Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khí chất thầy giáo già

Tạp Chí Giáo Dục

Cả một đời hết mình vì học trò, đến khi nghỉ hưu ông vẫn chưa dừng bước trên con đường cống hiến cho sự nghiệp GD dù sức yếu tuổi cao. Ông là nhà giáo Vũ Chấn, nguyên Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nhà giáo Vũ Chấn trong lễ mừng thọ 70 tuổi (ảnh nhân vật cung cấp) 

Trong lúc nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã an nhàn tuổi về già cùng gia đình con cháu thì nhà giáo Vũ Chấn vẫn lăn lộn với các hoạt động xã hội ở một vùng đất ngoại thành mà ông đã gắn bó cách đây 41 năm.

Thầy giáo ra chiến trường

Ngày 15-5-1975, sau đúng nửa tháng miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự điều động của tổ chức, thầy giáo Vũ Chấn về tiếp quản GD huyện Bình Chánh. Đây cũng là thời điểm nhiều đồng đội của ông ở Đoàn 228 vượt Trường Sơn tiếp quản GD có nhiều thuận lợi về cơ sở trường lớp và chỗ ăn chỗ ở các quận trung tâm thì ông lại nhận “đóng chốt” ở một huyện ngoại thành nghèo khó nhất nhì của TP. Thế nhưng với tinh thần của người lính 3 sẵn sàng “đâu cần thanh niên có” ông không hề có một chút do dự gì cả. Nếu 1 năm trước đó thầy giáo dạy văn hóa tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ náo nức lên đường đi B thì bây giờ ông lại thanh thản bắt tay vào công việc của một cán bộ quản lý của Phòng GD huyện Bình Chánh. Câu chuyện đi chiến trường của nhà giáo Vũ Chấn cũng rất lạ vì chẳng giống ai: “Năm 1960 đã 19 tuổi tôi mới đi học lớp sư phạm cấp tốc tại Xuân Lũy, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Khi có tên trong danh sách đi B tôi đang là cán bộ của Phòng GD huyện Đoan Hùng”. Theo lời kể của ông, mặc dù có tên đầu bảng nhưng nhiều người nghĩ ông không thể đủ tiêu chuẩn về sức khỏe vì quá thấp bé nhẹ cân. Thế nhưng, chiến trường đang cần tất cả nên ông ra đi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Tin thắng trận ở chiến trường ngày một dồn dập nên thầy giáo Chấn càng náo nức lên đường với suy nghĩ cứ cống hiến được gì thì hay cái nấy. Điều trăn trở nhất của ông lúc ra đi là nỗi nhớ thương vô tận đứa con trai vừa tròn 10 tuổi với người vợ trẻ ở quê mất đi trụ cột chính. Thế rồi sự động viên của gia đình và lời dặn dò của người vợ mà ông đã yên tâm hơn nhiều.

Tình yêu nghề còn mãi

Nhờ đất nước thống nhất mau chóng mà thời gian chờ đợi người Nam kẻ Bắc rút ngắn lại. Biết là khó trở về quê trong lúc GD Bình Chánh trong những năm hòa bình đầu tiên còn ngổn ngang nên ông đã làm một cuộc đoàn tụ ngược là đưa vợ con vào “đóng chốt” ở vùng Chợ Đệm luôn. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình ông vì nơi miền đất mới họ chỉ có hai bàn tay trắng đúng nghĩa. Tất cả không có chút gì riêng tư đến cả nơi ăn chốn ở đều nhờ tập thể và Nhà nước. Mỗi sáng bước chân ra khỏi nhà là trách nhiệm của một cán bộ chủ chốt dáng nhỏ thó đối với từng bước ổn định trường lớp và đội ngũ của một huyện ngoại thành gánh nặng lên vai. Bù lại những khó khăn đó chính là tình người tràn ngập yêu thương ở vùng ven đô. Trong khó khăn GV thương yêu nhau, biết nhận lấy thiệt thòi và vất vả về phía mình. Người dân vùng căn cứ Bình Chánh trước đây một lòng thủy chung với cách mạng thì nay lại mở rộng vòng tay cưu mang các ngôi trường tranh tre nứa lá để mở mang trí tuệ cho con em dân nghèo.

Trong buổi họp mặt kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2016, nhiều đại biểu cấp ủy, cấp huyện đến bắt tay như một lời cảm ơn ông Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Bình Chánh. Điều đó cũng không có gì lạ bởi vì sau 30 năm cống hiến cho sự ổn định và đi lên của ngành GD, sau khi về hưu nhà giáo lão thành họ Vũ không chịu “một mạch về vườn” mà còn ở lại cống hiến tiếp cho huyện nhà. Đó cũng là năm Hội Cựu giáo chức Bình Chánh thành lập và ông là người được “chọn mặt gửi vàng” làm hội trưởng dẫu việc gia đình vẫn còn ngổn ngang. Nhiều người nói hình như càng gắn bó với ngành ông càng “say” với GD và càng “say” ông càng làm được nhiều việc cho huyện nhà. Ngoài việc vận động các thầy cô giáo về hưu vào hội để cống hiến trọn vẹn ông còn đứng ra tổ chức các chương trình có lợi cho GD như thành lập quỹ khuyến học khuyến tài, xây trường mở lớp làm đường giao thông, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch. Noi gương tinh thần phải cống hiến dù chịu thiệt thòi và cả hy sinh của thầy giáo Chấn, nhiều nhà giáo lão thành huyện Bình Chánh vẫn bám trụ với phong trào GD trên địa phương. Cũng trong ngày hôm đó ông còn phát biểu: “Dù tóc bạc nhưng lòng vẫn son, dẫu mắt mờ nhưng tình yêu nghề còn mãi” như để khẳng định một điều mà các thầy cô vẫn nhắc: “Tuổi càng cao chí khí càng cao” cống hiến cho GD đến khi nào còn cống hiến được. Những tấm huân huy chương của ngành GD Bình Chánh đến nay vẫn thấp thoáng công sức của thầy cô giáo chức trong đó có Chủ tịch hội Vũ Chấn.

Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)