Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Khi chiến trường vẫy gọi: Bài cuối: Đôi chân của thầy giáo già

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Chi
Chỉ trong 16 năm hoạt động (1959-1975) ở vùng Trung Nam bộ, Ban Tuyên huấn Khu 8 đã viết nên những trang sử hào hùng mà đỉnh cao là góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Trong chiến công của anh giải phóng quân và người nữ du kích anh hùng còn có cả mồ hôi và máu xương của những thầy giáo không hề tiếc tuổi thanh xuân của mình quyết ngày đêm bám dân bám trường, trong đó có nhà giáo lão thành Nguyễn Ngọc Chi.
Khi đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn Khu 8 tập kết ở trụ sở Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (số 14 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) để chuẩn bị lên xe về Long An họp mặt truyền thống lần thứ X, tôi lại gặp được nhiều khuôn mặt thân quen từ những năm về trước.
Ra đi từ trường sư phạm
Lần này tôi vẫn còn may mắn khi được gặp ông Nguyễn Ngọc Chi – một nhà giáo lão thành đã từng xông pha nhiều nơi ở vùng Trung Nam bộ thời đánh Mỹ. So với cái tuổi 74 thì ông còn trẻ hơn nhiều. Mái tóc trắng như cước vẫn chưa đánh bật được sức thanh xuân luôn toát ra từ vóc dáng rắn rỏi của chàng trai đất mỏ ngày nào. Tuổi già chỉ hiển hiện rõ nhất trên đôi chân khập khiễng vì mỗi bước đi của ông không còn nhanh nhẹn và dễ dàng như trước. Thế mà cứ 2 năm một lần dù ở Tiền Giang, Bến Tre hay tận Đồng Tháp ông đều có mặt đủ cả. Đến khi nghe bác Tư Đỗ Tấn Huỳnh – Trưởng đoàn của TP.HCM kể lại tôi mới biết bước đi yếu ớt của ông không phải do tuổi tác làm nên mà do hậu quả của cuộc chiến để lại.
…Vốn sinh ra trong một gia đình trí thức nên ngay từ nhỏ cậu bé Chi đã được cha mẹ chăm chút trên con đường học hành. Thế nhưng việc học tập không hề thuận lợi như cậu mong đợi, nhất là khi càng lên học cao thì trường lại càng xa nhà. Những con chữ trên từng trang vở đã phải đánh đổi bằng bao sự nhọc nhằn và vất vả của người học trò nghèo vùng mỏ than Quảng Ninh lam lũ. Thuộc thế hệ học sinh đầu tiên của Việt Nam tại Lưu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), sau khi về nước, ông được chọn phân công về dạy Khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dù ở hậu phương nhưng đội ngũ nhà giáo miền Bắc như ông đều trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Thầy cô trường sư phạm lấy bục giảng dưới hầm sâu làm trận địa để tạo nên bệ phóng vững vàng cho trí tuệ. Cùng lúc đó trên chiến trường miền Nam tin thắng trận nở rộ khắp nơi làm cho kẻ thù trở tay không kịp. Chiến công Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và cả chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã tạo nên một chấn động lớn và làm thay đổi hoàn toàn cục diện trên bàn tròn Hội nghị bốn bên giữa thủ đô của nước Cộng hòa Pháp. Hiệp định Paris đầu năm 1973 đã trở thành mốc son lịch sử trong chiều dài chiến công của nhân dân Việt Nam anh hùng. Thế nhưng càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam càng sớm càng tốt, lại một lần nữa nhân dân ta dồn hết sức người sức của cho đồng bào ruột thịt. Trong đoàn quân ra chiến dịch năm ấy có bước chân đầy nhiệt huyết của nhà giáo Nguyễn Ngọc Chi.
Những ánh lửa văn hóa
Ông Chi nhớ lại: “Dạy ở Trường Đại học Sư phạm chúng tôi có rất nhiều cơ hội ra nước ngoài để tu nghiệp nhưng khi biết chiến trường miền Nam cần thêm sự chi viện thì mọi người sẵn sàng xếp lại bút nghiên để xung phong lên đường tiếp bước thầy cô và đồng nghiệp đi trước”. Nói là thanh niên nhưng lúc này ông đã ở tuổi 34 và bắt đầu nặng gánh với một gia đình nhỏ. Đồng hành với đoàn giải phóng quân băng rừng Trường Sơn, đội ngũ nhà giáo miền Bắc nối dài thêm con đường ra trận. Bên cạnh những khẩu súng trên vai người chiến sĩ là những chiếc ba lô đựng đầy giáo án, sách giáo khoa của Tiểu ban Giáo dục. “Ai cũng muốn mang theo nhiều sách vở vì biết ở các vùng giải phóng rất cần tài liệu dạy học, thế nhưng đường xa vất vả nên không thể mang đi hết. Chúng tôi phải chọn đi chọn lại những cuốn sách nào thật cần thiết mới được ưu tiên mang đi” – ông hào hứng kể.
Để đến điểm tập kết đầu tiên ở vùng bìa rừng hẻo lánh thuộc tỉnh Bình Phước, đoàn cán bộ giáo dục của ông phải đánh đổi 6 tháng mưa dầm nắng khét khát nước đói cơm suốt chặng đường dài hơn cả ngàn cây số. Nhưng thời gian nghỉ ngơi không được phép kéo dài, sau khi ổn định chỗ ở tạm bợ trong vùng căn cứ các thầy giáo tỏa ra khắp vùng giải phóng để mở lớp sư phạm và xây dựng trường. Khi vào đến đây họ mới thấy được cơn “khát” chữ cháy bỏng của con em cán bộ cách mạng và nhân dân vùng chiến khu. Những đốm lửa văn hóa bắt đầu được nhen nhóm dần trong vùng mới giải phóng ở Tiền Giang, Bến Tre. Đường đến lớp học chỉ là những bờ ruộng mấp mô chi chít hố bom thù. Có khi thiếu giáo viên ông cùng du kích bơi qua bên kia sông Tiền, sông Vàm Cỏ dạy chữ cho nhân dân và cán bộ dưới ánh trăng đêm. Trong thế cài răng lược, kẻ thù vẫn tìm cách “cắn càn” hung hãn làm cho chiến sự không bao giờ im hẳn tiếng súng. Lại bắt đầu một chặng đường hành quân mới cho đoàn quân giáo dục khi các thầy giáo trẻ sang đất bạn Campuchia dạy chữ. Chính trên mảnh đất Prây Ven xa lạ này mà ông bị bọn Pôn-pốt đánh gãy chân. Ông vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra trong ngày hôm đó: “Biết bọn tôi có súng nên quân phiến loạn tìm cách đánh úp để cướp vũ khí. Khi tôi chống cự thì bị một thằng dùng dao quắm chém trúng vào đầu gối chân trái để cướp đi khẩu súng K54”. Khi vết thương lành hẳn ông mới được điều động trở về Ban Tuyên huấn khu Trung Nam bộ công tác cho đến ngày 30-4-1975. Hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn cùng với bộ đội sau ngày giải phóng, một năm sau ông trở về Hải Phòng tiếp tục sự nghiệp trồng người. Từ đó trở đi đôi chân khập khiễng đã lên xuống một cách khó nhọc không biết bao nhiêu lần trên bục giảng để cho nhiều thế hệ học sinh có thêm bài học mới – những bài học không chỉ ướt đẫm mồ hôi, nước mắt mà còn nhuộm thắm máu đào của người thầy thương binh đất mỏ anh hùng.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Chỉ hơn 2 năm lăn lộn ở chiến trường nhưng chừng ấy thời gian cũng đã đủ cho thầy giáo Nguyễn Ngọc Chi trưởng thành hơn trong khói lửa. Vết thương ở đầu gối chân trái vẫn luôn đau nhức lúc trái gió trở trời nhưng ông coi đó là sự cống hiến mà mình phải chấp nhận. Chính vì thế bất chấp tuổi già ông vẫn vui vẻ yêu đời giữa đàn con cháu phương trưởng. Khập khiễng đôi chân về lại chiến trường xưa, mỗi khi bắt gặp những ngôi trường ngói mới đỏ tươi thay cho những lớp học tạm bợ, người thầy giáo già bỗng nhiên thấy cuộc đời mình trẻ lại, mọi đau đớn trong cơ thể như bị tan biến hết và hạnh phúc không rõ từ đâu cứ tràn ngập mãi trong lòng. 
 

Bình luận (0)