Chọn nông nghiệp là lĩnh vực để bắt tay vào thực hiện những dự án khởi nghiệp. Các bạn trẻ Việt Nam đang ngày một khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm đối với thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế…
Bắt nấm phải “cười”
“Bạn có biết, mỗi khi dùng sản phẩm Nấm Tươi Cười là bạn đã tạo thêm nhiều thu nhập hơn nữa cho người khuyết tật, người nông dân và những người có hoàn cảnh khó khăn Việt Nam”.
Đó là dòng chữ được in ngay ngắn trên các sản phẩm Nấm Tươi Cười – dự án khởi nghiệp của một 8X đời đầu, Phạm Hồng Vân. Những dòng chữ này, cộng thêm những thông tin về dinh dưỡng và chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng đã không còn ngần ngại bỏ tiền ra mua. Trên thực tế, Nấm Tươi Cười đã tạo thu nhập cho gần 40 người khuyết tật và phụ nữ khó khăn khi tham gia các khâu sơ chế, chế biến nguyên liệu.
Được khởi đầu từ 2010, sản phẩm đầu tiên khởi nguồn cho dự án là ruốc nấm dành cho người ăn chay. Vân cho biết, sản phẩm là một sự tình cờ sau một khóa học về thiền. Càng tìm hiểu về nấm, cô càng thấy đây là một loại thực phẩm hữu ích cho người tiêu dùng. “Nấm là sản phẩm gần gũi với bữa ăn của người Việt, là một loại thực phẩm có sự dung hòa giữa protein (không chứa cholesteron) của động vật và các khoáng chất, axit amin của thực vật. Không chỉ cung cấp năng lượng, nấm còn có khả năng phòng và chống được một số loại bệnh như tim mạch, tiểu đường, mỡ trong máu… Điều đó đã thôi thúc tôi phải tạo dựng một thương hiệu cho các sản phẩm độc đáo từ nấm”, Vân chia sẻ. Việc ra đời sản phẩm đầu tiên và được thị trường tiêu dùng chấp nhận từ những ngày đầu càng khiến cô gái Hà thành thêm có động lực để nghiên cứu và phát triển các loại sản phẩm khác từ nấm. Sau 7 năm mày mò, Nấm Tươi Cười hiện có 2 dòng sản phẩm chính là ruốc nấm và giò nấm với các loại gia vị, nguyên liệu phù hợp với cả người ăn chay lẫn ăn thịt. Sắp tới, dự án sẽ cho ra mắt dòng nước uống thảo dược chiết xuất từ nấm dược liệu và nấm ăn. Một điều khá thú vị là các nguyên liệu nấm đều thu mua từ những bà con nông dân sử dụng các chế phẩm sạch như ngũ cốc hoặc dược liệu để nuôi trồng và sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế mầm bệnh. Hiện các sản phẩm của Nấm Tươi Cười đã có mặt tại các chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, phục vụ nhu cầu cho mọi đối tượng khách hàng.
Ngoài việc được thị trường trong nước chấp nhận, các sản phẩm còn nhận được sự quan tâm của các thị trường nước ngoài. Đã có nhiều nhà đầu tư đề cập hợp tác và chịu trả giá cao cho việc “gia công” cho các sản phẩm giò nấm, ruốc nấm nhưng bị Vân chối từ vì một lý do rất đơn giản: cô muốn nhìn thấy những sản phẩm của mình được dán mác “Nấm Tươi Cười made in Viet Nam” và bày bán trên các quầy hàng ngoại, chứ không phải khoác một màu áo khác giống như bài học nhượng quyền của các sản phẩm từ nông sản Việt như nước mắm, gạo, trái cây trước đây. Nghĩ là làm! Vận dụng những kiến thức về marketing từ khi còn học ĐH, vận dụng các mối quan hệ bạn bè quốc tế, Vân “đem chuông đi đánh xứ người”. Hết thương thảo với các đối tác nước ngoài như Coca-Cola, Wall Mart…, Vân chuyển sang đàm phán với các đối tác thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay… để sản phẩm có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Và cho đến thời điểm hiện tại, ngoài thị trường trong nước với 230 điểm bán lẻ, 7 nhà phân phối, Nấm Tươi Cười đã có hàng trăm đơn hàng từ khách hàng quốc tế và tất cả đều có những phản hồi tích cực về các sản phẩm này.
Đưa rau má ra thị trường thế giới
Không đành lòng để người tiêu dùng phải sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng quá lớn, cô gái xứ Quảng, Nguyễn Ngọc Hương (sinh năm 1994) cùng cộng sự của mình đã bắt tay khởi nghiệp bằng việc chế biến bột từ cây rau má. “Rau má là loại cây cỏ tác dụng thanh mát, giải độc gan, ngừa ung thư và làm đẹp da. Tuy nhiên, quy trình chế biến như pha chế nước, nấu canh lại không lấy hết được các chất và vitamin. Đó là chưa kể việc nhiều người không dám sử dụng vì lo ngại nguồn rau má có nguy cơ bị nhiễm hóa chất độc hại, nhất là dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng còn tồn đọng. Trong khi đó, các sản phẩm bột rau má trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc, có chất lượng kém hoặc pha trộn tạp chất vẫn còn tràn lan, khó kiểm soát. Vì vậy, nhóm muốn tạo ra sản phẩm cho nhiều mục đích, giải quyết được mọi vấn đề của bài toán thị trường”, Hương phân tích.
Và với nhiệt huyết tuổi trẻ, năm 2014, nhóm bắt tay vào làm, bắt đầu từ việc thành lập trang trại rau má với diện tích 7.000m2 tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi với cam kết nói không với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ và thuốc kích thích. Dự tính chỉ sau 1 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch, thế nhưng, bài toán khởi nghiệp không như những gì định trước. Cả ba phải mất hơn 2 năm để thực hiện các khâu làm sạch đất, gieo giống, xây dựng hệ thống tưới nước…, mất thêm 1 năm mày mò với nhiều lần kiểm định sản phẩm để cho ra được sản phẩm như ý. Bù lại, thành phẩm bột rau má được tạo ra rất mịn, giữ được toàn vẹn chất xơ, diệp lục và dinh dưỡng của rau tươi; mùi vị và màu sắc tự nhiên, đặc trưng của rau má; bột được tiệt trùng, diệt trừ vi khuẩn gây hại, nấm và trứng giun sán; độ ẩm của bột dưới 5% giúp bảo quản lâu mà không cần chất bảo quản; phù hợp cho cả trẻ em và người khó ăn rau xanh. Thương hiệu bột rau má Quảng Thanh ra đời đã đáp ứng được hầu hết các mục đích sử dụng khác nhau của người dùng như: làm đẹp, dùng chế biến thức ăn, đồ uống hoặc dùng với mục đích chữa các bệnh do cơ thể bị nhiệt, sốt, bệnh ngoài da,…
Ngoài ra, dự án hiện đã phát triển thêm ba dòng sản phẩm khác là bột trà xanh, bột chùm ngây và bột diếp cá. Tất cả đều có chứng nhận an toàn về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập cho nhiều nông dân ở Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng. Hiện tại, ngoài thị phần khách hàng trong nước, một số đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Độ đã tìm đến dự án để đặt vấn đề cho thị trường xuất khẩu.
Cây chùm ngây cùng nông dân vượt khó
Chùm ngây là loại cây không còn xa lạ với nhiều người, nhất là khi nó được giới khoa học đánh giá là giải pháp lương thực thứ 3 trên thế giới, cải thiện dinh dưỡng cho các quốc gia nghèo đói và khô hạn ở châu Phi. Nhưng, để biến lá chùm ngây thành những sản phẩm gần gũi với bữa ăn người Việt như bún khô, miến, bánh tráng… thì mới chỉ có chàng trai xứ Thanh, Trương Thế Tiến (SN 1987) làm được. Mới đây, sản phẩm bún tươi chùm ngây cũng nhận được phản hồi tích cực khi đi chào hàng tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội.
Bên cạnh các ngành hàng chế biến thực phẩm, Tiến cũng đã nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mỹ phẩm từ loại cây này như mặt nạ, tinh dầu chùm ngây… và đặc biệt là chế phẩm sinh học kháng lại các loại bệnh, nấm ở cây trồng chiết xuất từ chùm ngây. Trong tương lai gần, các loại bún và miến cũng sẽ được xuất khẩu sang thị trường một số nước trong khu vực châu Á.
Nhìn những mặt hàng được bày bán, ít ai biết được rằng: đằng sau chuỗi các sản phẩm này, là cả một câu chuyện dài hơi của Tiến với nông nghiệp. Nhận thấy thị trường xuất khẩu rộng lớn từ chùm ngây và không có lợi thế phát triển nào bằng nông nghiệp, Tiến đã giao khoán cho nông dân Đăk LắK và Thanh Hóa trồng gần 80ha chùm ngây ở vùng đất rừng giáp Lào và Campuchia. Hiện tại, cây đã cho thu hoạch tốt, giải quyết bài toán kinh tế cho nhiều nông dân ở vùng này. Chàng trai xứ Thanh này cũng kỳ vọng trong 5 năm tới sẽ quy hoạch được ít nhất 100ha chùm ngây tại vùng đất Tây Nguyên, góp phần thay đổi cơ cấu nông nghiệp của bà con vùng này. “Chùm ngây là loại cây rất dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với thổ nhưỡng vùng núi có độ dốc cao; là loại cây cho thu hoạch nhanh, cần ít vốn mà lại không phải chăm sóc nhiều như các loại cây trồng khác như tiêu, điều, chè, cà phê… Nếu thị trường xuất khẩu tốt, chùm ngây sẽ là sản phẩm tạo giá trị cho nông sản Việt Nam, tạo thu nhập cho người nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa”, Tiến khẳng định.
Ngọc Anh
Bình luận (0)