“Con đường vào ĐH bây giờ có rất nhiều cánh cửa. Tuy nhiên, đừng vì thế mà nhắm mắt… chọn bừa. Các em hãy xác định đâu là ngành nghề phù hợp nhất với bản thân để chọn lựa”.
Chuyên gia đang giải đáp các thắc mắc về ngành nghề cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du
Lời nhắn nhủ này được ThS. Nguyễn Thảo Chi (Phó Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ đến học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Hài hòa giữa đam mê và thu nhập
Đây là lời khuyên được chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo đưa ra trong chương trình. Theo bà Thảo, người học cần phải hiểu nghề nghiệp là thứ mỗi người sẽ gắn bó suốt cuộc đời. Do vậy, phải lựa chọn làm sao để có sự cân bằng, hài hòa ở cả hai yếu tố đam mê và thu nhập để không phải dang dở giữa chừng. “Để tìm ra được ngành nghề phù hợp cần xuất phát từ chính đam mê của bản thân. Có thể sẽ khó để hình dung nhưng đơn giản đó là xác định xem bản thân thích lĩnh vực nào. Trong lĩnh vực đó, bóc tách xem mình thích nhất ngành nghề nào. Trong mỗi ngành nghề lại có những công việc cụ thể khác nhau. Từ chính những công việc đó, xem bản thân có thể tiếp cận với lĩnh vực công việc nào”, bà Thảo hướng dẫn.
Trong vấn đề chọn bậc học và môi trường đào tạo, bà Thảo chỉ ra rằng, người học nên căn cứ vào năng lực bản thân dựa trên các tổ hợp môn tương ứng. Theo những mức độ khác nhau để lựa chọn bậc học và môi trường đào tạo trong cùng một ngành nghề. “Các em đừng quá quan trọng chuyện bậc học cao, bậc học thấp. Bởi bậc học nào cũng có sự phù hợp với bản thân, năng lực của từng người”, bà Thảo nói.
Những yếu tố cần thiết khác để người học xác định ngành nghề phù hợp, đó là yếu tố sức khỏe, tố chất bản thân, ngoại hình, năng lực tài chính gia đình và nhu cầu nhân lực của xã hội.
Phải biết trước những mặt trái của nghề
Lưu ý này được ThS. Trần Hải Nam (Phó phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đưa ra cho các em học sinh. Ông Nam nhấn mạnh: Với bất cứ ngành nghề nào cũng đều có 2 mặt là hào quang và mặt trái của nó. Vì thế, khi lựa chọn ngành nghề, người học nên tìm hiểu thật kỹ, rạch ròi ở cả hai mặt này. “Hiện tại, khi lựa chọn ngành nghề, nhiều người chỉ mới quan tâm đến ánh hào quang mà ngành nghề đó mang lại như sự nổi tiếng, tiền bạc, sự nể trọng… mà ít nhìn vào những mặt trái của nghề. Nếu chỉ nhìn ở ánh hào quang sẽ dễ làm các em thất vọng, sốc khi bước vào nghề. Thậm chí là không thể xử lý được nếu gặp rắc rối trong nghề. Do đó, các em hãy quan tâm cả những mặt trái, đặt ra nhiều câu hỏi về những bất trắc của nghề để có sự trang bị thật tốt về tâm lý, kỹ năng làm hành trang bước vào nghề”, ông Nam khuyên.
4 bước để định vị ngành nghề phù hợp Tại chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tư?ng lai? l?n th??12 t? ch?c ? Tr??ng THPT T?n B?nh (Q.T?n Ph?) m?i ??yơng lai” lần thứ 12 tổ chức ở Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) mới đây, ông Nguyễn Công Kỳ (đại diện Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) cho biết việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, tuy nhiên ở độ tuổi học sinh, phần lớn vẫn chưa có thái độ nghiêm túc khi chọn ngành nghề, hoặc chưa hiểu rõ bản thân nên không ít trường hợp đã chọn sai. Để chọn được ngành nghề đúng với năng lực, đam mê và gắn bó với nghề suốt cuộc đời, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, người học cần định vị được chính mình thông qua 4 bước cơ bản, gồm: Định vị bản thân, hiểu rõ bản thân là ai; hiểu nghề như thế nào, bao nhiêu nghề; hiểu rõ thời cuộc; cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp nhất. “Định vị bản thân là cần hiểu rõ chính mình, năng lực của mình, sở trường, đam mê, kiến thức đang học – trong kiến thức có những kỹ năng, thái độ. Đặc biệt, người học cần tìm được sở trường và đam mê của mình, chính đam mê sẽ thôi thúc bản thân luôn cố gắng trau dồi, phát triển. Yếu tố thứ 2 là hiểu nghề như thế nào, các em cần phải biết rằng nghề là công việc sẽ gắn bó với mình suốt cuộc đời, tạo ra thu nhập ổn định cho cuộc sống và cống hiến nhiều giá trị cho xã hội. Để hiểu rõ về các ngành nghề trong xã hội, các em nên tìm hiểu qua nhiều tài liệu để biết được tổng quát hiện nay trong xã hội có bao nhiêu ngành nghề, các trường đang đào tạo những ngành nghề đó. Thứ 3 là hiểu về thời cuộc. Hiện nay đang bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ sinh học, vật lý học và kỹ thuật số, theo đó sẽ tích hợp nhiều ngành nghề, nhiều ngành nghề mất đi và nhiều ngành nghề mới được hình thành. Sau 3 bước trên, các em cần chắt lọc lại và xác định rõ sở trường, đam mê, cũng như xã hội đang cần ngành nghề gì để cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp nhất, ông Kỳ chia sẻ. H.Thương
Học sinh Trường THPT Tân Bình đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Cạnh đó, ông Nam cũng nhắn nhủ, để thuận lợi trong công việc sau này, ngay từ bây giờ người học nên chú ý trang bị kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ. “Ngoại ngữ được coi là chìa khóa để mở ra những cánh cửa cơ hội nghề nghiệp. Đừng ngần ngại, hãy bắt tay vào học ngọai ngữ càng sớm càng tốt”, ông Nam khẳng định.
Ngành quan hệ quốc tế dành cho người như thế nào?
Giải đáp băn khoăn của nhiều học sinh về ngành quan hệ quốc tế, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) thông tin, đây là một ngành của chính trị học, nghiên cứu về ngoại giao và những vấn đề toàn cầu giữa các nước thông qua hệ thống quốc tế, bao gồm các quốc gia, tổ chức đa chính phủ, tổ chức phi chính phủ và công ty đa quốc gia. Bên cạnh chính trị học, ngành quan hệ quốc tế còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, phong tục, tập quán, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống để có thể thúc đẩy, tiếp cận trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. “Ngành này thích hợp cho những ai có khả năng hướng ngoại, thích ngoại giao, thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt là những người có đam mê về ngoại ngữ, khả năng hiểu biết rộng liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị”, ông Dũng cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)