Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi cha mẹ mắc “bệnh” kể công

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ cần khéo léo trong việc chỉ dạy con cái
Con cái chẳng may làm điều phật ý, thay vì phân tích lỗi lầm, khuyên bảo nhẹ nhàng thì một số phụ huynh (PH) lại chửi mắng, kể lể công ơn nuôi dạy hoặc so sánh. Khi cất công kể lể thường PH ít màng đến tâm trạng của trẻ ra sao…
Áp lực, ức chế vì… mẹ
Đang cùng bạn bè vui chơi trong ngày hội “Tạm biệt hè, em đến trường” (Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức), em T.M. (HS Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1) bất ngờ bị mẹ cầm tay kéo khỏi đám đông và bắt ra về. M. chưa muốn về nhưng nhìn sắc mặt nóng giận của mẹ, em ngoan ngoãn về theo. Em phải đi như chạy vì bị mẹ nắm tay kéo đi. Vừa đi, vừa nghe mẹ mắng: “Về nhà chết với tao. Nhắc mày rồi mà vẫn vậy hả…”. Chẳng biết M. mắc lỗi gì mà PH giận đến độ ra tới khu vực gửi xe liền tát em một cái như trời giáng. M. khóc nức nở, theo đà vị PH càng giận hơn và la to: “Tao tốn tiền của, công sức, thời gian nuôi nấng mày, vậy mà mày lì, nói không nghe. Ăn cơm thì phải biết khôn chứ…”. Mặc cho M. khóc lóc trước nhiều ánh mắt ái ngại nhìn theo, vị PH vẫn cứ lải nhải kể công cán, dằn vặt con cho nguôi giận.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, chị Dương Bích Phương, PH em Phương Vy (HS lớp 3C Trường TH Nguyễn Thái Sơn, Q.3), cho biết: “Con cái có lỗi gì thì về nhà PH từ từ khuyên nhủ dạy bảo. PH hành xử kiểu đó trước mặt bạn bè, thầy cô dễ khiến con xấu hổ, tổn thương”. Theo chị, chửi mắng, đánh đập hay kể công nuôi nấng con cái như đã trở thành một căn bệnh “mãn tính” của một số PH, nhưng họ vẫn luôn xem hành động của mình là đúng. Cách giáo dục như vậy có thể phản tác dụng như mong muốn.
Trường hợp Nguyễn Thị D., 17 tuổi (ở Q.3) là một ví dụ. D. luôn tỏ ra bất đồng trước cách dạy con cái của mẹ. Bà không dùng roi vọt đánh em nhưng lại có bệnh hay kể lể, nói dai, nói dài; thậm chí là so sánh con mình với con bạn bè. Mỗi lần D. làm việc gì không thành hay kết quả học tập không như ý muốn là y rằng nghe “bài ca muôn thuở”: “Con sao hậu đậu, làm gì cũng chẳng nên nết; học hết thầy này đến cô kia mà chẳng giỏi nổi…”. Kết quả kỳ thi ĐH vừa rồi em thiếu nửa điểm không đậu vào ngành toán của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vậy là mỗi lần nghe hàng xóm nói “con người này người kia đậu cao” là bà thở dài, nói “18 năm trời chỉ có ăn với học thôi mà học hành chẳng đến nơi đến chốn. Ngày xưa ba mẹ mày vừa đi học, vừa đi làm đâu có sung sướng như mấy đứa bây giờ. Năm sau không thi đậu thì ở nhà mà đi làm công nhân…”. Nghe nhiều đến độ D. tránh ăn chung bữa với mẹ. D. cho biết: “Trong mắt mẹ, em như một gánh nặng vậy. Nhiều lúc em cảm thấy bị áp lực, ức chế lắm. Người ta nói mẹ và con gái thường gần gũi nhau nhưng em thấy trái ngược hoàn toàn. Ba dành nhiều tình cảm cho em hơn…”.
Chỉ dạy con khi bình tĩnh
Đôi khi do áp lực từ cuộc sống, chuyện cơm áo gạo tiền, hoặc quá kỳ vọng vào con… là nguyên nhân khiến một số PH không kiềm chế cảm xúc hay hành vi của bản thân mà chửi mắng, đánh đập con cái. Hành động này thể hiện sự ích kỷ, yếu kém của bản thân những người làm cha mẹ. Với HS tiểu học, trẻ có thể không để ý đến lời nói của cha mẹ; nhưng khi trẻ lên THCS sẽ nhận thức khá tốt về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong gia đình. Lúc này trẻ có thể so sánh ngược lại với hình ảnh bạn bè: Liệu cha mẹ đã thực sự làm gì cho mình, mua sắm cho mình như những người bạn khác?… Từ đó trẻ tủi thân, cảm thấy cô đơn lạc lõng, xem mình là gánh nặng của gia đình nên tìm đến bạn bè có cùng hoàn cảnh để chơi, thậm chí sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Chị Lê Thị Tâm (PH một HS Trường TH Triệu Thị Trinh, Q.10) chia sẻ: “Trẻ dễ bị áp lực, ức chế nếu ba mẹ so sánh, kể công. Từ đó cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Một số trẻ sẽ để bụng, xem đó là nỗi nhục. Thay vì nghe lời thì trẻ chống đối, suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hành động dại dột”.
Việc hiểu và chỉ bảo con cái không dễ dàng mà đòi hỏi sự khéo léo của cha mẹ. Khi cha mẹ làm mọi điều tốt đẹp thì chính bản thân trẻ sẽ hiểu được và biết ơn, nghe lời. Bà Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM) cho biết trong dạy bảo trẻ nhỏ cần nhất là sự kiên trì, sáng tạo trong cách xử sự và quản lý cảm xúc. Khi nóng thì không nên dạy con, chỉ dạy khi bình tĩnh. Cần thảo luận trước quy tắc xử phạt. Hướng đến những hình phạt trò chơi mà hàng ngày trẻ thích. Tránh so sánh, kể lể.
Bà Phạm Thị Thúy cho biết thêm, PH cần thường xuyên đề cập đến những vấn đề trong học tập, cuộc sống với con cái để hiểu các em cần gì, khó khăn ở đâu mà định hướng, tháo gỡ. Ngược lại, con cái hiểu giá trị lời khuyên bảo của cha mẹ mà thể hiện trách nhiệm của bản thân. Lúc này không nói lên những hành động yêu thương thì trẻ cũng hiểu được để tỏ lòng biết ơn.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“PH cần thường xuyên đề cập đến những vấn đề trong học tập, cuộc sống với con cái để hiểu các em cần gì, khó khăn ở đâu mà định hướng, tháo gỡ. Ngược lại, con cái hiểu giá trị lời khuyên bảo của cha mẹ mà thể hiện trách nhiệm của bản thân”, bà Phạm Thị Thúy cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)