Không chỉ thu hút doanh nghiệp tham gia làm xã viên, nhiều hợp tác xã (HTX) đã tham gia nhiều khâu để sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường nước ngoài thành công.
Đóng gói dừa xuất khẩu tại Liên hiệp HTX nông nghiệp Tiền Giang – Ảnh: V.TR.
Cuối tháng 4-2018, Liên hiệp HTX nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu container nông sản đầu tiên sang Nhật Bản bằng chính thực lực của mình. Đó là nhờ góp vốn thành lập và trực tiếp điều hành doanh nghiệp xuất khẩu.
Cách làm mới này đã mở toang cánh cửa cho nông dân trực tiếp làm ăn lớn, bớt phụ thuộc vào những hợp đồng thời vụ của doanh nghiệp.
Tự xuất khẩu nông sản
Ông Nguyễn Thành Sơn – tổng giám đốc Liên hiệp HTX nông nghiệp tỉnh Tiền Giang – cho biết hiện nay, liên hiệp có 11 HTX thành viên sản xuất kinh doanh nông sản và các sản phẩm nông nghiệp.
Những loại nông sản nổi tiếng ở Tiền Giang như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, dừa, sầu riêng, sả… đều được các HTX thành viên canh tác.
Liên hiệp HTX đã tổ chức được mạng lưới tiêu thụ ổn định tại các siêu thị ở TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình. Trung bình mỗi ngày Liên hiệp HTX tiêu thụ và cung ứng cho các siêu thị này 2-5 tấn trái cây đặc sản.
"Chúng tôi đang tập trung nâng tầm các HTX thành viên bằng việc tổ chức sản xuất và chứng nhận nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Có tiêu chuẩn này rồi thì tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều dễ dàng và có giá cao" – ông Sơn nói.
Đầu tháng 4-2018, Liên hiệp HTX nông nghiệp tỉnh Tiền Giang góp vốn với đối tác thành lập Công ty Happy Coco và trực tiếp điều hành hoạt động của công ty này. Ngay khi thành lập, Công ty Happy Coco đã ký hợp đồng xuất khẩu một container dừa khô, dừa tươi gọt vỏ, sầu riêng, sả, lá dong, lá chuối.
Cổ tức cao hơn doanh nghiệp
Trong khi các HTX ở Đà Nẵng bị bao phen sóng gió thị trường đào thải thì HTX mây tre An Khê (Q.Thanh Khê) vẫn vững vàng 40 năm qua.
Ông Trần Bá Tượng, chủ tịch HĐQT HTX mây tre An Khê, cho hay ngoài việc phải liên tục cải tiến kỹ thuật (từ đổi mới máy chẻ mây trục đứng sang trục ngang để định vị chính xác hơn, bóng láng hơn tới áp dụng lò luộc mây theo công nghệ mới)… HTX cũng mạnh dạn đi "làm thị trường", ủy thác và trực tiếp xuất khẩu sang Trung Đông, Asean, châu Âu.
Xuất khẩu chiếm 60% trong tổng doanh thu, HTX chia cổ tức 18%/năm – cao hơn nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Ông Nguyễn Thành Sơn cho rằng với ngành hàng nông sản, nhu cầu nhập khẩu của các đối tác như Nhật Bản rất lớn. Cơ hội làm ăn lớn nếu nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP còn nhiều, tuy nhiên cách làm phải khác.
Ví dụ, để tránh tình trạng làm ăn chụp giật, Liên hiệp HTX nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ đưa ra thảo luận quy định mới: 11 HTX nông nghiệp thành viên sẽ cam kết "một giá".
Như bưởi da xanh dù trồng ở đâu đều tiêu thụ giá thống nhất, chứ không mặc cả như ở chợ trời. Cách làm này nhằm tạo cho nông dân HTX thói quen làm ăn lớn.
Nhiều HTX vẫn loay hoay Dù một số HTX đã vươn lên, nhưng phần lớn HTX trên lĩnh vực nông nghiệp hiện đều giống nhau ở: ít vốn, doanh nghiệp bao tiêu nông sản thời gian ngắn rồi… rã đám. HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng với vùng chuyên canh xoài cát chu Cao Lãnh đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đã xây dựng được thương hiệu "Xoài Cao Lãnh" và sản phẩm có mặt tại nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Tuy nhiên, ông Võ Việt Hưng – giám đốc HTX – thừa nhận HTX chưa bao giờ trực tiếp xuất khẩu, mà chỉ bán cho một số doanh nghiệp. Theo ông Hưng, HTX muốn liên kết làm ăn lâu dài với doanh nghiệp nhưng họ chưa muốn. Vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài tự HTX nỗ lực thì cần bàn tay chính quyền để nhân rộng các mô hình liên kết tốt. V.TR. |
Bình luận (0)