Hơn 10 năm nay, bà Ngọc đã chắt chiu từng mảnh vải vụn, gửi vào đó tình yêu thương và tỉ mẩn kết thành những chiếc mền ấm để chia cho người nghèo. Những ngày cận Tết, càng bận rộn hơn, bà miệt mài cắt, vá, khâu… Cũng từng ấy mùa Tết, hàng ngàn tấm mền đã được chuyển đến tận tay những bà con đồng bào thiểu số nơi miền sơn cước, giúp họ ấm lại giữa cảnh đông tàn giá rét. Khi người nghèo có cái Tết ấm áp đó cũng là cái Tết hạnh phúc, viên mãn của bà…
Gần 80 tuổi, 10 năm qua bà Phan Thị Ngọc vẫn cần mẫn may mền gửi tặng người nghèo
Đây là câu chuyện về bà Phan Thị Ngọc (77 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Những người hàng xóm đều gọi bà với cái tên gần gũi và trân quý “dì Tư”. Tuổi cao, tấm lưng của bà đã không còn khỏe, thế nhưng chỉ cần nghĩ đến tiết trời sương giăng, rét buốt của vùng cao và những nụ cười của người nhận mền thì bà lại được tiếp thêm sức lực.
Hành trình may khâu yêu thương
Tôi tìm đến nhà của bà trong những ngày đầu tháng chạp. Đúng như lời giới thiệu, căn nhà nhỏ khoảng vài chục mét vuông của bà nằm sâu trong con hẻm 192 Phan Văn Hân (Q.17, Q.Bình Thạnh) đã trở nên chật chội hơn thường ngày. Tại phòng khách, hầu hết diện tích đã được “trưng dụng” để làm nơi chứa vải, nhiều xấp vải cao ngang ngửa đầu người, được chất ngăn nắp gọn gàng. Cũng tại đây, bà làm nơi phân loại, đo và cắt. Gần đó, trên chiếc bàn may cũ kỹ là tấm chăn dày dặn sắp sửa hoàn thành. Cách đó vài bước chân, hai dãy mền mới tinh vừa hoàn thành chuẩn bị được chất lên “kho” vốn là một căn phòng ở tầng trên. Ngay cả chiếc giường ngủ của bà cũng chất đầy mền. Chẳng bao lâu nữa, khi những chiếc mền cuối cùng kịp hoàn thành thì sẽ có những chuyến xe đến và chở đi, mang đến những vùng cao xa xôi, lạnh buốt.
Bà nói, gốc gác quê cha đất tổ ở Cai Lậy, Tiền Giang. Năm bà lên 9 thì cha mất vì bệnh hiểm nghèo. Sau bà còn có 3 người em nhỏ đang tuổi ăn tuổi chơi, một mình má của bà phải bươn chải ruộng vườn nhưng chỉ cầm cự được vài năm thì kiệt quệ. 13 tuổi, bà đã theo người cô ruột lên Sài Gòn đi ở đợ, giữ trẻ thuê để phụ giúp má nuôi các em được ăn học nên người. Tuổi đôi mươi, bà lập gia đình rồi ở hẳn Sài Gòn, bản thân thì làm công nhân. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo, nên khi tình cờ gặp những mảnh đời bất hạnh bà chạnh lòng nhớ lại tuổi thơ khốn khó. Từ đó, gặp người nghèo ở đâu bà đều sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình.
Kể về việc may mền tặng người nghèo, bà nhớ khoảng 10 năm trước, trong một lần về quê, bà chứng kiến cảnh nhiều người dân nghèo không có nổi cái áo, cái quần tử tế để mặc. Trở lại Sài Gòn, bà bắt đầu nghĩ đến việc may quần áo để tặng người nghèo. Nghĩ là làm, bà tích cóp tiền đi mua vải cuộn về may đồ nhưng lại gặp rắc rối vì bị người ta “chê”. “Mỗi người có một kích cỡ khác nhau, sở thích khác nhau nên khi tôi tặng áo quần, một số người không thích, họ thích cho tiền để tự mua nhưng mình làm gì có tiền mà cho. Rồi nhiều lần khác, tôi nghe các tỉnh miền Trung gặp bão, lũ lụt, người dân mất hết nhà cửa, nương vườn, áo quần cũng không có mặc, nhiều người ở thành thị quyên góp quần áo cho người dân vùng bão nhưng cái dài, cái rộng, cái kiểu cách phức tạp, hở ngực hở vai… làm sao người dân mặc được. Rồi tôi liền nghĩ “trời rét buốt, người dân không có mền đắp, hay là may mền, mền đắp vừa ấm vừa thiết thực chắc chắn ai cũng cần”, vậy là tôi bắt đầu may mền. Ban đầu thì tôi may tay, gửi vào các bệnh viện Ung bướu, chùa, gửi các đoàn từ thiện theo cách “của ít lòng nhiều”, mọi người chung tay vì người ngèo. Những tấm mền được người nghèo đón nhận, trân trọng khiến tôi rất mừng và thấy mình đang đi đúng hướng. Sau này, con gái của tôi tham gia tình nguyện ở một tỉnh Tây Nguyên. Khi trở về nó kể với tôi về những thiếu thốn của đồng bào thiểu số nơi đó. Cũng có lần tôi theo đoàn từ thiện, đã tận mắt chứng kiến cảnh tiết trời giá buốt đến cắt da cắt thịt còn họ thì không có gì đắp. Từ đó tôi càng cố gắng may nhiều hơn, may xong cứ để đó, khi đủ số lượng thì nhờ các con thuê xe tải chở đi, trực tiếp trao tận tay cho từng người…”, bà Ngọc chia sẻ về hành trình may khâu yêu thương của mình cho đồng bào vùng cao.
Người Sài Gòn hào sảng, không thiếu nghĩa tình
Bà nói, phúc đức của tôi lớn nên mấy đứa con đều ủng hộ mẹ làm từ thiện. Hơn 10 năm trước, may một cái mền bằng tay rất vất vả vì khổ vải lớn, hoặc kết từ nhiều mảnh lại khâu rất lâu. Thấy mẹ cực quá, mấy đứa con liền đi mua một chiếc bàn may về, gắn cả mô tơ điện để tôi may không bị mỏi.
Bà Ngọc được ví von là người phụ nữ đã “biến” vải vụn thành yêu thương. Hồi trước còn khó khăn, khó mà mua được khúc vải nguyên vẹn, tôi liền đi mua vải vụn từ các tiệm may ở các chợ để về ráp thành một tấm mền rộng, dày. Có khi 5-6 ngày, bà mới may xong một cái mền bởi công đoạn phân loại, chắp, nối vải vụn làm sao để màu sắc hài hòa, và chắc chắn nên mất khá nhiều thời gian. Dù vậy, bà chưa một lần cẩu thả cho xong việc, ngược lại bà gửi gắm hết vào đó là tấm lòng của mình. Từ những mảnh vải vụn tưởng chừng đã bỏ đi nhưng qua đôi bàn tay tỉ mẩn của bà, mỗi đường chỉ đã chạy thẳng tắp, trở thành một phiên bản không “đụng hàng” và mang màu sắc riêng, mang hơi ấm của tình người. Với bà mỗi một tấm mền hoàn thành cũng là một niềm hạnh phúc khôn tả.
Khi những chiếc mền “không đụng hàng” được trao đến tận tay nhiều gia đình vùng cao thì cộng đồng cũng biết đến bà nhiều hơn. Được sự tiếp sức của Chi hội Phụ nữ khu phố 4 (P.17, Q.Bình Thạnh) và những người bán vải nên bà không còn đi mua vải vụn nữa. Họ chở đến tận nhà và tặng không cho bà. Không chỉ vậy, nhiều người còn kêu gọi thêm bạn bè đến để giúp đỡ. “Gần đây có nhiều công ty vải đã chở vải lỗi đến tận nhà tặng cho tôi để tôi may mền tặng người nghèo. Lúc trước chắp nối từ vải vụn phải mấy ngày mới có một cái thì hiện nay từ một khúc vải dài tôi chỉ cần đo, cắt rồi may, ngồi từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì đã may được bốn cái. Tôi mừng lắm, vì may càng nhiều thì càng thêm nhiều người được nhận, không còn sợ mỗi khi trời trở lạnh, rét buốt…”, bà Ngọc thổ lộ.
Miệt mài như thế trong suốt 10 năm qua, hơn 7.000 chiếc mền đã được tặng đến cho trẻ em nghèo bị bệnh tại Bệnh viện Ung bướu, người lang thang đường phố, phụ nữ nghèo trên địa bàn quận và các địa phương nghèo tại Tây Nguyên – nơi có đông người đồng bào thiểu số sinh sống. “Mới hôm qua, tôi đi thăm bệnh trên bệnh viện, khi về thì người hàng xóm gọi sang báo rằng có người đến tặng vải, tôi không có nhà nên họ đã nhận giúp. Họ nói có hỏi lại tên tuổi, địa chỉ nhưng người tặng không chịu nói. Trong xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt, sẵn sàng cho đi mà không cần được xã hội tri ân…”, chỉ tay vào những cuộn vải mới tinh được sắp xếp gọn gàng, mắt bà lấp lánh cười, gửi nhiều niềm tin, hy vọng vào cuộc sống cộng đồng phía trước. “Trước Tết các con tôi sẽ chuyển thêm một chuyến mền và những phần quà là nhu yếu phẩm cần thiết đến tận tay của từng gia đinh vùng cao, hy vọng họ có thêm mền để chống chọi lại cái rét, có một cái Tết ấm áp và an lành hơn!”. Bà Đỗ Thị Kim Phụng – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.17, Q.Bình Thạnh xúc động nói: Chính những việc làm thiết thực, bền bỉ và hiệu quả của bà Ngọc đã truyền cảm hứng cho các hội viên trong hội. Hơn hết là lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng. Rõ là người Sài Gòn hào sảng, không thiếu nghĩa tình…
Ký nhân vật của Nhã Nam
Bình luận (0)