Xưa nay, việc gia đình, nội trợ vốn được xem là của người vợ, việc kiếm tiền chủ yếu là của người chồng. Trong xã hội hiện đại, khi vai trò này bị hoán đổi, không ít tổ ấm bị lung lay.
Khi có những khúc mắc giữa hai vợ chồng thì giải pháp cần thiết nhất là phải giải quyết ngay lập tức từng khúc mắc (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T
Nguyên nhân chính gây rạn vỡ
Vốn là nhân viên của một công ty nổi tiếng, anh Minh Khải rơi vào bế tắc khi công ty phá sản, anh thất nghiệp. Những ngày đầu ở nhà thay vợ cơm nước, đưa đón các con đi học, anh mới hiểu nỗi khổ của vợ. Tính anh vốn ít nói nên giai đoạn này anh càng trầm tính hơn. Buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, vợ anh lấy lý do đi làm cả ngày mệt, cằn nhằn, khó chịu. “Biết thân biết phận” rằng mình đang thất nghiệp nên anh lặng lẽ, kiềm chế cơn nóng giận của mình để giữ hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, tình hình ngày một căng thẳng hơn khi anh bị vợ khinh thường ra mặt. Những ý kiến của anh luôn bị chị bĩu môi, gắt gỏng.
Không ít “quý ông” khi rơi vào hoàn cảnh như anh Khải đều có chung tâm trạng chán nản, cảm thấy mất tự tin với vợ, thấy mình vô dụng. Điều đó cũng khiến gia đình họ lâm vào tình trạng bế tắc trong một thời gian dài. Anh Nguyễn Hoàng từ bỏ công việc ở một công ty kiểm toán vì nhiều áp lực. Anh cứ ngỡ với chuyên môn, kinh nghiệm của mình thì không khó để tìm công việc mới. Bốn tháng anh ròng rã đi nộp hồ sơ xin việc ở khắp nơi nhưng chưa nhận được một phản hồi nào từ nhà tuyển dụng. Có chút thất vọng về bản thân, anh lại gặp nhiều áp lực vì vợ mình quá xinh đẹp, giỏi giang. Một hôm, vợ anh đề nghị thẳng thừng: “Giờ anh thất nghiệp, không kiếm ra tiền nên chịu khó làm việc nhà chứ em đi làm cả ngày, công việc túi bụi”. Biết những áp lực mà vợ đang phải chịu đựng nên anh Hoàng không có phản ứng gì. Thế nhưng, trước thái độ ngày một khinh thường chồng của vợ, anh Hoàng khó có thể kìm được cơn nóng giận của mình. Đỉnh điểm của những xung đột gia đình xảy ra khi vợ anh có thái độ khinh thường cả gia đình nhà chồng. Em gái anh Hoàng ở quê vào TP.HCM chơi mấy hôm, chị dâu không thèm quan tâm, hỏi han.
Xã hội hiện đại, việc gia đình, nội trợ không còn là những việc của riêng phụ nữ. Không ít người chồng sẵn sàng vào bếp, rửa chén, phụ vợ bất kỳ công việc nào trong gia đình. Tuy nhiên, khi chồng bị lép vế vợ về kinh tế, các mối quan hệ xã hội thì mâu thuẫn rất dễ xảy ra nếu họ không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia.
Hiểu để yêu thương
Xã hội hiện đại, việc gia đình, nội trợ không còn là những việc của riêng phụ nữ. Không ít người chồng sẵn sàng vào bếp, rửa chén, phụ vợ bất kỳ công việc nào trong gia đình. Tuy nhiên, khi chồng bị lép vế vợ về kinh tế, các mối quan hệ xã hội thì mâu thuẫn rất dễ xảy ra nếu họ không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. |
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hoài, “trước giờ, quan niệm của nhiều người vẫn cho rằng đàn ông là trụ cột của gia đình, và thường mặc định người chồng phải có trách nhiệm lo toan về kinh tế. Chính điều này đã vô tình tạo một sức ép lớn cho họ. Khi rơi vào tâm lý “thua” vợ, họ sẽ mặc cảm, dễ tự ái là điều không thể tránh khỏi. Nếu gặp người vợ thiếu tế nhị, ít tinh tế trong cách ứng xử thì đổ vỡ là điều rất dễ xảy ra”.
Anh Tấn Bình vẫn thầm cảm ơn người vợ của mình vì trong những ngày anh khó khăn nhất, chị luôn bên cạnh anh. Sau một tai nạn lao động, anh phải từ bỏ công việc mình yêu thích. Biết vợ cực khổ trăm đường nên anh tìm cách bù đắp cho vợ bằng cách chia sẻ việc nhà, dạy các con học. Vợ chồng luôn lắng nghe, chia sẻ cùng nhau. Anh tạo cho chị một chỗ dựa tinh thần vững chắc nên chưa khi nào chị có suy nghĩ coi thường anh. Hạnh phúc gia đình vì thế mà đi qua được giông bão. Tuy nhiên, không ít nam giới đã không lo cho kinh tế gia đình lại thêm tính lười biếng, gia trưởng. Khi mâu thuẫn không được giải quyết, không khí gia đình nặng nề, ngột ngạt sẽ khiến người phụ nữ bất mãn, tình yêu, lòng tôn trọng chồng cũng mất dần theo năm tháng.
“Khi có những khúc mắc giữa hai vợ chồng thì giải pháp cần thiết nhất là phải giải quyết ngay lập tức từng khúc mắc để cải thiện mối quan hệ, chia sẻ cảm xúc, hoạch định kế hoạch cho tương lai. Nếu cả hai tìm được sự cảm thông, thấu hiểu thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, nếu sợi dây liên kết giữa hai vợ chồng mất đi, mâu thuẫn không được giải quyết ngay từ đầu, người phụ nữ sẽ có tâm lý khinh thường chồng, so sánh chồng mình với những người đàn ông khác. Khi đó, không khí gia đình càng trở nên ngột ngạt, hạnh phúc càng mong manh”, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hoài nhấn mạnh.
Yên Hà
Bình luận (0)