, Trinh xin cô lao công cho mình được nhặt những bình nhựa, bao ni lông do các bạn thải ra ở trường bỏ vào cặp về bán ve chai. Mỗi ngày Trinh cũng gom được 3 – 4 ngàn dành để mua mì gói.
Tôi ra về, bà chủ nhà trọ nói với theo: “Chú kiếm giùm nhà nào khác cho nó ở chứ tháng sau tôi phải xây lại nhà rồi”.
Lúc học lớp 5, Trinh đã được học hệ trung cấp Trường Múa thành phố và tốt nghiệp năm ngoái (hệ 7 năm). Mỗi khi có sô diễn, Trinh lại lén mẹ theo các anh chị đi múa để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, học tập.
Khó khăn là thế nhưng bảng thành tích học tập của Trinh cũng thật đáng nể, liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc của Trường THCS Lê Quý Đôn. Vào Trường THPT Marie Curie em vẫn luôn giữ vững được thành tích học sinh khá và nhận học bổng của trường.
Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)