Cô Nô cùng với chồng và Hữu Đức, Ánh Kiều trong căn nhà cũ kỹ trống trải |
Sinh ra trong gia đình nghèo khó: cha bệnh tâm thần, mẹ bị động kinh. Hằng ngày, một buổi đến trường, buổi còn lại thì ba anh em Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Thị Ánh Kiều phụ mẹ dệt chiếu, se nhang để nuôi ước mơ “tìm chữ” thoát nghèo.
Nghị lực của người mẹ khốn khổ
Lần theo địa chỉ giới thiệu của cô Lê Kim Qườn, giáo viên Trường THCS Đông Hòa, chúng tôi tìm đến gia đình cô Phan Thị Nô (ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, Tiền Giang) vào một buổi trưa oi ả. Đó là một căn nhà chừng 20m2 đã cũ kỹ mà bà con hàng xóm chung tay xây dựng trong những ngày hai vợ chồng cô Nô mang trọng bệnh. Trong nhà, chỉ kê vẻn vẹn một chiếc giường bé xíu, một chiếc bàn học đã mục nát và mấy chiếc ghế nhỏ.
Sau những ngày tháng mưu sinh chật vật, rày đây mai đó từ Tân Phước (Tiền Giang) rồi lên Đồng Tháp, ngược sang Long An với công việc cắt lúa, vác lúa mướn, làm đất thuê… chồng cô Nô bỗng đổ bệnh tâm thần (năm 1990). Phút chốc, gánh nặng gia đình lại đổ nặng lên đôi vai người vợ trẻ ở tuổi 30. Cô đưa chồng đến Bệnh viện Tâm thần Nhị Bình để chữa trị. Khi chồng vừa tỉnh lại, cô vội vàng tìm việc làm thuê. Cô Nô hồi tưởng: “Thời gian đó vất vả lắm, vừa phải lo chạy chữa cho chồng, vừa phải lo cái ăn hàng ngày cho gia đình nên khổ lắm”. Nhìn gương mặt và vầng trán đầy vết nhăn của cô Nô, chúng tôi đã nhận ra phần nào được sự vất vả và cực khổ trên đôi vai gầy của người phụ nữ nghèo này.
Tưởng chừng, cuộc sống đã mỉm cười với gia đình, nào ngờ, năm 1992 cô bị chứng bệnh động kinh hành hạ. Cây cột kinh tế của gia đình bị lung lay. Bây giờ, cô Nô không còn làm được những việc nặng nhọc như trước. Vừa khỏe lại, cô vội vàng ngược vào chợ Bà Bèo (huyện Tân Phước) để học nghề dệt chiếu và se nhang. Mỗi ngày, cô dệt được 2-3 chiếc, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, cô còn khoảng 25.000-30.000 đồng. Cô Nô cho biết: “Đó là những ngày trời nắng, còn nếu trời mưa gió thì tôi chẳng dệt được chiếc nào cả. Thu nhập như vậy đâu có đủ lo tiền thuốc thang, tiền ăn uống và học hành của tụi nhỏ. May mắn, chính quyền địa phương cấp cho tôi sổ hộ nghèo và bảo hiểm y tế nên tiền thuốc của tôi và ông nhà được bệnh viện miễn giảm. Nếu không thì tôi cũng không biết phải làm sao nữa”. Đôi tay gầy run run, cô Nô cầm lấy hai cuốn sổ bệnh án của hai vợ chồng đưa cho chúng tôi xem.
Tuy cuộc sống thiếu thốn đủ điều nhưng cô vẫn quyết tâm cho các con ăn học. Thấy vậy, nhà trường cũng miễn giảm một số khoản đóng góp, còn bà con làng xóm thương tình cũng đến giúp đỡ, người cho lon gạo, cái áo, đôi dép, quyển tập… Khi chúng tôi hỏi về động lực nào để cô vun vén cho ba người con đều được đến trường, cô Nô xúc động nói: “Đời tôi và ba nó khổ lắm, bên nội và ngoại đều nghèo. Nhà lại không có đất đai canh tác. Vì vậy, tôi ráng lo cho chúng nó học tập tử tế, để sau này chúng có thể kiếm được một cái nghề gì đó để lo cho bản thân mình”.
Và khát khao vươn lên của ba đứa con
Sự hy sinh của người mẹ được đáp lại bằng lòng hiếu thảo của ba đứa con siêng năng và cố gắng học tập tốt. Vốn là anh lớn trong nhà, cậu bé Nguyễn Hữu Thiện đã sớm ý thức hoàn cảnh khó khăn của gia đình và thấu hiểu nỗi gian truân của mẹ nên em luôn chăm ngoan, học giỏi để làm gương cho các em. Ngoài giờ học, Thiện còn phụ mẹ quán xuyến chuyện gia đình: chăm sóc ba, hai em và làm chiếu, se nhang.
Thấy cuộc sống gia đình ngày càng túng quẫn, sau khi tốt nghiệp cấp II (Trường THCS Nhị Bình), Hữu Thiện xin mẹ lên TP.HCM làm việc cho một xưởng gỗ. Làm được hai năm, nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô và bà con lối xóm, Hữu Thiện tiếp tục trở lại con đường học hành. Hiện tại, em là học sinh lớp 124 Trường THPT Dưỡng Điềm.Hữu Thiện bộc bạch: “Em sẽ phấn đấu học tốt. Sau này sẽ đăng ký thi vào ngành kế toán. Em biết những chuỗi ngày khốn khó của cuộc sống đang chờ đón em phía trước. Nhưng chính mẹ sẽ là động lực để em vững bước trên đường học vấn”.
Khác với anh trai, Nguyễn Hữu Đức tính trầm và ít nói hơn. Tuy nhiên, em học rất giỏi. Hiện tại, em học lớp 91, Trường THCS Đông Hòa. Sau mỗi buổi đến lớp, Đức cũng phụ mẹ dệt chiếu, se nhang. Ngoài ra, cậu bé còn có năng khiếu đàn cò và đàn kìm. Vì vậy, mỗi khi có lễ hội hay trong xóm có đám tang thì đều nhờ Hữu Thiện giúp đỡ. Nhận xét về em, cô Hồ Thị Lan (chủ nhiệm lớp Đức) cho biết: “Gia đình Đức rất nghèo. Vừa rồi, để có tiền đóng học phí mẹ em ấy phải bán 5kg gạo của nhà chùa cho. Tôi rất cảm động… Tuy em ấy ít nói nhưng học rất chăm chỉ”.
Giống như hai anh trai mình,cô béNguyễn Thị Ánh Kiều cũng học rất giỏi. Hiện tại, em là học sinh lớp 72 Trường THCS Đông Hòa. Là em út trong gia đình, nhưng không vì thế mà Ánh ỷ lại. Mỗi lần thấy cha tỉnh táo, Ánh thường lại đấm bóp, kể chuyện vui và động viên cha bằng những thành tích học tập của mình. Còn những lúc ba hay mẹ tái phát bệnh, còn hai anh đi học thì Ánh luôn là người cận kề chăm sóc từng viên thuốc, thìa nước cho cha mẹ.
Khi chúng tôi hỏi mỗi khi cha lên cơn và mẹ trở bệnh, khi ấy các em phải làm gì. Cô bé Ánh kể: “Lúc ba trở bệnh, em sợ lắm. Vì sợ ba đập phá đồ đạc và la mắng nên em chỉ biết ngồi khóc mà chẳng làm gì được. Còn khi mẹ ngất xỉu thì em liền đến bóp tay, bóp chân cho mẹ ngay”. Trong tương lai Ánh muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ba và mẹ.
Chia tay gia đình cô Nô, điều làm chúng tôi trăn trở: Liệu nghề dệt chiếu và se nhang với thu nhập bấp bênh ấy và sức khỏe của cô Nô có đủ để chăm lo cho chồng và các con ăn học?
Bài, ảnh: VĨNH SƠN
“Tôi chưa thấy ai khổ như cổ, khổ hết phần khổ của người ta rồi. Nhưng cô Nô đã làm cho nhiều người trong xóm thán phục về nghị lực và ý chí vươn lên, trước khó khăn không gục ngã mà vẫn đứng dậy nuôi ba đứa con ăn học tươm tất” – ông Trần Văn Ba (hàng xóm của cô Nô) cho biết. |
Bình luận (0)