Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi các em bật khóc

Tạp Chí Giáo Dục

“Con tôi năm nay lên lớp 4 tại một trường tiểu học thuộc Q.1, TP.HCM. Hằng năm cháu đều háo hức mong chờ ngày khai giảng như chờ món quà cho riêng mình. Năm nay cô giáo thông báo chỉ có năm bạn trong lớp được dự lễ khai giảng, cháu buồn lắm, về nhà khóc với tôi”.
“Trước ngày đi học đầu tiên, tôi nhắc cháu sắp xếp cặp vở chuẩn bị cho ngày mai đi học, cháu vừa soạn cặp vừa mếu máo. Gặng hỏi cháu mới thổ lộ: Con xấu hổ với bạn bè vì không được chọn đi dự lễ khai giảng, con không thích đi học đâu”.
Trên đây là một trong nhiều tâm sự của phụ huynh có con không được tham dự lễ khai giảng năm học mới. Trò chuyện với hiệu trưởng các trường, chúng tôi nhận được câu trả lời khá giống nhau: sân trường quá hẹp không đủ chỗ ngồi (hoặc đứng) cho học sinh toàn trường. Vì thế lễ khai giảng chỉ ưu tiên cho khối lớp đầu cấp và cuối cấp, các khối lớp còn lại nhà trường chọn vài học sinh/lớp đi dự mà thôi.
Đúng là trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng” như ở TP.HCM, đa số trường học đều có khuôn viên chật hẹp. Nhưng việc đi dự lễ khai giảng năm học là quyền lợi chính đáng của học sinh. Các thầy cô giáo hay những nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các địa phương (tất cả hẳn đều trải qua cảm giác sung sướng, hân hoan trong ngày khai giảng) nếu tự đặt mình vào trường hợp học sinh: trong khi ngoài đường nhiều học sinh khác xúng xính trong bộ quần áo mới, tươi cười hớn hở đến trường để đón chào năm học mới; riêng mình phải ở nhà vì trường không đủ chỗ ngồi thử cảm giác sẽ như thế nào? Trong nhiều dòng tâm sự gửi chúng tôi, các phụ huynh cho biết con em họ đã nức nở bật khóc trong hoàn cảnh ấy.
Người viết bài này đã chứng kiến có trường vì niềm mong ước chính đáng của học sinh đã cho học sinh đứng trên bancông nhìn xuống, đứng trong lớp học, trong hành lang nhìn ra… để tất cả đều được hưởng niềm vui trong ngày khai trường. Hoặc nếu muốn, các trường có thể chọn một địa điểm khác rộng rãi hơn để tổ chức lễ.
HOÀNG HƯƠNG (TTO)

Bình luận (0)