Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi bác sĩ… kiếm cơm cho bệnh nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, đêm nhạc Blouse trắng của các y, bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc tại một số bệnh viện ở TP.HCM đã đem đến nhiều cảm xúc cho người nghe. Không chỉ khám, chữa bệnh cứu người, họ đã dùng tiếng hát của mình để giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

TS.BS Lê Hành mở màn đêm nhạc Blouse trắng

Ý nghĩa nhân văn

Dù thời tiết không thuận lợi nhưng đêm nhạc Blouse trắng vẫn thu hút nhiều khán giả. Sân khấu chỉ là một quán cà phê chật hẹp, mọi điều kiện về âm thanh, ánh sáng chỉ dừng lại ở mức “nghiệp dư” nhưng tiếng đàn, tiếng hát vẫn vang lên rộn rã một không gian nhỏ, ấm cúng. Đêm nhạc không còn một chỗ trống vì số lượng đăng ký quá đông.

Trước khi đêm nhạc diễn ra, các y, bác sĩ đã thu xếp thời gian tập luyện cùng nhau để có thể mang lại một đêm nhạc ra mắt thành công. Những bộn bề công việc và cuộc sống đã được họ tạm gác lại vì hoạt động mang ý nghĩa hết sức nhân văn. Theo dự kiến, đêm nhạc Blouse trắng sẽ diễn ra định kỳ vào tối thứ bảy hàng tuần nhằm gây quỹ quyên góp để có thể mở rộng dự án “Dĩa cơm trên tường” đến nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Là người tham gia mở màn chương trình, TS.BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ TP.HCM không giấu được niềm vui: “Hát và mổ đều là nghệ thuật, đều mang đến những điều tốt đẹp, niềm tin vào cuộc sống cho bệnh nhân. Tôi mong muốn đêm nhạc sẽ là bước tiếp nối thành công của dự án “Dĩa cơm trên tường” để những người thực hiện có thêm nhiều sáng kiến, tiếp tục duy trì những hoạt động xã hội ý nghĩa như thế này cho bệnh nhân và người thân. Họ được ăn một dĩa cơm mà chúng ta cũng thấy vui”.

Giữa nhịp sống hối hả, xô bồ này, công việc thầm lặng của những người thực hiện dự án “Dĩa cơm trên tường” đã minh chứng một điều rằng lòng tử tế vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Chắc hẳn, không ít bệnh nhân và người thân khi nhận cơm của dự án “Dĩa cơm trên tường” sẽ bớt cảm giác mặc cảm khi người cho và người nhận đều không biết nhau. Của cho không quan trọng bằng cách cho là thế…

Đã từng tham gia biểu diễn trong một số chương trình hát cho bệnh nhân nên bác sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà khá tự tin trên sân khấu. “Hàng ngày tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, cần sự chia sẻ. Khi được mời tham gia chương trình này, tôi không chần chừ một giây phút nào bởi tôi muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình vào “Dĩa cơm trên tường”. Từ lâu, chúng tôi rất thích những hoạt động như thế này nhưng lại thiếu người khởi xướng. Những mong muốn bị lụi tàn bởi sự bận rộn. Khi có người khởi xướng thì ngọn lửa ấy hẳn sẽ bùng lên”, bác sĩ Hà chia sẻ. Những mệt mỏi, áp lực cũng vơi đi khi đêm nhạc còn là sân chơi, kết nối những người trong ngành y. Hiện nay đã có 40 y bác sĩ tham gia tập luyện. Mỗi đêm có khoảng 10 giọng ca biểu diễn. Toàn bộ số tiền ủng hộ cho những đêm nhạc sẽ được đưa vào “Dĩa cơm trên tường”.

Tạo sức lan tỏa

TP.HCM có nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa. Với những người tâm huyết của “Dĩa cơm trên tường”, họ thực hiện ở những quán ăn gần bệnh viện. Một điều thú vị là những người trao dĩa cơm và người nhận không bao giờ biết mặt nhau. Những lá phiếu đã thay lời muốn nói của những người thực hiện chương trình này.

BS.CKII Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, người nghĩ ra ý tưởng về “Dĩa cơm trên tường” chia sẻ: “Dự án này được hình thành khi tôi tình cờ đọc một câu chuyện lãng mạn tại một quán cà phê ở TP.Venice (Ý). Khi vào quán cà phê này, ngoài uống phần nước của mình, khách có thể gọi thêm ly cà phê trên tường và tính tiền trước. Ly cà phê sẽ được tượng trưng bằng một tờ giấy nhỏ dán lên tường. Những người đến sau nếu gỡ tờ giấy nhỏ đó và đưa cho người phục vụ sẽ được phục vụ một ly cà phê và không cần phải tính tiền nữa. Tôi rất thích thú với câu chuyện này và nảy ra ý tưởng biến tấu ly cà phê trên tường thành dĩa cơm trên tường cho bệnh nhân nghèo”. Ý tưởng của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiền đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của bác sĩ Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám quốc tế EXSON. Họ đã cùng nhau biến ý tưởng này thành hiện thực và đã góp rất nhiều công sức, tâm huyết để “Dĩa cơm trên tường” phát triển hơn một năm qua” tại 4 bệnh viện là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Trưng Vương. Mỗi tuần, dự án hỗ trợ miễn phí 420 dĩa cơm, trị giá mỗi dĩa 20.000 đồng. Bước đầu, chương trình đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Hiện nay, các bác sĩ tại Quảng Ngãi, Bình Dương cũng đã liên hệ với chương trình để xin được chuyển giao hình thức này để lan rộng, giúp bệnh nhân nghèo.

Ít ai biết rằng những người bác sĩ bận rộn với guồng quay công việc lại chịu khó bỏ thời gian tự mình đi khảo sát, chọn lựa những quán ăn chất lượng gần các bệnh viện để làm đối tác phát cơm miễn phí cho bệnh nhân. Có buổi trưa nắng gay gắt, những người làm chương trình ngồi lặng lẽ quan sát ở một góc của quán ăn, nhận thấy chủ quán có sự ưu ái, bán phần cơm nhiều hơn, ngon hơn đối với người có phiếu của “Dĩa cơm trên tường”, bao mệt mỏi dường như tan biến.

Để chút lòng thơm thảo đến được đúng người, họ giao phiếu cơm miễn phí cho phòng công tác xã hội ở 4 bệnh viện để phân về các khoa, điều dưỡng trưởng sẽ phát cho những bệnh nhân thật sự có nhu cầu. Khi bệnh nhân, thân nhân người bệnh cầm phiếu cơm này ra quán cơm đã được bệnh viện chọn và ăn như một khách hàng bình thường. Khi nghe câu chuyện này, không ít người đã rơi nước mắt vì xúc động.

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)