Chưa có một giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nhiều mặt hàng quan trọng bị đẩy giá qua các khâu phân phối.
Tháng trước, Bộ Công thương ra quyết định hoãn nhập khẩu đường theo hạn ngạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đường trong nước đẩy mạnh bán hàng, bởi lượng đường tồn kho còn khoảng nửa triệu tấn. Điều đáng nói là, dù các nhà máy đường tồn đọng nhiều hàng với giá rẻ, nhưng giá bán lẻ mặt hàng này ở ngoài thị trường vẫn cao chót vót.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong buổi họp báo cùng Bộ Công thương hồi cuối tháng 5/2011 tại Hà Nội đã thanh minh rằng, chênh lệch giá xuất xưởng và giá bán lẻ là điều dễ hiểu. “Đường bán tại nhà máy theo lô lớn, còn bán lẻ tại các siêu thị là những mặt hàng chất lượng cao, đóng gói nhỏ, nên có mức chênh lệch giá lớn”, ông Long giải thích.
Quan điểm trên của ông Long không nhận được sự đồng tình từ đại diện Bộ Công thương. Cũng trong buổi họp nói trên, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã chỉ ra rằng, chênh lệch giữa giá đường xuất xưởng và giá bán lẻ là do khâu phân phối mặt hàng này đang có vấn đề.
“Có những thời điểm, ngay các cơ quan thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường muốn tiếp cận mặt hàng đường ngay tại nhà máy cũng khó. Việc tổ chức phân phối cần được tính toán lại để giải quyết được cái gốc là mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cuối cùng”, ông An bình luận.
Câu chuyện chênh lệch giá bán giữa sản xuất và bán lẻ không chỉ xảy ra trong ngành mía đường. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư rằng, hầu hết doanh nghiệp thép đang thực hiện phương thức mua đứt, bán đoạn với sản phẩm của mình.
“Hiện không có một doanh nghiệp sản xuất thép nào tổ chức tiêu thụ trực tiếp sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp chỉ biết sản xuất ra sản phẩm và bán cho đại lý cấp 1, không chịu trách nhiệm tới cùng với giá sản phẩm. Qua nhiều tầng đại lý, giá thép ở khâu cuối cùng bị đẩy lên cao so với giá xuất xưởng”, ông Nghi nêu thực trạng phân phối thép ở Việt Nam.
Qua nhiều năm hoạt động trong ngành sản xuất thép, ông Nghi chỉ ra rằng, trước đây, chỉ có Công ty Thép Thái Nguyên tổ chức bán hàng ở một số địa phương. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, do khó khăn, phần lớn các cửa hàng trực tiếp này chỉ làm nhiệm vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm.
“Mặc dù có các công ty kim khí ở Hà Nội, miền Trung và TP.HCM, nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam cũng không thể gắn kết được khâu sản xuất và phân phối”, ông Nghi nói và cho biết, việc phải qua nhiều tầng đại lý, đã đẩy giá thép lên cao.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận xét rằng: “Sự chênh lệch giá xảy ra ở rất nhiều mặt hàng. Ngay cả rau xanh, dầu ăn, các mặt hàng hải sản… được bày bán trong các siêu thị hay ở chợ dân sinh cũng có mức chênh giá rất lớn giữa khâu sản xuất và tiêu thụ”.
Bộ Công thương đã từng có dự thảo đề án xây dựng hệ thống phân phối một số mặt hàng thiết yếu, qua đó, tìm ra công cụ điều tiết thị trường. Nhưng ngay với mặt hàng thép, ông Nguyễn Tiến Nghi bình luận rằng, việc để nhà sản xuất xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình là hết sức khó khăn. “Rủi ro về vốn, công tác kiểm kê trước mỗi lần thay đổi giá, biến động giá đầu ra, đầu vào là liên tục…, khiến doanh nghiệp sản xuất không thể kham nổi nhiệm vụ tổ chức hệ thống phân phối”, ông Nghi nói.
Trên thực tế, mỗi khi giá cả thị trường đứng trước nguy cơ tăng mạnh, vấn đề phân phối hàng hóa lại được nhắc đi, nhắc lại. Trong tất cả những thời điểm nóng trên thị trường, Bộ Công thương đều phát đi thông điệp quan trọng, rằng cân đối cung cầu với các mặt hàng thiết yếu trong nước luôn đủ. Do đó, nút thắt ở khâu phân phối hàng hóa cần được xử lý rốt ráo hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Báo Đầu Tư
Bình luận (0)