Nói đến giáo dục hiện nay, người ta thường lên án việc đánh phạt học sinh và hay lấy câu “Thương cho roi cho vọt” để cho rằng đó là kiểu giáo dục lạc hậu, xưa cũ. Việc lấy câu “Thương cho roi cho vọt” để phân tích và bảo cách giáo dục của người xưa là không còn phù hợp với hiện nay là sai, giáo dục phải bằng tình thương chứ không phải là đòn roi, đánh đập.
Theo tôi, sử dụng câu tục ngữ như thế là không chính xác, là thiếu hiểu biết vì câu tục ngữ này có hai vế đối nhau, sao lại tự ý cắt đi một nửa? Chính việc cắt bỏ một vế đó đã dẫn đến việc cho rằng cách giáo dục của ông cha ta là không tôn trọng trẻ, là vi phạm nhân phẩm trẻ.
Câu tục ngữ đầy đủ là:
“Thương cho roi cho vọt
Ghét cho ngọt cho bùi”
Tục ngữ của ông cha là kho tàng quý giá, từng câu, từng chữ đều được chắt lọc nên có ý nghĩa sâu xa, thâm thúy. Không thể hiểu ý nghĩa tục ngữ bằng nghĩa đen đơn giản như vậy. Nếu thương thì phải dạy bằng đòn roi. Vậy sao đã ghét lại dùng lời ngon ngọt? Đã ghét thì không thèm nhìn mặt, không nói đến một lời mới đúng chứ. Chỉ cần tự vấn như thế, chúng ta đã thấy rằng lời người xưa không thể hiểu sơ sài như vậy. “Thương cho roi cho vọt” phải được hiểu là nếu thương yêu thì nhớ nghiêm khắc dạy bảo, uốn nắn cho nên người, không quá chiều chuộng, muốn gì được nấy sẽ làm trẻ hư. “Ghét cho ngọt cho bùi” là khi ghét bỏ có thấy trẻ làm điều sai trái cũng chẳng nhắc nhở, bảo ban, thậm chí còn “độc ác” hơn là khen ngợi, khuyến khích… để trẻ ngày càng sai phạm và cuối cùng hư hỏng, thành người xấu.
Lời cha ông là lời vàng ý ngọc. Xin đừng tự ý cắt xén để rồi hiểu nó một cách thô thiển và chê bai cho rằng cách giáo dục của người xưa quá lạc hậu. “Lời quê chắp nhặt dông dài” xin được bày tỏ ý kiến, chỉ mong câu tục ngữ quý của ông cha được trả lại nguyên vẹn.
LÊ PHƯƠNG TRÍ
Bình luận (0)