Mỗi bước trưởng thành của trẻ người lớn phải thường xuyên theo dõi và định hướng đúng lúc, đúng chỗ, đúng quy luật tâm sinh lý của con mình. Đừng quên vai trò giáo dục của gia đình cũng để khi con trở thành trẻ hư thì cha mẹ lại đổ lỗi hết cho nhà trường, xã hội…
Cha mẹ phải luôn đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh |
Sai từ hiểu biết
Trường hợp ông Hải (Biên Hòa – Đồng Nai), ông bà sinh ra được hai cậu con trai, cháu lớn năm nay đang học ĐH Bách khoa thành phố năm thứ ba, còn cháu thứ hai 17 tuổi thì là một đứa trẻ “bất trị”, đã hai lần đi cải tạo vì trộm cắp tài sản, giờ đây đang trong tình trạng nghiện hút nặng, gia đình đã đưa đến trung tâm cai nghiện 2 lần nhưng chỉ được sau một thời gian lại tái nghiện. Ông Hải than phiền: “Cả hai đứa cùng cha mẹ sinh ra, cùng học ở một trường phổ thông chất lượng tốt, bạn bè của cháu thì phần lớn ngoan ngoãn nhưng riêng cháu thì chẳng hiểu xã hội thế nào mà nó khác hoàn toàn với những đứa trẻ khác”.
Còn gia đình chị Thanh ở Dĩ An, Bình Dương thì kể lại: “Từ nhỏ cháu rất ngoan, tố chất thông minh nhưng đến năm 15 tuổi sang cấp 3 thì cháu sinh hư, khó bảo, trơ lỳ, ương ngạnh, vô lễ với cha mẹ, anh chị. Có lẽ những thói hư, tật xấu cháu học được chính ở nhà trường. Gia đình không phải là nguyên nhân gây nên. Giá như con tôi học ở nhà trường khác thì chắc chắn sẽ không đến nông nỗi bây giờ”.
Lại có trường hợp phụ huynh đổ lỗi khi môi trường thay đổi, đơn cử là trường hợp chị Dân người hàng xóm tôi. Chị chia sẻ: “Đứa con trai từ nhỏ được cha mẹ giáo dục, chăm sóc đến nơi đến chốn vậy mà khi gia đình chuyển lên thành phố thì hành động, tính cách nó hoàn toàn thay đổi, tập hút thuốc, uống rượu cùng bạn bè, tập tành những giọng điệu của những đứa trẻ đường phố, chống đối cha mẹ. Biết vậy, tôi cứ cho chúng sống ở quê có lẽ sẽ tốt hơn”.
Có rất nhiều nỗi niềm của các bậc cha mẹ về trường hợp của con mình, mỗi gia đình có những hoàn cảnh riêng và nguyên nhân dẫn đến con cái hư hỏng có nhiều lý do. Đặc biệt hiện nay, một số cha mẹ toàn phó mặc con cái cho nhà trường, họ nghĩ đó là một môi trường tốt nhất, ở đó buộc con mình phải phát triển toàn diện, phải học giỏi và ngoan ngoãn như những đứa trẻ khác. Khi kết quả không theo ý muốn thì họ lại đổ lỗi tất cả trách nhiệm của nhà trường và xã hội, thậm chí nhiều người mất niềm tin.
Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết các trường hợp trên các cháu đều thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc quan tâm không đúng cách. Trường hợp thì cha mẹ chỉ quan tâm đến làm ăn mà khoán trắng cho nhà trường như các trường hợp trên thì anh chị lại thiếu quan tâm khi cháu bước sang tuổi “nhạy cảm”, xem chúng chỉ là trẻ con “vắt mũi chưa sạch” vì vậy những hành vi lệch chuẩn của cháu không được sửa chữa, điều chỉnh và khi cháu bị tập nhiễm, không còn khả năng “kháng thuốc” thì đương nhiên cháu sẽ nhanh chóng hình thành những nét tính cách xấu.
Trong cuộc sống không phải như mọi thứ cứ bày sẵn, không phải hoàn toàn môi trường giáo dục tốt là con mình sẽ tốt và ngược lại ở những môi trường có nhiều tiêu cực nhưng có nhiều trẻ vẫn có thể “đề kháng” được và trở thành người tốt.
Di truyền + giáo dục + cá nhân + môi trường = nhân cách
Các nhà khoa học tâm lý – giáo dục đã chứng minh rằng môi trường xung quanh trẻ là yếu tố quan trọng trong sự trưởng thành từng ngày, từng giờ của trẻ nhưng yếu tố này không quyết định tuyệt đối. Đứa trẻ sinh ra và lớn lên trước hết bị quy định bởi những điều kiện bẩm sinh di truyền, đó là mặt tự nhiên, là điều kiện cho sự phát triển, đến khi biết tham gia vào môi trường xung quanh thì giáo dục gia đình là nền tảng và lớn lên trưởng thành gia nhập các mối quan hệ xã hội chịu ảnh hưởng của nhà trường và các tổ chức xã hội khác. Chính vì vậy, mỗi bước trưởng thành của trẻ người lớn phải thường xuyên theo dõi và định hướng đúng lúc, đúng chỗ, đúng quy luật tâm sinh lý của con mình. Không nên cho trẻ phải trói buộc mà cũng không để tự do buông thả, mỗi một giai đoạn lứa tuổi chúng ta cần phải theo dõi để có thể định hướng kịp thời. Cũng có thể trẻ sẽ bị tập nhiễm theo kiểu “gần mực thì đen…”. Hãy tạo ra những môi trường tốt nhất cho trẻ hoạt động, đó là một môi trường thân thiện và gần gũi. Đặc biệt trong gia đình phải giáo dục đạo đức, tình cảm yêu thương cho trẻ ngay từ những năm đầu đời. Đừng phó mặc cho môi trường mà tạo ra “niềm tin tuyệt đối”. Hãy là những nhà giáo dục để có thể dẫn dắt con mình từng bước trưởng thành và hoàn thiện. Môi trường xung quanh lành mạnh cùng với sự tích cực hoạt động của trẻ và sự dẫn dắt, định hướng của cha mẹ, thầy cô giáo, các tổ chức xã hội thì nhân cách các em mới có thể phát triển.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên Tâm lý học
Trường ĐH Nguyễn Huệ – Đồng Nai)
Bình luận (0)