Ngoại ngữ - Du họcNgoại ngữ

Khẩu chiến dạy tiếng Anh, khoe điểm IELTS trên TikTok

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người dùng TikTok để dạy tiếng Anh nhưng dạy sai, thậm chí biến nền tảng này thành nơi khoe điểm IELTS và đấu tố nhau.

Video bóc phốt các nhà làm nội dung tiếng Anh thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Thái An.

Khi nhu cầu học tiếng Anh tăng cao, TikTok trở thành nơi được lựa chọn vì các video dạy học ngắn, tiện lợi, dễ hiểu. Nhiều người tận dụng điều này để làm video dạy học và thu hút học viên.

Tuy nhiên, không ít lần, các nhà sáng tạo nội dung bị dân mạng bắt lỗi vì dạy sai, thậm chí mắc lỗi ở những kiến thức cơ bản nhất.

Không chỉ thế, TikTok cũng đang biến thành một "chiến trường", nơi các TikToker chuyên làm nội dung về học tiếng Anh khoe điểm IELTS và "xâu xé" nhau. Những video như vậy này khiến người xem mệt mỏi và đành phải bỏ theo dõi.

TikTok hỗn loạn vì loạt video bóc phốt, đấu tố nhau

Cuộc chiến của các nhà sáng tạo nội dung tiếng Anh có thể bắt nguồn từ chuyện khoe điểm IELTS, khoe thành tích cá nhân hoặc đơn giản là dạy sai và bị bóc phốt.

Loạt video đấu đá nhau giữa các TikToker làm nội dung về tiếng Anh.

day tieng Anh tren TikTok anh 1

Loạt video đấu đá nhau giữa các TikToker làm nội dung về tiếng Anh.

TikToker @baotran.3087 (Bảo Trần) từng lên nhiều video nói rằng cô giáo dạy tiếng Anh @jasminenguyen1998 (Jasmine Nguyen) nói dối về việc đạt 8.5 IELTS. Theo TikToker Bảo Trần, Jasmine Nguyen khoe có chứng chỉ IELTS 8.5 từ năm 2018 nhưng chưa hề công khai chứng chỉ cho mọi người thấy. TikToker đặt nghi vấn cô giáo này nói dối, không hề đạt được IELTS 8.5.

Mới đây, TikToker @jasminenguyen1998 đăng tải video khoe chứng chỉ IELTS và nói hiện tại cô có 4 chứng chỉ từ 8.0-8.5 IELTS. Trong video này, cô chỉ để lộ phần điểm Speaking đạt 9.0, điểm của 3 kỹ năng còn lại và điểm overall đều không tiết lộ.

“Bây giờ, cô ta khoe chứng chỉ IELTS nhưng chỉ khoe mỗi điểm Speaking, 3 kỹ năng còn lại không biết là bao nhiêu, TRF (Test Report Form) cũng che hết nên không biết có phải chứng chỉ thật hay không, che hết như thế thì photoshop trong một nốt nhạc”, TikToker Bảo Trần nêu quan điểm sau khi Jasmine Nguyen khoe chứng chỉ IELTS.

Không riêng Jasmine Nguyen, một giáo viên dạy tiếng Anh khác là @khatienganh cũng từng lên TikTok để công khai tất cả chứng chỉ tiếng Anh và chứng chỉ dạy học sau khi TikToker @baotran.3087 đặt nghi vấn về trình độ tiếng Anh và điểm IELTS.

Nhiều giáo viên, trung tâm tiếng Anh khác cũng trở thành đối tượng bị TikToker @baotran.3087 đưa vào các video bóc phốt. Nhưng thay vì làm nội dung với bằng chứng, hình ảnh cụ thể, người này chỉ nói ẩn ý và nhắc người xem chuyển qua một nhóm Facebook do anh lập để xem toàn bộ bài phốt. Ngoài ra, TikToker này cũng tận dụng các video bóc phốt để quảng cáo, bán sách tiếng Anh.

Ngoài ra, TikToker @jasminenguyen1998 cũng từng vướng vào tranh cãi khi dạy sai kiến thức tiếng Anh. Cụ thể, một người bình luận hỏi cô rằng “your lollipop moment nghĩa là gì?”. Tài khoản này trả lời your lollipop moment có nghĩa là “khoảnh khắc nhai kẹo mút”.

Thực tế, lollipop moment được định nghĩa là khoảnh khắc đặc biệt khi ai đó định hình, thay đổi cuộc sống của người khác một cách tích cực nhưng chính họ lại không nhận ra những tác động đó. Thuật ngữ này được diễn giả Drew Dudley đề cập trong chương trình TEDx Toronto năm 2010 khi nói về “lollipop moment” của chính mình.

Khi bị dân mạng bắt lỗi, TikToker này chỉ âm thầm xóa bình luận của mình.

day tieng Anh tren TikTok anh 2

Các TikToker làm video phản biện sau khi TikToker @dungenglishspeaking nói "the jar is cold” nghĩa là “ế”.

Một TikToker khác là @dungenglishspeaking cũng từng bị dân mạng phản ứng khi dịch “chất xám” là “mindworks” và dịch “the jar is cold” nghĩa là “ế”. Khi đó, hàng loạt TikToker chuyên làm nội dung về tiếng Anh đã lên video phản biện, cho rằng cách dịch này không đúng.

Để củng cố quan điểm, các TikToker tra từ điển, Google và hỏi người bản xứ về những nội dung TikToker này đưa ra. Trong video phản biện, người bản xứ tỏ ra bối rối khi nghe các cụm từ này và nhận xét không ai nói tiếng Anh như vậy. Dù vậy, TikToker @dungenglishspeaking vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và nói “rất nhiều người vẫn hiểu được”.

Mệt mỏi vì TikTok bát nháo

Là một người từng thích lên TikTok để học tiếng Anh, Thảo Ngân, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học ở Hà Nội, nói rằng cô nắm rõ những vụ lùm xùm, đấu tố nhau của các TikToker dạy tiếng Anh.

Ban đầu, Ngân theo dõi các TikToker này để học tiếng Anh vì video ngắn gọn, dễ tiếp nhận thông tin. Nhưng từ khi các video bóc phốt xuất hiện với tần suất dày đặc, cô phải bỏ theo dõi nhiều người vì không chịu nổi những nội dung tiêu cực như vậy.

Đối với Ngân, dạy tiếng Anh trên TikTok là một cách khá hay vì giúp người học tiếp cận và học nhanh hơn, nhưng điều này lại đang bị biến tướng nặng nề, khiến người xem cũng bị “cuốn vào drama” và quên đi mục đích ban đầu là học tiếng Anh.

Bàn về những trận chiến của các nhà sáng tạo nội dung về tiếng Anh trên TikTok, Phương Uyên, trợ giảng tiếng Anh tại Hà Nội, nói rằng cô phát mệt mỗi khi lướt trúng video của các TikToker này. Cô nói rằng nhiều người làm video với cái mác "dạy học" nhưng thực ra lại hằn học, khích bác nhau. Thậm chí, họ mượn cớ dạy thành ngữ tiếng Anh để truyền tải những thông điệp không hay.

"Một điều nữa mình nhận thấy là các TikToker chủ yếu tạo kênh để khoe kiến thức chứ không phải chia sẻ. Họ thường cố dùng những từ lạ, ít phổ biến để ghép vào câu, nhưng thực ra những từ họ dùng rất khó để áp dụng trong cuộc sống thường ngày", Uyên nói với Zing.

Trong khi đó, Linh Chi, cựu sinh viên ngành Marketing, cho rằng những video đấu tố nhau trên TikTok cũng là một kiểu truyền thông bẩn. TikToker càng đấu đá nhau, người xem càng tò mò theo dõi và vô tình tạo ra lợi ích cho các nhà sáng tạo nội dung.

Là người theo dõi các vụ đấu tố từ những diễn biến đầu tiên, Linh Chi cảm thấy mọi việc đang đi quá xa, bản thân cô cũng thấy tiêu cực theo vì trọng tâm của những trận cãi vã không phải giúp nâng cao chất lượng dạy học mà chỉ để hạ bệ đối phương.

Cô T.M.T., giảng viên đại học tại TP.HCM, cũng nhận thấy những nội dung dạy tiếng Anh trên TikTok đang có dấu hiệu biến tướng theo chiều hướng xấu. Thay vì làm video truyền tải kiến thức, những TikToker này lại chọn làm nội dung đá xéo, thậm chí bóc phốt trực tiếp. Cô lo ngại những nội dung như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và suy nghĩ của người xem, nhất là người xem nhỏ tuổi.

Theo quan điểm của cô T., những nhà sáng tạo nội dung tiếng Anh trên TikTok chưa thể được xem là thầy giáo, cô giáo. Dạy học phải có lộ trình, giáo án cụ thể, vài ba video ngắn chỉ vài phút trên TikTok sẽ không đủ để được gọi là dạy học. Giáo viên tiếng Anh uy tín có thể dùng TikTok quảng bá lớp học, mở rộng tệp khách hàng cho trung tâm của mình, nhưng nói mở lớp dạy học trên TikTok lại không được, rất khó chấp nhận.

Cả cô T. và Phương Uyên đều thống nhất một quan điểm là những video kiến thức tiếng Anh trên TikTok có thể xem cho vui, coi như một nguồn tham khảo, nhưng vẫn cần tham khảo có chọn lọc và người dùng cũng cần biết kiểm tra chéo thông tin để đảm bảo thông tin TikToker đưa ra là chính xác.

Nếu TikToker đưa ra kiến thức, thông tin sai, người xem có thể nhắc nhở, góp ý nhẹ nhàng. Nhưng nếu TikToker không tiếp thu, thậm chí đáp trả bằng giọng điệu thách thức, người dùng cũng cần cân nhắc liệu có nên tiếp tục theo dõi nhà sáng tạo nội dung đó hay không.

"Theo tôi, với những TikToker có lượt theo dõi lớn, chúng ta vẫn cần có thái độ kiên quyết để nhắc nhở họ cẩn trọng hơn khi làm nội dung vì lượng người theo dõi càng lớn, trách nhiệm với lời nói, nội dung mình làm ra sẽ càng cao", cô T.M.T. nhấn mạnh.

Theo Thái An/Zingnews

 

Bình luận (0)