Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khát vọng hồi sinh một làng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trần Mạnh Thiều Giám đốc Cty TNHH sản xuất và thương mại Trí ViệtĐối với bà con nông dân chân lấm tay bùn, Trần Mạnh Thiều – Giám đốc Cty TNHH sản xuất và thương mại Trí Việt – là 1một ông chủ giàu có, còn anh luôn ấp ủ một khát vọng cháy bỏng: Bao giờ làng Gốm Phù Lãng của mình thực sự hồi sinh?

Chỉ thích nặn đất sét

– Nghe nói, 10 năm trước, bố mẹ bắt thi sư phạm, anh lại nhảy sang mỹ thuật công nghiệp khiến gia đình rất thất vọng?

 Ở quê tôi lúc đó, nhà nào có con thi đỗ ngành sư phạm, ra trường được “gõ đầu” con trẻ, nhà đó được coi là rất sang trọng và văn hóa. Bố mẹ tôi cũng đã hI vọng về tôi như vậy. Khi tôi thi vào hệ trung cấp trường Mỹ thuật công nghiệp, cả nhà “sốc” nặng. Tốt nghiệp trung cấp, tôi học tiếp 5 năm đại học, khi ấy, ông bà mới hiểu rằng tôi đã chọn đúng nghề và đi đúng con đường của mình.

– Thời ấy, ở Phù Lãng có mấy người còn gắn bó với nghề gốm, tại sao anh lại chọn hướng đi đó?

Tôi rất thích “chơi” với đất sét. Hồi bé, tôi và lũ bạn thường lấy đất sét nặn thành ôtô, tàu hỏa, xe máy… những thứ mà bọn tôi chỉ nhìn thấy trên tivi là chính. Bọn trẻ chúng tôi cứ đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại không làm được ôtô, xe máy như họ, trong khi mình hoàn toàn có thể làm được, đẹp hơn là đằng khác. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu, để có được chiếc ôtô, ngoài nghệ thuật tạo dáng ra còn cần rất nhiều yếu tố khác.

Mặc dù nghề gốm của làng khi ấy đã mai một đi nhiều, người dân phải đổ đi khắp nơi để kiếm việc làm nhưng hàng năm, một số gia đình trong làng vẫn đón nhiều lớp sinh viên mỹ thuật về thực tập. Có những họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi như Lê Liên, Trần Tuy… thường ở làng hàng tháng trời để sáng tác. Tôi cứ lân la làm quen và bắt chước. Bức tượng nào nặn xong cũng được mọi người khen và… xin hết. Thế là say nghề lúc nào không biết.

Bỏ phố về làng

– Trở thành sinh viên mỹ thuật đúng vào thời kỳ kinh tế đất nước bùng nổ. Điều đó có tác động như thế nào đến định hướng công việc của anh?

Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu của con người cũng tăng lên nhanh chóng. Sinh viên mỹ thuật bọn tôi có được rất nhiều cơ hội. Ngày ấy, truyền thông mới ở dạng tĩnh. Các biển, bảng quảng cáo được sử dụng rất nhiều. Có những tấm áp phích tới hàng trăm triệu đồng. Công nghệ in phun lên tấm lớn chưa có, bọn tôi vẽ tay hàng loạt. Sinh viên mỹ thuật vừa học vừa làm, học ở trường, học ở thực tế nên bắt nhịp rất nhanh.

Khoảng chục năm nay, công nghệ in phun trên mọi chất liệu phát triển, lại có máy cắt chữ vi tính, nghề làm quảng cáo càng có điều kiện phát triển nhanh. Một số DN như Cty quảng cáo Trẻ, quảng cáo Vàng, từ con số  không mà trở thành những DN mạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Chính sách kinh tế mở đã mở ra nhiều cơ hội tốt cho nhiều người, trong đó có tôi.

Khi ra trường tôi thấy đã đến thời của gốm vì vậy tôi về làng và tổ chức sản xuất ngay. Hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ăn nhau là ở ý tưởng.

Họa sĩ Lê Liên, họa sĩ Trần Tuy là những người trưởng thành từ chất liệu gốm. Tôi ngưỡng mộ, cố gắng học hỏi và chịu nhiều ảnh hưởng từ họ. Tôi không thích những sản phẩm màu sắc lòe loẹt, hình hài phức tạp. Đó chỉ để đánh lừa con mắt. Nhưng đơn giản mà đẹp lại là cả một nghệ thuật.

– Là một người làm nghệ thuật và kinh doanh làm thế nào để tạo được sự hài hòa trong sự nghiệp của mình?

Một mặt, tôi sản xuất đại trà những sản phẩm mà thị trường đòi hỏi; mặt khác, tôi hướng tới những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao. Những sản phẩm này được “đứng chung” với những sản phẩm khác trong các công trình công cộng (hồ Hoàn Kiếm, trung tâm Hội nghị quốc gia, khu du lịch Bảo Sơn…) hay trong vườn của những gia đình giàu có. Thực tế đã chứng minh, đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hay nói một cách khác, xã hội càng phát triển thì những sản phẩm này càng có đất sống.  Cái được nhất của việc kết hợp giữa tâm hồn người nghệ sĩ với những con số khô cứng là tạo ra được những sản phẩm đa dạng, có tính thẩm mỹ cao và được thị trường chấp nhận. Nhưng anh có bị “trả giá” cho những tính toán không phù hợp với thực tế mà người nghệ sĩ làm kinh doanh rất dễ mắc phải?

Trong xưởng của tôi hiện có hàng triệu sản phẩm lớn nhỏ với số tiền gần 1 tỷ đồng đang nằm yên. Đó là cái giá phải trả cho những toan tính không theo logic, cứ thích làm cái mà mình muốn. Nhưng trong cái rủi luôn có cái may. Thời gian này, giá cả đầu vào đột nhiên tăng lên rất cao. Các chi phí hầu như tăng lên gấp đôi mà giá sản phẩm thì chỉ tăng một chút đã bị mất khách. Mọi người đều sản xuất mang tính cầm chừng, đợi giá cả ổn định trở lại. Riêng tôi thì ung dung hơn nhờ lượng gốm không nhỏ nằm “chết” từ năm ngoái, giờ chỉ việc xuất xưởng mà không lo giá của mình thiếu tính cạnh tranh. Tôi có được những giờ phút thảnh thơi để nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Chúng tôi đang thực hiện một hợp đồng lớn, thiết kế, sản xuất và trưng bày các tác phẩm gốm trong khu du lịch Bảo Sơn.

Kết hợp gốm với du lịch văn hoá

– Tự xây dựng thương hiệu, tự bỏ mọi chi phí tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm, anh có nghĩ rằng, để làm nổi bật hay cao hơn là làm sống dậy một làng nghề, mọi chi phí, cố gắng của anh chưa đủ?

Thương hiệu Phù Lãng là một thương hiệu lớn. Tuy nhiên, nó cũng thăng trầm như nhiều làng nghề khác. 10 năm trước, Phù Lãng đã gần như bị lãng quên. Từ khi tôi và anh Nhung (chủ một cơ sở sản xuất gốm ở Phù Lãng) mạnh dạn bắt tay vào tổ chức sản xuất thì nghề gốm chính thức được khôi phục. Phù Lãng có 5 thôn thì 2 thôn (khoảng hơn 100 hộ gia đình) quay trở lại làm gốm. Từ chỗ người ta biết đến Phù Lãng chỉ có chum, vại, tiểu thì Phù Lãng hôm nay đã phát triển gốm với nhiều sắc thái khác nhau. Chén, bát, cốc, bình, lọ, các tác phẩm điêu khắc, phù điêu, tranh gốm. Rõ ràng  là phải có sự nỗ lực của rất nhiều người trong làng.

– Để tránh đi vào lối mòn, anh có kế hoạch gì cho bước phát triển của mình?

Ngoài những công việc như sản xuất đại trà, phục vụ cho số đông (để đảm bảo lợi nhuận) và tạo ra được những tác phẩm có chiều sâu văn hóa, phục vụ những khách hàng đặc biệt, tôi bắt đầu thử nghiệm một mô hình mới: tổ chức du lịch tại chỗ. Bước đầu tiên, đối tượng mà tôi nhắm tới là các khách hàng nhỏ tuổi và khách nước ngoài. Với hai đối tượng này, tôi giải quyết được hai vấn đề: Những giờ học ngoại khóa bổ ích, một ngày pinic đầy thú vị cho các học sinh; đáp ứng mục đích du lịch khám phá văn hóa làng nghề của các vị khách ngoại quốc. Cty Trí Việt kết hợp với Cty cổ phần dịch vụ M&T (Mediatour) – một DN hoạt động trên cả hai lĩnh vực truyền thông và du lịch. Họ tổ chức tour còn tôi đáp ứng các yêu cầu tại chỗ.

Tôi hi vọng, cùng với các hoạt động sản xuất, hình thức hoạt động mới này của chúng tôi sẽ tạo ra nhu cầu mới, thiết thực cho các học sinh và du khách. Đó cũng sẽ là điều kiện quan trọng để góp phần cho Phù Lãng bật dậy nhanh hơn trong nền kinh tế thị trường. 

– Cảm ơn anh!

Nguyễn Kim Khánh (dddn)

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)