Hội nhậpThế giới 24h

Khép lại một năm căng não vì AI

Tạp Chí Giáo Dục

Trí tuệ nhân tạo (AI) là chủ đề nóng hàng đầu về công nghệ trong năm 2023, sau khi ứng dụng ChatGPT đình đám được phát hành vào cuối tháng 11.2022.

Trong năm 2023, giới công nghệ và các lãnh đạo chính phủ đã bày tỏ lo ngại về hàng loạt vấn đề, tập trung chủ yếu vào những rủi ro tiềm ẩn do AI tạo ra.

Các vấn đề xoay quanh AI

Rủi ro liên quan y học và việc tội phạm sử dụng AI để gây hại cho cộng đồng là 2 trong những chủ đề được thảo luận từ đầu năm nay. Các lo ngại xoay quanh khả năng lỗi AI có thể gây hại cho bệnh nhân, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng như việc AI bị lạm dụng để tạo những hình ảnh giả mạo, xuyên tạc sự thật, theo bài viết được đăng trên tạp chí BMJ Global Health.

Một chủ đề khác cũng được bàn luận nhiều là tác quyền sản phẩm do AI tạo ra. Các cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh tất cả bộ phận trong ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood (Mỹ) gần như đã ngừng hoạt động kể từ tháng 5 năm nay. Thời điểm đó, các cuộc đình công kép của Hiệp hội biên kịch và diễn viên Mỹ nổ ra, đã dẫn đến thiệt hại rất lớn về mặt tài chính cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Tỉ phú Mỹ Elon Musk (ngoài cùng bên trái) cùng những người có mặt tại Hội nghị An toàn AI ở Anh hôm 1.11. REUTERS

Theo tờ The New York Times, các cuộc đình công là kết quả của sự thất vọng từ các nhà sáng tạo cũng như diễn viên tại Hollywood. Những người này phản đối việc nhiều nhà sản xuất sử dụng AI để giảm chi phí, đe dọa trực tiếp đến tiền lương cũng như cơ hội việc làm của con người. Đây cũng là lần đầu tiên một cuộc đình công kép xảy ra kể từ năm 1960.

Các cuộc biểu tình như trên cũng đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải có giải pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra. Theo đó, tờ The Jerusalem Post đưa tin thẩm phán liên bang Beryl A. Howell ở Mỹ đã ra phán quyết rằng các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra không thể được bảo vệ bằng bản quyền.

Theo trang The Verge, phán quyết của thẩm phán Howell còn có một chi tiết cực quan trọng, trong đó bác bỏ quyền sở hữu đối với người trả tiền để thuê người khác, trong trường hợp này là AI, tạo ra tác phẩm nghệ thuật.

Các chính phủ nỗ lực kiểm soát AI

Năm 2023 cũng chứng kiến nỗ lực từ các chính phủ trong việc quản lý AI, nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực.

Vào tháng 9, các nhà lập pháp Mỹ cùng giới lãnh đạo công nghệ hàng đầu thế giới đã có phiên thảo luận đặc biệt tại quốc hội nhằm tìm ra khuôn khổ quản lý AI. Trong cuộc gặp, giới hoạch định chính sách đã trực tiếp tham khảo ý kiến từ những khách mời để hiểu rõ hơn về công nghệ này.

Theo hãng tin Reuters, dù chưa thống nhất được nhiều vấn đề, các bên đã chia sẻ quan điểm về tác động xấu từ deepfake (kỹ thuật tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc video giả mạo dựa trên AI). Theo đó, các bên cho rằng cần có hành động khẩn cấp trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiểm soát sự phát triển quá nhanh của AI, chính phủ Mỹ cũng đã có những bước đầu tiên về mặt hành pháp.

Cuối tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp về AI nhằm tìm cách cân bằng nhu cầu của các công ty công nghệ tiên tiến với an ninh quốc gia và quyền của người tiêu dùng. Lệnh này là bước đầu tiên nhằm đảm bảo rằng AI đáng tin cậy và hữu ích, Reuters đưa tin.

Sắc lệnh đã đặt ra những viên gạch đầu tiên cho nỗ lực ngăn rủi ro từ AI, tạo nền tảng cho các bộ luật và hiệp định toàn cầu.

Một tin vui khác trong lĩnh vực AI là vào đầu tháng 11, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về AI đã được tổ chức ở Anh. Sự kiện quy tụ hàng loạt nhà lãnh đạo như Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

Tại đây, hơn 50 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác để giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng do công nghệ phát triển nhanh chóng gây ra. Thỏa thuận tập trung vào việc xác định các rủi ro từ AI, cũng như phát triển các chính sách vì lợi ích của toàn cầu.

Hội nghị được tổ chức tại Bletchley Park, nơi các chuyên gia hàng đầu của Anh từng giải mã "bí ẩn" của Đức Quốc xã trong Thế chiến 2, do đó được gọi là "Tuyên bố Bletchley". Cuộc gặp cũng tạo nền tảng cho những hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về AI, dự kiến diễn ra vào năm 2024 tại Hàn Quốc và Pháp.

Đến tháng 12, Anh, Mỹ và hơn 12 quốc gia đã nhất trí thông qua bộ hướng dẫn về bảo mật liên quan AI. Đây được xem là thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên nhằm đảm bảo AI an toàn cho người dùng, trong đó các nước ký kết đồng ý rằng công nghệ này cần được phát triển và triển khai theo hướng không làm lợi cho các phần tử bất hảo và gây hại cho người dùng.

Lùm xùm vụ sa thải CEO OpenAI

Một vấn đề nổi bật và gây chấn động khác trong một năm đầy sóng gió của AI là việc ông Sam Altman bị hội đồng quản trị công ty OpenAI, cha đẻ của ứng dụng ChatGPT, sa thải khỏi ghế tổng giám đốc.

Ông Sam Altman phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Tel Aviv (Israel) hồi tháng 6. REUTERS

Dù sau đó ông Altman đã được phục chức, vụ việc đã đặt ra nhiều câu hỏi về cách xây dựng hệ thống lãnh đạo các công ty AI. Lý do là vì công ty này ban đầu lập tổ chức phi lợi nhuận vào cuối năm 2015 với mục tiêu xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) an toàn và có lợi cho nhân loại. Tuy nhiên, đến năm 2019, công ty con vì lợi nhuận được thành lập nhằm gọi vốn, thuê nhân tài nhưng vẫn làm việc theo chỉ đạo của đơn vị phi lợi nhuận.

Theo trang Politico, một cơ cấu hoàn toàn tập trung vào sứ mệnh phục vụ cộng đồng sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào tay những người không có lợi ích tài chính, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách của công ty.

Theo Khánh Như/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)