Lễ tri ân và trưởng thành tại các trường THPT được tổ chức trong thời điểm các em học sinh sắp kết thúc 12 năm học phổ thông để bắt đầu một chặng đường mới, cũng là sự kiện đánh dấu các em tròn 18 tuổi – tuổi bắt đầu được thực hiện quyền và nghĩa vụ một công dân. Vì vậy, mỗi học sinh đều mang trong mình những cảm xúc khó tả.
Học sinh Trường THCS-THPT Trương Vĩnh Ký tặng hoa cho cha mẹ trong lễ tri ân và trưởng thành |
Đây là một hoạt động rất ý nghĩa được ngành GD-ĐT TP.HCM chú trọng tổ chức trong nhiều năm qua.
Những hình ảnh khó quên
Xuất hiện cùng các em trong buổi lễ tri ân là những người cha, người mẹ sớm hôm tảo tần, lo toan để nuôi con khôn lớn. Hình ảnh biểu lộ cảm xúc của các đứa con tri ân công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ khiến những người chứng kiến thực sự xúc động. Tại Trường THPT Thành Nhân, những người cùng xuất hiện trong buổi lễ không thể quên hành động của một nam sinh lớp 12 khi em kéo ghế, mời cha ngồi rồi quỳ xuống để mang giày cho cha. “Trong khi các bạn khác tặng hoa, tặng thiệp, tặng những món quà đơn giản thì em đã tặng cha một đôi giày bằng chính tiền tiết kiệm của mình trong một thời gian dài. Theo lời tâm sự của em thì cha em là một người buôn bán, cả đời chưa đi đôi giày nào tử tế. Đôi giày em tặng đã khiến người cha và những người tham dự buổi lễ hôm đó thực sự xúc động”, thầy Nguyễn Đình Độ (Phó Hiệu trưởng nhà trường) nhớ lại.
Trên sân khấu lễ tri ân tại Trường THCS-THPT Trương Vĩnh Ký, hình ảnh học sinh xếp hàng dài, ôm hoa cúi đầu chào cha mẹ đã tạo nên những cung bậc cảm xúc khó quên. Sau động tác cúi chào, tặng hoa, những giọt nước mắt rơi… là những cái ôm thật chặt đã xóa đi khoảng cách, nghi ngại bấy lâu nay của các bậc phụ huynh về con cái mình. Cũng trên sân khấu này, người xuất hiện cùng các em có khi không phải cha mẹ mà là người bà, người dì mà các em coi như người mẹ thứ hai trong cuộc đời mình khi bà đã 70 tuổi mà vẫn chăm sóc đứa cháu ốm đau, hay lúc trời mưa được dì đúc bánh xèo cho ăn…
Trong khi đó buổi lễ tri ân tại Trường THPT Trần Khai Nguyên lại khiến các em học sinh thích thú khi được tự tay thả những chùm bong bóng mang theo những ước mơ, khát vọng về chặng đường phía trước. Tiếp đó, các em cùng thổi nến chúc mừng sinh nhật tuổi 18, chia sẻ cho nhau từng trang lưu bút tuổi học trò…
Các trang viết đầy xúc động
Một hoạt động không thể thiếu trong lễ tri ân và trưởng thành chính là những bài viết tri ân của học sinh về gia đình, thầy cô – những người đã đổ bao mồ hôi, công sức để săn sóc, dạy dỗ các em đến ngày hôm nay. Để có được những bài viết thực sự xúc động, các trường đã tổ chức cho học sinh viết bài tri ân về người mà mình có nhiều tình cảm, gắn bó nhất. Là người gắn bó lâu năm với Trường THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (ngôi trường khởi nguồn của lễ tri ân và trưởng thành), PGS. Trần Hữu Tá nhìn nhận: “Bài viết của các em nhìn chung rất mộc mạc, chân chất, đây đó có không ít suy nghĩ chín chắn khiến tôi rất xúc động. Tình yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô của các em vẫn sôi nổi như thời niên thiếu nhưng không chỉ nặng về mặt cảm tính mà còn có bề dày của nhận thức. Các em đã tâm sự, nhớ lại tỉ mỉ sự chăm sóc ân cần của cha mẹ từ miếng ăn, viên thuốc đến việc học hành, rèn luyện nhân cách. Các em cũng nhắc những kỷ niệm về thầy cô, bè bạn, mái trường với những nét riêng đẹp và sâu sắc, nhớ những giọt mồ hôi thầy cô rơi vì mình, không quên những lời dạy ân cần mà thầy cô đã dành cho mình”.
Phụ huynh và học sinh Trường THCS-THPT Nhân Văn đốt nến ước nguyện cho chặng đường phía trước |
Nhờ sự chuẩn bị này mà ở các trường, nhất là những trường ngoài công lập có nhiều bài viết thực sự gây xúc động cho người nghe như câu chuyện của em Nguyễn Võ Vinh Quang (lớp 12A6 Trường THCS-THPT Trương Vĩnh Ký) viết về kỷ niệm ngồi cắt móng tay cho mẹ – vốn là một người bán gạo – để rồi phát hiện ra “những đường gân xanh, những vết chai sạn nối liền nhau” thực sự đẹp “như những viên kim cương bị lớp đất đá phủ đầy chờ đợi được gột rửa”. Hay em Hoàng Hải Ánh Dương (lớp 12A2 Trường THPT Thành Nhân) chiêm nghiệm lại tình thương của người cha trong cảnh “gà trống nuôi con” bao năm nhưng chưa chịu đi thêm bước nữa chỉ vì sợ “mẹ kế không thương con mình”. Em Nguyễn Thị Trúc Vy (lớp 12A1 Trường THCS-THPT Nhân Văn) có dịp được thốt lên câu “con thương má nhiều lắm” với người mẹ đã một mình tảo tần nuôi ba chị em khôn lớn…
Chính những suy nghĩ chín chắn, tình cảm dạt dào đã khiến cho những bài viết của các em như một câu chuyện dẫn dắt, đưa người nghe đi đến tận cùng cảm xúc về sự tri ân và trưởng thành của các em trước ngưỡng tuổi 18.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)