Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Khi cha mẹ “du học” cùng cục cưng

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít cha mẹ ngổn ngang trăm mối tơ lòng khi cục cưng đi du học. Đó không chỉ là nỗi nhớ mong, lo lắng con gặp bất trắc nơi xứ người… mà còn là những bức xức, buồn bã, muộn phiền khi nhận thấy cục cưng thay đổi chóng mặt quá!
Ngổn ngang nỗi niềm
Nhiều cha mẹ có con đi du học đồng ý với nhau rằng dường như cục cưng của mình “cứng đầu” hơn so với trước khi đi du học. “Nghiêm trọng” hơn, một số cha mẹ cảm thấy khó chịu, bức xúc trước những thay đổi của cục cưng khi từ xứ người quay về.
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn gợi ý với các phụ huynh về cách đồng hành cùng con trên hành trình du học – Ảnh: Trung Uyên
Chị K.P (Q.10, TP.HCM) không nén được xúc động khi kể về cậu con trai 18 tuổi đang du học ở Singapore: “Ngày xưa, nó cũng bình thường thôi nhưng từ ngày đi du học, nó có những câu nói làm tôi sốc, buồn, giận lắm. Ví dụ như khi nó về thăm nhà, tới bữa ăn, tôi bóc vỏ tôm, gỡ thịt cho nó ăn thì nó nói nó tự ăn được. Tôi nói tôi làm vậy vì muốn thương yêu, chăm sóc nó mà nó vẫn không chịu”.
Chưa hết, có lần chị sang thăm con, mang theo cái mền vì sợ con lạnh. Cậu con trai nói thẳng: “Mẹ mang sang làm chi. Singapore thiếu gì thứ này!”. Cả việc chị hay hỏi con qua điện thoại câu quen thuộc: “Con đang làm gì vậy?”, cũng bị con “vặc” lại: “Sao mẹ hỏi câu đó hoài vậy?”.
Không căng thẳng như chị K.P nhưng chị H.Loan (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng có nhiều tâm sự khi con gái 19 tuổi đang du học ở Mỹ: “Tôi vừa mua cho con một chiếc xe hơi như nó mong muốn. Mua xong rồi thì lại lo con không tập trung học mà lấy xe chạy vòng vòng. Tôi cũng thấy từ khi con đi du học, con xài tiền nhiều và trở nên quá tự tự tin đến mức tự cao. Tôi sợ cháu tự tin quá sẽ bị té đau”.
Ngay cả việc các cục cưng đi du học có điều kiện ở với người thân cũng làm nảy sinh vô số vấn đề làm đau đầu cha mẹ ở quê nhà. Chị Nguyễn Thị Thanh Lan kể về cô con gái 16 tuổi đang du học ở Mỹ: “Cháu đang được giám hộ bởi các cậu dì. Mới được chừng 5 tháng, cháu đã than thở vì cảm thấy bị giám sát từng li từng tí, bị sốc vì bị các cậu dì xem như trẻ con. Cháu nói người lớn nghĩ cháu kém tự chủ, hòa nhập quá nhanh…”.
Hay như chuyện một ông bố có con gái du học ở Mỹ khăng khăng đòi chuyển ra ở riêng chứ không sống chung với ông bà nội vì ông bà nội suốt ngày xem cải lương còn cô con gái chỉ khoái nhạc trẻ sôi động.
Lo con thích nghi hoàn cảnh mới quá nhanh, lo con kết bạn với người không tốt, lo con bị cám dỗ, sốc vì con “lạ” quá, Tây quá, thoáng quá… là những mối lo thường trực đến mức làm stress các cha mẹ có con du học.
Cha mẹ hãy “du học” cùng con
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn kể một câu chuyện có thật từ tâm sự của một người mẹ ở Hà Nội: cậu con trai tên V. du học ở Singapore về VN, cả gia đình muốn đến sân bay đón thì V. nói sẽ tự về. Khi về đến nhà, bao người thân đang đợi, V. gật đầu chào một cái rồi dẫn cô bạn gái Singapore đi thẳng lên phòng riêng. Hơn một tiếng sau, hai bạn trẻ này mới xuống gặp mọi người lần nữa và tuyên bố sẽ đi ăn nhà hàng chứ không ăn bữa cơm mà người thân đã cất công chuẩn bị.
“Cha mẹ có con đi du học hãy thường xuyên giữ liên lạc với con qua điện thoại bằng email, chat và đặc biệt là hãy sang thăm con nếu có điều kiện. Khi chat với con, cha mẹ nên dùng webcam để cuộc chat gần gũi hơn. Hãy chia sẻ với con những âu lo của cha mẹ khi con đi học xa, những vấn đề về sức khỏe, sinh hoạt, những buồn vui, hãy kể những câu chuyện về gia đình và chia sẻ với con kế hoạch nghề nghiệp tương lai của con” – TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn.
Từ câu chuyện này và tâm sự của nhiều cha mẹ có con du học, TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: “Khi cho con đi du học, cha mẹ phải hiểu rằng con đang lĩnh hội các giá trị văn hóa khác nhau. Cha mẹ phải chấp nhận và thích nghi với những thay đổi đó. Vì con cái chúng ta là sản phẩm của một nền giáo dục tổng hợp. Cha mẹ hãy biết “du học” cùng con”.
Cụ thể hơn, cha mẹ phải chấp nhận những khác biệt về giờ giấc. Ví dụ như một tuần sau khi về nước, con sẽ chưa kịp thích nghi với sinh hoạt ở nhà vì lệch múi giờ. Cha mẹ đừng càu nhàu mà hãy thông cảm với con.
Cha mẹ cũng đừng quá thất vọng khi con đi du học bỗng dưng ăn nói thẳng thắn hơn. Sự thẳng thắn ấy đôi lúc có thể làm cha mẹ buồn nhưng sẽ rất có ích khi con ra đời, đi làm.
Một số khác biệt khác mà cha mẹ cần chấp nhận ở con như tư duy độc lập, cách sống, cách giao tiếp, cảm xúc, cách bày tỏ cái tôi… Cũng không nên bảo bọc con quá kỹ lưỡng mà hãy để cho con tự phát triển và cha mẹ đóng vai trò là người đồng hành.
Nhiều cha mẹ có con du học băn khoăn: thích nghi với con hay giúp con hòa nhập? Cái nào quan trọng hơn?
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn gợi ý: “Cả hai vấn đề đều quan trọng như nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa ta phải học cách thích ứng với mọi giá trị vì vẫn có những giá trị cần phải được điều chỉnh”.
Nếu cha mẹ gặp khó khăn khi chu cấp cho con thì có nên chia sẻ khó khăn này với con hay không?
“Nếu còn có thể xoay chuyển tình hình thì hãy cố gắng đừng để con biết, tránh ảnh hưởng đến tinh thần của con. Còn nếu không thể xoay sở được thì hãy viết thư nói rõ cho con biết nhưng đừng quên bày tỏ rõ rằng cha mẹ vẫn muốn con có thể tiếp tục đi học” – TS Huỳnh Văn Sơn gợi ý.
TRUNG UYÊN/TTO

Bình luận (0)