Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khát vọng và giá trị sống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một trong những lo ngại được nhiều người đặt ra, đó là sự vô cảm và ích kỷ của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Nhất là khi mạng xã hội chi phối quá nhiều cuộc sống cá nhân. Lo lắng đó không phải không có cơ sở, tuy nhiên sự vô cảm đó không phải là số đông.
Người trẻ hôm nay luôn năng động và sáng tạo trong công việc và học tập

Tuổi đôi mươi nhiệt huyết 
Những ngày cùng cả nước chống dịch (những đợt dịch bùng phát trong cộng đồng), đội ngũ y tế đã không ngần ngại ghi tên mình vào danh sách những người về tuyến đầu, nhất là những bác sĩ, điều dưỡng trẻ, chưa vướng bận gia đình. Nhớ lại những ngày hỗ trợ tuyến đầu Đà Nẵng, điều dưỡng Nguyễn Phi Hoàng (27 tuổi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định), kể: “Sau khi gọi điện thoại về thông báo cho gia đình, mẹ tôi nói nếu đã đi được thì cố gắng làm tốt công việc, phải hết sức cẩn thận bảo vệ bản thân. Trước đó, tôi đã tham gia tập huấn và bây giờ có gia đình ủng hộ nữa thì lên đường thôi. Tôi nghĩ mình còn trẻ, có kiến thức thì tại sao lại không chung tay lúc xã hội đang cần. Vậy là tôi gọi điện lại xác nhận ngay với cấp trên, tình nguyện tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch”.
Sau 4 tuần hỗ trợ từ đoàn y bác sĩ TPHCM, Bệnh viện Đà Nẵng đã dỡ bỏ phong tỏa, nhưng Sở Y tế và Bệnh viện Đà Nẵng mong muốn đoàn công tác ở lại hỗ trợ thêm 1 tuần. Không chút ngại ngần, điều dưỡng Hoàng Phi đăng ký ở lại: “Tôi tình nguyện ở lại cùng 2 bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ Đà Nẵng thêm 1 tuần. Những ngày ở Đà Nẵng thật sự đáng quý trong nghề và trong đời, vì tôi được chia sẻ công việc cùng đồng nghiệp, quen thêm đồng nghiệp mới mà sau giờ làm, khi cởi bộ đồ phòng hộ mới nhìn rõ mặt nhau” điều dưỡng Hoàng Phi kể thêm.
Trong câu chuyện vì cộng đồng của người trẻ, vấn đề môi trường, lan tỏa mầm xanh cũng là điều được nhiều bạn trẻ ưu tiên. Sau nhiều lần tạm hoãn vì dịch, “Đêm nhạc xanh” do Minh Duy (26 tuổi) cùng nhóm bạn tổ chức chuẩn bị lại. “Đêm nhạc vào ngày 10-4 tới là đêm nhạc thứ 2, đêm nhạc trước nhóm đã góp được hơn 500 cây xanh cho Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA”, Duy kể. Ngoài những “Đêm nhạc xanh” gây quỹ trồng rừng, Duy cùng nhóm bạn tự gây quỹ với nhau để trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Bình Chánh. Duy nói: “Còn trẻ, còn làm được nhiều việc nên cả nhóm ráng chia sẻ với mọi người được chút nào hay chút ấy. Cộng đồng tốt lên thì mình cũng sẽ tốt hơn”. 
Truyền thống và tinh thần dân tộc
Sau khi dự án về bộ emoji (biểu tượng cảm xúc) “Nhỏ to Việt Nam” về 54 dân tộc Việt Nam được cộng đồng chú ý và nhiều bạn trẻ thích thú, hưởng ứng trên mạng xã hội Instagram (Báo SGGP đã thông tin), Nguyễn Minh Ngọc (28 tuổi, du học sinh Singapore) trở về Việt Nam, tiếp tục phát triển các dự án mang tinh thần dân tộc mà Ngọc ấp ủ. “Hiện tại, tôi có kế hoạch làm tiếp các bộ emoji về món ăn, danh lam thắng cảnh, nhạc cụ và các ngành nghề đặc trưng ở Việt Nam. Khối lượng tổng cộng khá lớn, tôi dự tính sẽ mất từ 4 tháng đến nửa năm để hoàn thiện”.
Ngọc muốn dự án của mình mang một dấu ấn Việt Nam nhiều hơn là áp lực kinh tế. “Trong tương lai xa, có thể tôi sẽ khai thác lợi nhuận từ dự án để duy trì hoạt động, nhưng hiện tại đã có đối tác ngỏ lời, nhưng tôi từ chối. Trước hết, tôi mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế biết thêm về Việt Nam, thông qua Instagram”.
Cũng mang niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc như Minh Ngọc, “Đại Việt Cổ Phong” một hội nhóm trên mạng xã hội (hơn 70.000 lượt theo dõi trên fanpage và hơn 137.000 thành viên tham gia nhóm) được thành lập vào năm 2014 bởi các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam và có mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác nhất. 
Ngay từ khi thành lập nhóm, các thành viên đã xác định 2 mục tiêu và xem đó như trách nhiệm của lớp trẻ trong việc giữ gìn phát huy truyền thống, giá trị di sản từ ngàn xưa. Đó là nghiên cứu và phổ biến kiến thức về văn hóa xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước. Tiếp theo là phỏng dựng, phục dựng văn vật của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh… 
Chọn cho mình một hướng đi không mấy dễ dàng bởi nó đòi hỏi thời gian tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều tư liệu lịch sử, tuy nhiên đó lại là niềm vui và cách để người trẻ thể hiện tinh thần dân tộc của riêng mình. “Có những lúc khó khăn, nhưng hơn hết vẫn là tình yêu và tự hào những giá trị cội nguồn của ông bà ta từ ngàn xưa nên cả nhóm lại tiếp tục hoàn thiện dần. Và bây giờ khi không gian kết nối đa chiều thì mình càng phải kể và tự hào về văn hóa truyền thống của nước mình nhiều hơn để bạn bè quốc tế biết đến và để những bạn trẻ sau này biết, cùng chung tay giữ hồn Việt”, Phan Huy Lê bày tỏ.
KIM LOAN (theo SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)