Những câu chuyện đau đầu
Đầu tiên là “đăng gì lên cũng sẽ được hỏi thăm tận tình”. Lệ Mẫn (trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) kể: “Có lần bạn nam cùng lớp tớ muốn đùa cho vui, liền để hình đại diện là tớ, rồi vào tường nhà tớ đăng bài. Vậy là tối đó tớ phải ngồi “uống trà”, nghe mẹ la rầy vì mẹ tưởng tớ có bạn trai”. Kỉ niệm đau thương hơn là lần mẹ bạn đăng hình gia đình, bao gồm cả những tấm hình rất ư là… riêng tư rồi tag bạn ấy vào. Kết quả là hôm sau vào lớp cô nàng bị bạn bè chọc quê hoài luôn.
Một số bạn cẩn thận hơn, mỗi khi đăng bài thường dùng “tùy chỉnh hạn chế” để ba mẹ không đọc được, nhưng rồi vẫn bị “lộ tẩy” nhờ “tay trong” của ba mẹ như anh, chị, dì, chú, bác… Hoàng Phúc (ĐH Tôn Đức Thắng, Q.7) kể: “Có lần mình đi chơi xa bằng xe máy nhưng không muốn ba mẹ lo lắng nên dùng chế độ tùy chỉnh. Vậy mà lúc về mình đã bị đơ mấy giây trước mấy câu hỏi của mẹ: “Ủa, hình đi chơi của con đâu rồi ta? Sao mẹ tìm hoài không thấy mà chị hai lại thấy?” Phúc nhận ra nếu ba mẹ không biết, hoặc biết không đầy đủ thì sẽ càng lo lắng hơn, nên từ đó đi đâu, làm gì bạn đều khai thật với ba mẹ hết.
Kể không hết niềm vui
Tuy vậy, chuyện ba mẹ cập nhật công nghệ cũng làm cho cuộc sống gia đình trở nên thú vị. Với Mỹ Thanh (lớp 11CA2, THPT Trần Đại Nghĩa, Q.1), chuyện ba mẹ dùng Facebook là điều hiển nhiên để cả nhà gần gũi nhau hơn. “Ban đầu, mẹ tớ tạo Facebook để tìm hiểu thôi, nhưng không lâu sau tớ nghe mẹ khoe: “Con, Facebook hay ghê ha, mẹ vừa tìm được mấy người bạn học cũ trên đó và nhiều hình ảnh hồi xưa nữa, vui quá trời luôn”. Hai mẹ con mình từ đó có niềm vui chung là… bấm like tất cả hình của nhau, chia sẻ những thông tin hay qua Facebook nữa”.
Không chỉ vậy, với nhiều gia đình, Facebook là nơi tế nhị để ba mẹ “nhắn nhe” chuyện tình càm của con cái. Như Phối Ngọc (trường CĐ Phát thanh Truyền hình 2), lần đó bạn vô tình đăng hình bạn trai lên mạng xã hội, mẹ bạn đã kịp thấy, like rồi bình luận phía dưới: “Đẹp đôi đó con, nhưng cũng ráng lo học đi nhé!” làm cô bạn vui lắm vì mẹ đã ngầm chấp thuận. Từ đó, mẹ vẫn thường xuyên hỏi thăm mình chuyện hai đứa, ở nhà nấu món gì ngon mẹ cũng bảo mang cho bạn ấy ăn nữa.
Cô Hằng (mẹ bạn Khánh Linh, học sinh trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) tâm sự: “Lúc trước cô hầu như không biết gì về mạng xã hội. Nhưng rồi cô thấy con cô thường xuyên dùng Facebook, nói chuyện với bạn bè mà dùng nhiều từ ngữ chỉ người chơi Facebook mới hiểu, nên cô có cảm giác hai mẹ con ngày càng xa cách. Chính vì lo lắng, thương yêu con, nên cô nghĩ nếu mình không tiếp cận thế giới ảo thì sẽ khó lòng bắt kịp suy nghĩ của con. Thế là cô nhờ bạn bè chỉ cách tạo tài khoản và… vào cuộc. Cô âm thầm tìm đọc các bài đăng của con cô, khi thấy có gì bất ổn thì cô tìm cách tâm sự, nói chuyện với con. Cũng nhờ đó mà hai mẹ con gần gũi, hiểu nhau hơn. Nhưng cô đặc biệt là ít khi nào like, bình luận nhiều trên trang của con cô, vì cô muốn để con thoải mái thể hiện mà không cảm thấy bị “theo dõi”, hì hì.” |
Gợi ý cho teen: – Nên đăng trạng thái về chuyện học tập để ba mẹ yên tâm là mình không lơ là. – Đừng “bỏ quên” gia đình, lâu lâu bạn hãy selfie cùng mẹ và đăng lên tường, mẹ bạn sẽ vui lắm đấy. – Chỉ dùng chức năng “tùy chỉnh hạn chế” khi thật sự cần thiết, không lạm dụng. Bạn cũng mong muốn ba mẹ hiểu mình hơn mà đúng không? – Không check-in ở những nơi… khó đỡ như “nơi cuộc tình tan vỡ”, “địa ngục trần gian”… – Chia sẻ thông tin (share) có chọn lọc. Và câu thần chú cuối cùng: Facebook dù sao cũng chỉ là mạng xã hội, hãy chia sẻ trực tiếp với bố mẹ để gia đình hiểu nhau hơn nhé. |
WENDY NGỘ – NGỌC NGÂN – PHI TÚ – Minh họa: HÀ SƠN
(Theo MTO)
Bình luận (0)