Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khi các chàng làm “nghề của nàng”

Tạp Chí Giáo Dục

Cắm hoa ngày nay không còn là lĩnh vực “độc quyền” của phái nữ. Chị Mai Hương (shop Trang chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Q.10, TP.HCM) cho biết: “Nhu cầu sử dụng hoa tươi ngày càng cao, các nhà hàng khách sạn, cao ốc văn phòng khi tổ chức sự kiện hoặc các show thời trang lớn nhỏ, các sàn catwalk… thường cần thợ cắm hoa là nam giới".

 
Sở dĩ nam giới trụ được với công việc nhiều áp lực này vì số lượng hoa cắm thường rất lớn, từ khâu chuẩn bị đến hoàn tất đều đảm bảo không thể sai sót và cường độ công việc rất cao để đảm bảo thời gian và chất lượng hoa. Hai bạn Duy Hiếu và Thanh Hải (shop Ly chợ Hồ Thị Kỷ) có hai năm trong nghề cho biết: “Ngoài việc cắm hoa cho cửa hàng, chúng tôi còn nhận làm thêm theo giờ với tiền công tối thiểu 80.000-100.000đ/giờ. Lúc mới vào nghề, thợ nam thường không cẩn thận nên bị gai của hoa cào xước tay hoặc mạnh tay quá nên rụng hết cánh hoa, may mà làm riết giờ đã quen tay”.
Anh Đặng Hồng Quỳnh (Công ty TNHH Quỳnh Minh) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, mở shop hoa từ năm 2004, phát triển chuỗi hoa tươi lên 10 cửa hàng vào cuối năm nay, có 12-15 thợ nam chuyên cắm hoa sự kiện. Hồng Quỳnh cho biết: “Hội nghị bắt đầu 8g, thợ cắm hoa chỉ đến trước hai – ba tiếng, vì cắm sớm hơn, hoa sẽ héo. Có một số loại hoa không cắm được trong nước hay mút mà trang trí trên cầu thang, bóng đèn, rải thảm hoa, do đó không thể xịt nước, rất khó bảo quản. Người làm phải tính toán kỹ, chăm chút từng chi tiết nhỏ”.
Danh Phương – một trong bốn chàng trai chuyên cắm hoa của shop hoa Yến Lan
Để đảm bảo công việc “chạy”, một ê kíp “thợ hoa” thường gồm hai – ba thợ chính, năm – bảy thợ phụ. Đối với những bình hoa lớn ở tiền sảnh các khách sạn năm sao có cả ngàn bông, một người không thể xoay hết bình nên cần những trợ lý cắm hoa ăn ý. Chủ đề hoa luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, do khách yêu cầu mới lạ mỗi ngày hay phải phù hợp với nội thất từ sảnh lớn đến sảnh nhỏ và mỗi sự kiện, mỗi đoàn khách. Mỗi khách sạn cũng có một “gu” thẩm mỹ khác nhau nên đòi hỏi các đội không chỉ chuyên nghiệp mà còn phải tinh ý.
Với các sự kiện: tất niên, hội thảo du lịch, du học, ký kết đối tác, các quán cà phê, nhà hàng, nhiều khi khách hàng đòi hỏi nhà cung cấp hoa phải đưa ra những ý tưởng “không đụng hàng”. Có khi hoa được xếp thành logo, xếp chữ chào mừng hoặc thả cánh hoa vào các hồ nước cho cảnh quang sinh động, lung linh. Chị Thanh Châu, chủ shop hoa Yến Lan (đường Đặng Văn Ngữ – Q.Phú Nhuận), cửa hàng có bốn chàng trai cắm hoa “cơ động” cho biết: “Tùy hội trường, chương trình đơn giản hoặc phức tạp, đối tượng phục vụ, thợ cắm hoa luôn chạy đua về thời gian. Với những tiệc buồn như ngày giỗ, lễ tưởng niệm, sắc thái biểu cảm không chỉ qua lẵng hoa mà còn là sự chia sẻ trên nét mặt của thợ cắm hoa. Điều này phái nam có ưu thế hơn”.
Đối với nơi sang trọng, thợ cắm hoa thả sức thiết kế, chọn các loại hoa ngoại, đắt tiền, lâu tàn. Với những tòa nhà, trung tâm thương mại, chi phí cho hoa tươi phải “gói ghém”, nhưng đòi hỏi thể hiện nhiều ý nghĩa, thì thợ cắm hoa phải khéo léo, đơn giản, cá tính, cầu kỳ nhưng không lòe loẹt. Anh Đặng Hồng Quỳnh – người từng trải qua nhiều lần thất bại, nay tay nghề đã “cứng”, tâm sự: “Tôi được học hỏi từ những người thầy cắm hoa các nước, được tiếp cận với Chủ tịch Hiệp hội cắm hoa thế giới. Tôi học được rằng, phải tập nâng niu các cành hoa như “đứa con cưng” và sáng tạo không ngừng. Cái duyên của người thợ không chỉ làm đẹp những loài hoa quý phái, mà phải tôn vinh cả cỏ lá hương đồng gió nội, các loài hoa hoang dại, tạo cho chúng sắc thái và ngôn ngữ riêng”.
Nguyễn Bay / Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)