Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi ba mẹ không ở ngón tay cái

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, những thông tin về sự xâm hại tình dục trẻ em đã làm nhức nhói trái tim của bao người. Theo thống kê, ở Việt Nam, từ năm 2011 đến năm 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trung bình cứ 8 giờ lại có 1 trẻ bị xâm hại. Điều đáng nói là số trẻ em trai bị xâm hại không ít so với em gái. Với mong muốn giúp trẻ phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, nhiều lớp tập huấn về việc giúp trẻ nhận diện hành vi không an toàn trong giao tiếp, đâu là vùng riêng tư, vùng cấm kỵ của cơ thể khi tiếp xúc với người khác cho chuyên viên công tác xã hội, giáo viên… Và khi thực hiện việc dạy kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ, các thầy cô giáo thật sự băn khoăn, lo ngại ngay khi yêu cầu các em: “Hãy nêu 5 người theo thứ tự ưu tiên mà em muốn chia sẻ khi gặp chuyện buồn phiền lo lắng, bất an”. Theo nguyên tắc “Năm ngón tay chia sẻ”, thứ tự ưu tiên phải là: Ngón cái là ba mẹ, ngón trỏ là ông bà, ngón giữa là thầy cô giáo, ngón áp út là anh chị, ngón út là bạn bè. Thế nhưng, đa số câu trả lời của các em là “ba mẹ không ở ngón tay cái”.

Tôi đã từng gặp riêng những em không ghi ba mẹ vào vị trí số 1 để dò hỏi. Đa số các em dù ở gia đình kinh tế khá giả hay nghèo khó đều có ba mẹ mãi lo kiếm tiền, không có thời gian trò chuyện, gần gũi con cái. Dần dần các em không còn thấy thân thiết để chia sẻ gì khác với ba mẹ ngoài việc xin tiền ăn uống, mua sắm và ba mẹ cũng chỉ hỏi con cái về việc học tập mà thôi. Một số em thì rất sợ gặp ba mẹ vì ba thì luôn say xỉn, thường la mắng, thậm chí đánh chửi còn mẹ thì vất vả mưu sinh hay khóc than, trách cứ. Vài em thì có ba mẹ nghiêm khắc nên các em không tìm thấy được sự đồng cảm để trao đổi, sẻ chia vì sợ bị quở mắng, trách phạt. Đáng buồn hơn, không ít em không được ở cùng với ba mẹ vì ba mẹ ly hôn và đã có gia đình khác… Ba mẹ không là người để các em chia sẻ khi cần thiết, điều đó thật nguy hại! Các bậc phụ huynh hãy thử nghĩ, người đáng lẽ ở vị trí “độc tôn” khi các em cần là ba mẹ thì lại được thay thế là cô giúp việc, là chú tài xế, là anh hàng xóm hay bác ba, chú bảy nào đó mà các em quen biết. Như thế, những em ấy chính là đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục.

Những người tham gia thực hiện dạy kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em như tôi tha thiết mong muốn các bậc phụ huynh hãy ở vị trí ngón tay cái, bởi không có gì đáng buồn, đáng lo và đáng sợ hơn khi ba mẹ không ở vị trí số 1 trong lòng con trẻ. Không có kỹ năng phòng chống xâm hại nào bằng trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, trong sự quan tâm, lo lắng của ba mẹ. Do đó, ba mẹ phải là chỗ dựa vững chắc, an toàn cho con trẻ trong cuộc đời này.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)