Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết thể hiện trích đoạn trong vở Đời cô Lựu; Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu – Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam và nghệ sĩ Thanh Hằng hát Tiếng trống Mê Linh, Thoại Ba công chúa… Bằng cách mời nghệ sĩ cải lương góp mặt, các nhà làm phim đã và đang tìm cách đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này vào phim để tạo ra chấm phá thú vị, khác biệt cho tác phẩm của mình.
Gia vị độc đáo
Một trong những điểm nhấn của bộ phim đang chiếu rạp – Biệt đội rất ổn – là sự xuất hiện của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết. Trong vai trò khách mời đặc biệt của phim, nữ nghệ sĩ vào vai chính mình – người được nhân vật đại gia miền Tây Tư Xoàn mời về hát tại đám cưới ngàn tỉ của mình. NSND Bạch Tuyết khiến người xem xúc động khi thấy lại bà với tạo hình của cô Lựu khi tái hiện vở cải lương Đời cô Lựu trên sân khấu buổi tiệc cưới. Màn diễn này còn có sự tham gia của diễn viên Võ Tấn Phát (vai Bảy Cục).
NSND Bạch Tuyết tái hiện vở Đời cô Lựu trong 1 cảnh phim Biệt đội rất ổn
Những phân cảnh liên quan đến cải lương trong phim xuất hiện gọn ghẽ, lý do cài cắm khá hợp lý vì chuyện phim diễn ra ở miền Tây – nơi cải lương rất được yêu thích. Đây là phim hiếm hoi mời được NSND Bạch Tuyết tham gia và hiếm hoi hơn nữa khi nhân vật bà là chính bà. Chia sẻ về điều này, NSND Bạch Tuyết cho biết: “Tôi thấy mình may mắn khi được mời đóng chính mình – vai Bạch Tuyết trong phim. Được ca hát vở cải lương tâm huyết của tác giả Trần Hữu Trang và được diễn một Bạch Tuyết đời thường, mặc quần áo đẹp, lên hình đẹp, tôi rất vui. Tôi hạnh phúc khi cải lương hôm nay được công nhận bằng tiếng nói của điện ảnh”.
Dấu ấn cải lương trong phim Dạ cổ hoài lang nằm ở câu hát quen thuộc “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phán lên đàng” của bản Dạ cổ hoài lang, được nhân vật Tư Lành (Hoài Linh đóng) ngân nga khi ông nhớ lúc vợ qua đời. Phim Sài Gòn anh yêu em thì xây dựng hẳn tuyến nhân vật là cặp vợ chồng nghệ sĩ cải lương luôn giữ gìn bộ môn nghệ thuật này: ông Sáu – bà Lương để NSƯT Thanh Nam và NSND Ngọc Giàu thoải mái ca diễn mấy câu trong vở Thoại Ba công chúa, Tiếng trống Mê Linh. Màu sắc cải lương đậm đặc nhất là phim Song lang, từ bối cảnh đến câu chuyện. Phim đưa người xem về những năm 1980 – thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương, kể câu chuyện về 2 chàng trai trẻ tìm thấy sự đồng điệu tâm hồn nhờ cùng yêu cải lương.
Yếu tố phụ nhưng cũng cần chăm chút
Là bộ môn nghệ thuật có sức sống cả trăm năm, cải lương nghiễm nhiên trở thành nguồn chất liệu tốt cho các nhà làm phim khai thác nhằm làm tăng tính bản địa của tác phẩm – điều mà mỗi bộ phim cần đến. Những người chọn đưa cải lương vào phim cũng là những tâm hồn yêu quý bộ môn này đích thực và mong muốn lan tỏa tình yêu đó đến người xem, nhất là khán giả trẻ.
Nói về lý do đưa cải lương vào Biệt đội rất ổn, nhà sản xuất Ngọc Hùng cho biết: “Xuất phát từ lòng yêu mến nghệ thuật cải lương của những người làm phim. Trong lúc họp bàn về kịch bản và phát triển các tình huống chi tiết, khi có đề xuất đưa cải lương vào phim, mọi người gần như ồ lên thích thú. Đường dây câu chuyện cũng thích hợp đưa tiết mục cải lương vào hơn là đờn ca tài tử hay hát boléro. Vì đã chọn cải lương, chúng tôi cũng phải chọn một trong những nghệ sĩ được xem là biểu tượng của nghệ thuật cải lương và NSND Bạch Tuyết là điển hình. Ê kíp biên kịch, đạo diễn và sản xuất phải suy nghĩ rất nhiều để cải lương vào phim sao cho mượt mà. Chúng tôi may mắn khi mời được NSND Bạch Tuyết tham gia và góp thêm nhiều ý hay trong việc phát triển câu chuyện. Hiệu quả đưa cải lương vào phim thế nào xin để khán giả đánh giá, nhưng phải khẳng định một điều là cải lương vẫn luôn tồn tại trong đời sống”.
Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu và Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam tái hiện vở Tiếng trống Mê Linh trong một cảnh phim Sài Gòn anh yêu em
Đem nét đẹp cải lương vào phim cũng rất cần sự chăm chút để người xem có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về nó. Từ cách nghệ sĩ hóa trang, phục trang cho tới âm nhạc, cách ca diễn phải đúng “chất”. “Liều lượng” cải lương chen vào đường dây câu chuyện cũng cần được cân đong đúng mực để khán giả không cảm thấy lê thê, ngán ngẩm. Tạm thời những phim có yếu tố cải lương đều làm tốt các điểm này. Kể cả phim Song lang có thời lượng cải lương dày đặc, nhất là vở diễn Trọng Thủy – Mỵ Châu khá dài, nhưng khán giả vẫn thích thú theo dõi vì được khám phá lối sinh hoạt trong phòng trang điểm, cảnh nhắc tuồng…
Có thể thấy, việc thông qua hình thức nghệ thuật này giúp người xem tiếp cận hình thức nghệ thuật kia là cách làm khá mạo hiểm của các nhà làm phim, nhưng là một sáng tạo đáng khích lệ bởi giới trẻ – đối tượng chính đến rạp hiện nay – có một khoảng cách quá xa với cải lương. Đưa chất liệu cải lương vào phim chính là cách giúp cải lương đến gần hơn với người trẻ và là cách giữ gìn, lan truyền vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Việt.
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)