Đọc lại thơ chúc Tết của Bác Hồ, chúng ta càng thấy rõ hơn khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất được thể hiện sinh động, hùng hồn trong từng câu thơ mừng năm mới. Trong 22 bài thơ chúc Tết, có tới 11 lần Bác nhấn mạnh cụm từ “hòa bình, thống nhất” và “thống nhất, độc lập”. Đó chính là sự khẳng định mạnh mẽ tinh thần giữ gìn độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Bác Hồ đã nêu lên quyết tâm sắt đá: “Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các phụ lão và văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngày 5-2-1962 (mồng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Ảnh tư liệu
Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói: “Độc lập, tự do là của cải quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng gìn giữ, bảo vệ”. Năm 1947, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy thử thách, gian truân, Bác có bài thơ “Chúc Tết Đinh Hợi – 1947” với lời thơ đầy hào sảng, lạc quan: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Cả non sông cùng chuyển động, cùng hừng hực khí thế bước vào năm mới với niềm tin mãnh liệt (nhất định thắng lợi, nhất định thành công). Năm 1948, nhân dịp Tết đến xuân về, Bác có bài thơ “Chúc Tết Mậu Tý – 1948” gửi đồng bào, chiến sĩ: “Năm Hợi đã đi qua/ Năm Tý vừa bước tới/ Gửi lời chúc đồng bào/ Kháng chiến được thắng lợi/ Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công”. Bao trùm lên lời thơ là niềm tin sắt đá không gì lay chuyển nổi: “Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công”; lời, ý đối nhau, tạo nên sự hô ứng hài hòa, sinh động… Năm 1953, Bác có bài thơ “Chúc Tết Quý Tỵ – 1953” ngắn gọn mà chứa bao điều lớn lao, ý nghĩa: “Toàn thể chiến sĩ thi đua giết giặc/ Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Độc lập thống nhất, nhất định thành công”. Một lần nữa, Bác lại khẳng định mạnh mẽ: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Độc lập thống nhất, nhất định thành công”. Năm 1954, Bác có bài thơ “Chúc Tết Bính Thân – 1954” với sáu dòng mà chứa đựng cả nhiệm vụ hai miền Nam – Bắc trong công cuộc xây dựng và đấu tranh thống nhất: “Thân ái mấy lời chúc Tết/ Toàn dân đoàn kết một lòng/ Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí, bền gan phấn đấu/ Hòa bình, thống nhất thành công”. Cụm từ “Hòa bình, thống nhất” lại được được nhắc tới như một khát vọng, một niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Năm 1959, Bác có bài thơ “Chúc Tết Kỷ Hợi – 1959” với bốn câu thơ tứ tuyệt ngắn gọn, đầy niềm vui: “Chúc mừng đồng bào năm mới/ Đoàn kết thi đua tiến tới/ Hoàn thành kế hoạch ba năm/ Thống nhất nước nhà thắng lợi”. Khát vọng thống nhất lúc này thật thiêng liêng, cao cả. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ ký ngày 20-7-1954 thì hai năm sau (1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Thời điểm này đã hơn hai năm quy định nhưng sự nghiệp thống nhất chưa thành! Đó cũng là nỗi niềm trăn trở của Bác, của cả dân tộc Việt Nam! Năm 1960, Bác có bài thơ “Chúc Tết Canh Tý – 1960” tràn đầy niềm vui: “Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh!/ Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!/ Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa/ Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh/ Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ/ Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên/ Thống nhất nước nhà, Bắc – Nam vui vẻ!”. Sau ba năm khôi phục và cải tạo kinh tế, miền Bắc ngày càng thay da đổi thịt, đời sống nhân dân ngày càng no ấm (Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê – Tố Hữu). Tết Canh Tý 1960 hòa trong không khí rộn ràng, phấn khởi của cuộc sống hòa bình và những ngày kỷ niệm (Đảng ta tròn 30 tuổi; Nhà nước Công nông tròn 15 tuổi). Những lời chúc Tết thật đầm ấm nghĩa tình và một lần nữa Bác nhắc đến niềm tin “Thống nhất nước nhà Bắc – Nam vui vẻ”. Năm 1961, Bác có bài thơ “Chúc Tết Tân Sửu – 1961” với giọng thơ thật hào sảng, vui tươi: “Mừng năm mới, mừng xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng thế giới/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh/ Kế hoạch 5 năm thêm phấn khởi/ Chúc miền Bắc hăng hái thi đua/ Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!/ Chúc hòa bình thống nhất thành công!/ Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội, ngày 27-1-1960 (đêm giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý). Ảnh tư liệu
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) đã quyết định đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh dân chủ, nhân dân. Nhịp thơ vang khỏe, hào hứng biểu đạt niềm vui phơi phới cùng những lời chúc Tết ân tình của Bác (Chúc miền Bắc, chúc miền Nam, chúc hòa bình, thống nhất, chúc chủ nghĩa xã hội). Năm 1962, Bác có bài thơ “Chúc Tết Nhâm Dần – 1962” với lời thơ thật sôi nổi: “Năm Dần, mừng xuân thế giới/ Cả 5 châu phất phới cờ hồng/ Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi/ Bốn mùa hoa Duyên hải, Đại phong/ Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới/ Sức triệu người hơn sóng biển Đông/ Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/ Hòa bình thống nhất quyết thành công”. Lời thơ rộn rã, vui tươi khi Bác chứng kiến miền Bắc từng bước đi vào kế hoạch 5 năm xây dựng cuộc sống mới, con người mới. Bác vui hơn khi miền Nam đoàn kết đấu tranh, triệu người như một quyết giành lấy hòa bình. Cuối cùng, lần nữa Bác khẳng định mạnh mẽ: “Hòa bình thống nhất quyết thành công”. Năm 1963, Bác có bài thơ “Chúc Tết Quý Mão – 1963” ngắn gọn mà sâu sắc: “Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam – Bắc là con một nhà/ Mừng năm mới/ Cố gắng mới/ Tiến bộ mới/ Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. Bác khẳng định mạnh mẽ sự thống nhất của đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam là một sự hiển nhiên. Phấn đấu đi đến công cuộc đấu tranh, thống nhất nước nhà là nguyện vọng của cả dân tộc. Năm 1964, Bác có bài thơ “Chúc Tết Giáp Thìn – 1964” bằng thể thơ lục bát gần gũi, quen thuộc: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/ Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Mở đầu lời thơ chúc Tết là sự khẳng định khối thống nhất Bắc Nam không thể tách rời bằng hình ảnh so sánh sinh động “Bắc Nam như cội với cành”. Tiếp đó Bác nhắc lại từ “thống nhất” với niềm tin cao cả: “Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”. Năm 1965, Bác có bài thơ “Chúc Tết Ất Tỵ – 1965” với lời thơ mộc mạc, chân tình mang đầy niềm vui, phấn khởi trước thềm năm mới: “Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới/ Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi/ Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi/ Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới/ Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi/ Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng/ Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi!/ Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!”. Giọng thơ sôi nổi, hào hùng trong khí thế cả nước cùng đánh Mỹ, cùng thắng Mỹ. Trong bối cảnh đó, Bác vẫn mang đến cho mọi người niềm tin thống nhất (Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!). Năm 1969, Bác có bài thơ “Chúc Tết Kỷ Dậu – 1969” bằng thể thơ lục bát mang nét dân gian mà hiện đại: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã và đang thu được nhiều thắng lợi to lớn. Một lần nữa Bác khẳng định: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chúng ta kháng chiến chống ngoại xâm vì độc lập, tự do của dân tộc; vì khát vọng bao đời của dân tộc Việt Nam. Bởi Bác đã đúc kết thành chân lý muôn đời trong “Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước” (ngày 17-7-1966): “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Từ buổi bước chân xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác đã luôn canh cánh bên lòng về con đường giải phóng dân tộc; về con đường giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc. Vì vậy, trong những bài thơ chúc Tết hàng năm đương thời trên tinh thần “Vừa là kêu gọi, vừa làm mừng xuân”, tư tưởng về khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất luôn hiện hữu trong từng câu chữ, trong từng lời thơ của Bác. Tư tưởng về độc lập, hòa bình, thống nhất đó đã trở thành máu thịt; trở thành một phần quan trọng trong tư duy, suy nghĩ của Bác.
Lê Đức Đồng
Tài liệu tham khảo: Danh nhân Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Lao động, 2000. Hồ Chí Minh, thơ và đời – Nhà xuất bản Văn học, 2012. Hợp tuyển Văn học trung đại Việt Nam (thế kỷ X-XIX), tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục, 2004. Thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ và lời bình – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2015.
Bình luận (0)