Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi cô phát… bùa cho trò

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua về quê, tôi lại có dịp trực tiếp trò chuyện với những đứa cháu của mình về chuyện học hành, thi cử. 

Lộc thánh cô giáo phát cho học trò - Ảnh: T.V.Hùng
Lộc thánh cô giáo phát cho học trò – Ảnh: T.V.Hùng

Ngày thường cậu cháu cũng hay trò chuyện với nhau về việc học hành qua điện thoại. Nhưng lần này có hai kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Hai câu chuyện đều liên quan đến việc thi học sinh giỏi của hai người cháu.

Kỷ niệm thứ nhất là chở cháu đi thi. Lâu lâu về thăm quê hương, gia đình, lại vào dịp các cháu vinh dự đi thi học sinh giỏi, thế là tôi “giành phần” chở các cháu đi. Cháu học lớp 9 thi cấp tỉnh và cháu học lớp 6 thi cấp huyện (thi hai ngày khác nhau).

Dọc đường đi, cậu cháu lại trò chuyện trao đổi với nhau về vấn đề thi cử, cách làm bài thế nào cho hiệu quả. Tôi nói với các cháu: “Con cứ cố gắng hết mình trong bài thi. Đừng nặng nề về chuyện thi cử, đừng nghĩ tới phải đoạt giải này giải kia, đừng để áp lực thi cử ảnh hưởng đến tâm lý. Kết quả tốt nhất, đáng tự hào nhất là con làm hết khả năng của mình”. Chở cháu đi thi cũng là niềm vui lớn của người cậu xa xứ, nhắn nhủ đôi lời trước lúc thi để tâm lý cháu thoải mái và tự tin hơn.

Kỷ niệm đáng nhớ hơn là đêm trước khi đứa cháu lớp 6 đi thi, cháu khoe lúc chiều cô đưa cho những học sinh dự thi “bùa thi”.

Gia đình tôi đang quây quần bên nhau, đứa cháu đang ôn lại bài để ngày mai thi, thấy thế tôi nói: “Mai thi rồi, con nghỉ cho tinh thần thoải mái, không phải ôn lại nữa đâu. Lâu nay con cũng đã ôn tập nhiều rồi, học nhiều đôi khi ảnh hưởng không tốt việc thi cử của ngày mai”. Tôi vừa nói xong, cháu đưa một tờ giấy có màu đỏ và vàng ra khoe: “Con được cô cho bùa may mắn để ngày mai đi thi”.

Thế là câu chuyện về “bùa thi” lại rộ lên. “Vậy con không phải học nữa đâu, có bùa thi rồi cần gì phải học nữa”, “Có bùa hộ mệnh rồi, mai làm bài sẽ trúng tủ”, “Có bùa rồi, chắc chắn cháu sẽ đậu học sinh giỏi"… đại loại là như vậy. Cả nhà lại đùa vui với cháu như thế. Chị gái tôi nói: “Cách đây mấy năm, khi S. thi chuyển cấp, một người hàng xóm nói chị đi xin bùa may mắn cho S. thi tốt. Nghe vậy, S. nói với chị: “Mẹ không phải đi xin đâu. Xin bùa mà đậu thì ai cũng đậu hết và cần gì phải học cho mệt”. Chị nghe con mình nói rất chí lý. Thằng nhỏ nhà chị cũng biết phân biệt đúng sai như thế đấy”.

Chúng tôi đang trò chuyện thì đứa cháu vừa mới thi hôm trước tiếp lời: “Hôm trước cháu và các bạn cũng được cô giáo đưa bùa nhưng bùa của cháu khác bùa của V.”. Tôi nói cháu đưa ra cho tôi xem. Cháu tìm trong cặp để đưa chúng tôi xem nhưng không thấy.

Tôi cũng vừa hài hước vừa tâm sự với gia đình: “Thời đại này mà giáo viên cũng mê tín như vậy. Khó chấp nhận được”. Việc giáo viên mong muốn học sinh mình thi đậu là điều rất chính đáng, nhưng việc đi chùa, gặp thầy cúng này thầy cúng nọ xin bùa may mắn cho học sinh lại là việc phản giáo dục, gieo cho các em sự mê tín trong học tập, thi cử, từ đó mê tín trong cuộc sống. Đó là một điều rất nguy hiểm cho thế hệ mai sau.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thừa nhận có yếu tố may mắn, nhưng nếu không bằng chính sự nỗ lực hết mình của bản thân thì có sự may mắn đến với mình không? May mắn chỉ là một yếu tố rất nhỏ –  1% thôi, còn 99% là năng lực thực thụ của bản thân. Thành quả tốt nhất, đáng tự hào nhất là do năng lực của bản thân mình. Sự nỗ lực hết mình của bản thân trong học tập, thi cử là kết quả đáng tự hào nhất.

Thời đại của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, thời đại của tri thức và văn minh, thầy cô đừng nên gieo cho học trò những sự mê tín. Hãy dạy các em giá trị thật, giá trị đẹp khi còn ngồi trên ghế nhà trường để sau này các em sẽ mang theo những giá trị ấy làm hành trang bước vào cuộc sống. 

THÁI VIỆT HÙNG

(TTO)

 

Bình luận (0)