“Chỉ cần các em học thông, viết thạo và làm được các phép tính đơn giản là một niềm khích lệ quá lớn đối với thầy cô nơi đây” – thầy Trần Ngọc Kiên – phó phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé (Điện Biên) bộc bạch khi đưa chúng tôi thăm Trường tiểu học Na Cô Sa.
Nếu ai đã từng lên thăm lớp học ở các xã đặc biệt khó khăn của vùng cao thì mới thấm thía được những lời chia sẻ của thầy Kiên. Thầy cô không chỉ gian nan trong việc duy trì để lớp học “đông, đủ, đều” mà còn phải vật lộn với hành trình dạy tiếng phổ thông cho các em. Chặng đường càng trở nên gian khó hơn khi toàn bộ học sinh của trường đều là người Mông.
Dạy chữ khó lắm…
Trao đổi với chúng tôi, thầy Quàng Văn Quyết – phó hiệu trưởng Trường tiểu học Na Cô Sa cho biết: “Hiện nay công tác giảng bài của thầy cô gặp rất nhiều khó khăn do tiếng phổ thông của các em rất yếu. Nếu như ở dưới xuôi khi vào lớp 1 các em có thể nhận biết được các chữ cái thì ở trên này hầu hết đều chưa biết. Vừa tăng cường dạy tiếng phổ thông lại vẫn phải đảm bảo chương trình giảng dạy nên khó lại càng thêm khó”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem qua vở viết của các em, thầy Trần Ngọc Kiên trực tiếp đưa chúng tôi vào thăm một phòng học lớp 1. Nhẹ nhàng thầy Kiên yêu cầu: “Các em mở vở ra để thầy kiểm tra nhé!”.
Đáp lại lời đề nghị của thầy Kiên là một không khí im lặng đến lạ thường. Những cặp mắt thơ ngây chỉ biết chăm chú nhìn vào những người khách lạ, dường như các em không thể hiểu được lời đề nghị vừa rồi là gì. Chỉ đến khi cô Hoa, giáo viên đang đứng lớp dùng ngôn ngữ của người Mông để giao tiếp thì lúc đó các em mới thực sự bừng tỉnh và lục đục lôi vở từ trong cặp ra. Nhìn các trang vở ô ly với những nét chữ nguệch ngoạc, thậm chí có em dùng cả chữ viết người Mông tạp lẫn với chữ viết phổ thông khiến cho cuốn tập trở nên quá “khó hiểu” đối với những người mới lần đầu “chiêm ngưỡng” mà lòng chúng tôi như thắt lại.
Đối với học sinh vùng cao dường như tiếng phổ thông là điều gì đó quá xa lạ.
Cô giáo Hoa tâm sự: “Trong khi khả năng tiếp thu của các em còn rất hạn chế thì sau khi kết thúc buổi học về đến nhà lại giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Mặc dù thầy cô ở trên này đã dùng mọi phương pháp để đưa tiếng phổ thông đến với các em nhưng thực sự là rất khó”.
Tưởng chừng sự khó khăn này chỉ diễn ra ở lớp đầu cấp tiểu học nhưng thực tế đến ngay cả học sinh lớp 3 của Trường tiểu học Na Cô Sa cũng chẳng khá hơn được là bao. Với một đề bài kiểm tra tập viết đó là chép lại một đoạn văn ngắn trong sách giáo khoa cỡ khoảng 100 từ nhưng học sinh phải cần đến gần 30 phút để hoàn thành. Điều đáng nói là ở chỗ mặc dù nhìn và chép lại nhưng số từ viết đúng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Chia sẻ về thực trạng này, phó phòng Trần Ngọc Kiên cho biết: “Các em ở đây có thói quen đọc gì thì viết như vậy. Nhiều từ các em không thể đọc và phát âm đúng nên dẫn đến viết sai. Chẳng hạn như cụm từ “lặn lội” thì các em thường đọc là “lịn lụi” nên viết y nguyên như vậy”.
Mặc dù đã gắn với vùng cao nhiều năm nhưng Phó phòng Trần Ngọc Kiên khá khó khăn để suy luận được đoạn văn HS lớp 3 này chép lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi để rèn chữ viết cho học sinh các thầy cô ở Trường tiểu học Na Cô Sa đã phải tham gia giảng dạy hai buổi trên/ngày. Buổi sáng là thời gian lên lớp chính khóa còn buổi chiều tiếp tục ôn luyện và phụ đạo thêm. Gần như công việc này diễn ra xuyên suốt cả tuần, thậm chí là cả thứ 7 và chủ nhật cho dù không có thêm phụ cấp hay tiền lương.
Theo thầy Trần Ngọc Kiên, hiện nay một trong những trở ngại trong việc rèn chữ của các em là thiếu vở tập viết, tập tô. Thông thường thì chi phí hai loại vở này thường cao hơn so với vở ô ly nên các em chỉ được cấp với số lượng ít. Đối với người chưa nhận biết được hết chữ cái mà phải làm quen viết chữ trên vở ô ly không khác gì là bài toán hóc búa.
Chờ đợi sự “chuyển mình” của bậc mầm non
Theo thầy Quàng Văn Quyết, để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học của các xã vùng cao thì đòi hỏi các em phải nhận biết được tiếng phổ thông ngày từ khi đang học ở mầm non. Chính vì thế việc Chính phủ phê duyệt đề án trẻ mầm non 5 tuổi sẽ là tiền đề để thúc đẩy đưa tiếng phổ thông đến với học sinh vùng cao sớm hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Lường Thị Thể – phó hiệu trưởng Trường mầm non Na Cô Sa bộc bạch: “Nghĩ thì có vẻ dễ nhưng thực tế làm mới thấy khó. Hiện nay các điểm trường mầm non ở Na Cô Sa chỉ nhận trẻ 5 tuổi nhưng ở độ tuổi này các em đã nói sõi tiếng dân tộc. Chính vì thế ngay cả bậc mầm non việc dạy tiếng phổ thông cũng không đơn giản một chút nào”.
Cô Thể cũng cho biết, cũng có thể trẻ hát được tiếng phổ thông rất rành rọt nhưng đây chỉ là hình thức học vẹt. Thực tế này không khó để kiểm chứng khi cho các em nhận diện các chữ cái.
Nếu trẻ vùng cao được tiếp xúc với tiếng phổ thông sớm sẽ cải thiện được chất lượng giáo dục?
“Hầu hết các trường mầm non vùng cao đều thiếu thốn về cơ sở vật chất, cũng như trang thiết bị giảng dạy. Ngay cả việc xóa trắng điểm trường mầm non cũng đang còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế để giải quyết được hiện trạng này đòi hỏi có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành” – phó hiệu trưởng Thể nhấn mạnh.
Anh Trần Ngọc Kiên – Phó Phòng GD-ĐT Mường Nhé chia sẻ thêm: “Với việc dạy tiếng phổ thông ngay ở bậc mầm đòi hỏi giáo viên phải biết hai thứ tiếng để giáo dục trẻ. Trong khi đó, tỷ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở đã số huyện vùng chiếm tỷ lệ ít, không chỉ vậy, một số giáo viên DTTS khi ra lớp lại trao đổi với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn vốn tiếng Việt nên vốn từ tiếng Việt của trẻ rất thiếu. Trong khi đó, tỷ lệ giáo viên người Kinh biết tiếng dân tộc lại càng ít hơn nên dẫn đến tình trạng “cô một phách, trò một phách”. Đây là rào cản lớn nhất trong việc trẻ tiếp thu tiếng Việt ở bậc mầm non”.
Với việc cả bậc mầm non và tiểu học vẫn đang loay hoay trong việc đưa tiếng phổ thông đến với học sinh DTTS thì chắc hẳn cái ước mơ nhỏ bé của thầy cô đó là các em có thể “đọc thông, viết thạo” không dễ trở thành hiện thực.
Nguyễn Hùng / Dan tri
Bình luận (0)