Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi ca sĩ miền Bắc… Nam tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhóm Năm Dòng Kẻ thành công khi Nam tiến TP.HCM là vùng đất khá màu mỡ cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chính vì thế, Nam tiến luôn là mục tiêu hàng đầu của các ca sĩ Hà Nội đặt ra khi muốn thành danh, vì nổi tiếng ở TP.HCM là coi như được cả nước biết đến. Thế nhưng, sân khấu TP.HCM có thật sự dễ dãi, người TP.HCM có thật sự thông thoáng như mọi người nghĩ hay không? Và có phải ca sĩ nào Nam tiến cũng thành công…?

Miền đất hứa hay miền đất ảo vọng?

Đúng là chưa ở đâu mà các sân khấu ca nhạc, quán bar, phòng trà lại phát triển mạnh mẽ và được đầu tư  rất quy mô, hiện đại như ở TP.HCM.  Không những thế, từ lâu TP.HCM đã hình thành một công nghệ lăng xê khá chuyên nghiệp với những “đại gia” nổi tiếng như  Kim Lợi, Hoàng Tuấn Production, Vafaco, Nhạc Xanh, Bến Thành Audio, Rạng Đông, Bạn yêu nhạc, Thế giới âm nhạc… Mặt khác, đây cũng là nơi tập trung một lực lượng nhạc sĩ sáng tác, hòa âm phối khí đông đảo nhất nước. Những yếu tố đó cho thấy TP.HCM thật sự là miền đất hứa đối với những ca sĩ muốn thành danh.

Thế nhưng, mọi chuyện lại rất ngược đời khi ca sĩ Nam tiến thành công lại rất ít. Thành công rực rỡ nhất chỉ có thể kể đến Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Quang Linh, Hồ Ngọc Hà, nhóm Năm Dòng Kẻ. Họ nhanh chóng bật sáng thành sao và đến bây giờ vẫn giữ được vị trí đỉnh điểm của mình. Một số ca sĩ khác cũng nối bước các anh chị này như  Đăng Khôi, Quang Hà, Lê Hiếu, Thái Thùy Linh… nhưng mức độ thành công của họ chỉ ở mức “ thường thường bậc trung”, nghĩa là vẫn được khán giả, đón nhận nhưng vẫn không bật lên thành “sao” được. Đơn cử một ví dụ là đôi ca sĩ miền Bắc Lê Minh – Phương Huyền vào TP.HCM từ năm 2001 với mong ước được cọ xát với nghề vì tại đây có nhiều cơ hội thử thách hơn. Nhưng cả hai đã gặp thất bại, chỉ đi hát “kiếm cơm” được chứ danh tiếng thì quả còn xa vời. Thời gian qua, ca sĩ Phương Huyền tách ra hát đơn, đầu quân về Công ty Music Box của ca sĩ Thanh Thảo và đổi nghệ danh là Từ Minh Hy với nhiều chiến lược lăng xê thì mới được công chúng biết đến nhiều. Còn một số ca sĩ khác hầu hết chỉ tồn tại được một thời gian rồi… rơi vào khoảng lặng. Nguyên nhân ư, rất đơn giản, họ có thể thành công với một ca khúc hay một album nhưng rồi nếu không tự làm mới mình, không tự đặt mình vào thị hiếu khán giả thì họ vẫn có thể “chết” như thường.

Nếu như ở Hà Nội, chỉ với một lần bật sáng, họ có thể giữ được vị trí của mình. Nhưng ở TP.HCM thì lại khác, khán giả chỉ chấp nhận người ca sĩ khi họ phải có bài “hit” mới, phong cách thay đổi liên tục, do đó đòi hỏi người ca sĩ phải lao động rất nhiều và phải rất năng động. Một năm có khi họ phải ra 2-3 album, trong khi ca sĩ Hà Nội chỉ một album một năm, có khi đến mấy năm. Vì vậy mà nhìn bề ngoài của nó, nhiều ca sĩ cho TP.HCM là miền đất hứa, nhưng khi hiểu rõ nó thì quả thật chua chát, sự thành công nhanh chóng ở TP.HCM chỉ là ảo vọng.

Tại sao vẫn hiếm… vận may?

Đó là một thực tế đáng buồn cho ca sĩ Bắc vào Nam. Có rất nhiều lý do, một trong những lý do này thuộc vào bệnh quá “bài bản”. Trường hợp ca sĩ  Thiên Bảo chẳng hạn, vốn là dân Nhạc Viện Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp. Thiên Bảo được hãng Vafaco đầu tư  thành ca sĩ hát nhạc quê hương, nhưng với bản tính đòi hỏi của một “dân chuyên nghiệp”, Thiên Bảo muốn thể hiện một hình ảnh ca sĩ hát dân ca “thế hệ mới” với đầu đinh, ăn mặc model như một ca sĩ hát nhạc trẻ. Chính những thể nghiệm này mà Thiên Bảo đã hoàn toàn gây phản cảm cho khán giả. Cái tên Thiên Bảo sau một vài CD tổng hợp cũng đã bặt tăm cho đến nay.

Không chỉ ca sĩ trẻ, mà ngay một vài tên tuổi vào TP.HCM vẫn “chết chìm” như thường, trường hợp này có thể kể đến ca sĩ Minh Quân và Tuấn Hưng. Tuấn Hưng rất nổi tiếng với ban nhạc Quả Dưa Hấu, còn Minh Quân thì được xếp vào hạng nhất của ca sĩ trẻ Hà Nội. Khi vào TP.HCM, họ rất được Làn sóng xanh o bế, liên tục được xuất hiện trên sóng phát thanh và truyền hình nhưng tình hình của cả hai vẫn không mấy khả quan. Nhược điểm của Minh Quân là hay “cố cười quá”, vẫn biết là anh có nụ cười rất đẹp nhờ chiếc răng khểnh nhưng chính vì “cố quá” nên đôi lúc anh không còn nhận được sự duyên dáng thu hút bẩm sinh nữa, và cách chọn ca khúc của Minh Quân vẫn chưa được nhạy cảm cho lắm. Còn Tuấn Hưng cho dù làm thế nào khán giả vẫn cảm thấy anh kênh kiệu, khó gần… Hiện thì họ đã quay trở lại Bắc và hoạt động nghệ thuật cũng không có gì nổi bật.

Hát phô diễn kỹ thuật nhiều quá cũng lại là một bất lợi đối với các ca sĩ Bắc vào Nam. Nhiều ca khúc không cần “ú, á” nhưng họ vẫn “ú, á”, bệnh này có thể nói từ ngôi sao đàn chị Thanh Lam mà ra. “Noi gương” chị hiện nay có ca sĩ trẻ Đăng Minh.

Những chiến lược lăng xê bất thành

Mỗi một cuộc Nam tiến của các ca sĩ phía Bắc luôn có người dẫn dắt và hầu hết là những nhạc sĩ hay những ông bầu ở TP.HCM tuyển chọn. Điển hình là trường hợp cô ca sĩ  Lưu Thiên Hương được nhạc sĩ Bảo Phúc kỳ vọng là một ca sĩ triển vọng. Lưu Thiên Hương được đem “thử lửa” nhiều chương trình cũng như tham gia vào một số CD tổng hợp của Bến Thành Audio. Hương hát rất tốt nhưng do không biết lựa bài nên thành ra thất bại, nhiều bài hát thuộc dạng “fashion” được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát nhưng Hương hát lại và lại hát rất giống người trình bày trước kia, dĩ nhiên là khán giả không chấp nhận.

Hay như ca sĩ Cao Thái Sơn, đang vào vòng chung kết của cuộc thi Sao Mai điểm hẹn bỗng dưng rút lui khỏi cuộc chơi và Nam tiến. Sơn đầu quân về công ty của Hoàng Tuấn  Production – nơi lăng xê rất thành công ca sĩ Đan Trường. Sơn xuất hiện trong rất nhiều chương trình lớn, được báo chí viết bài ca ngợi cũng như góp mặt trong rất nhiều album cùng ca sĩ đàn anh Đan Trường. Tên tuổi của Sơn đang trên đà vụt sáng thì đùng một cái, giữa Sơn và Hoàng Tuấn xảy ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, vậy là đường ai nấy đi. Hiện, Sơn tự thân vận động, ra album đơn, đóng phim, cái tên Cao Thái Sơn vẫn được khán giả biết đến nhưng để trở thành ngôi sao thì vẫn còn phải chờ… thời.

Ngoài ra, còn rất nhiều những ca sĩ Bắc được ông bầu D. hay C. gì đó hứa hẹn rồi cũng biệt tăm. Nhiều người trong số họ hát cầm chừng để chờ đợi, một số khác thì nản bỏ nghề. Các ca sĩ trẻ Hà Nội vào TP.HCM thường nhắm vào các cuộc thi để được chú ý như ca sĩ Nguyễn Hoàng Nam (giải nhất cuộc thi Close up chẳng hạn). Với lời quảng cáo quyến rũ là sẽ được lăng xê và thực hiện CD đầu tay, Nam đã dự thi, nhưng khi đoạt giải nhất xong thì đường ai nấy đi, CD đầu tay cũng chẳng thấy mà lời hứa lăng xê của công ty nọ cũng bay “theo gió ngàn phương”. Nam đã phải một mình bươn bải để tồn tại với nghề ca hát, ước mơ trở thành ngôi sao thì cứ… chờ đó.

Còn rất nhiều ca sĩ trẻ Hà Nội có tham vọng Nam tiến để lập nghiệp. Đối với họ, những thất bại của đàn anh đàn chị là những kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho con đường mà họ sắp bước đi. Hai chữ “Nam tiến” sẽ không có gì khó khăn nếu họ hiểu rõ bản thân mình, tự tin, biết lắng nghe “hơi thở” của thị trường và đặc biệt là phải có lòng kiên trì và nhẫn nại. Tương lai đối với họ vẫn còn ở phía trước.

TRẦN ĐẠI NGHĨA

Bình luận (0)