Đã hai năm nay, cứ mỗi dịp hè về là nhóm bạn của con gái tôi lại đề xuất thực hiện một số kế hoạch cụ thể cho chiến dịch bảo vệ môi trường. Tất nhiên, để có được thói quen đó, ngay từ khi còn ở tuổi mẫu giáo, gia đình tôi đã hình thành ý thức và hành vi tự giác cho con bằng những việc làm thiết thực!
Các em học sinh phân loại rác thải, chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: IT
Những việc làm thiết thực của con tác động đến phụ huynh
Năm nay, cháu vạch ra mục tiêu là vận động các gia đình trong khu phố phân loại rác trước khi đem đi xử lý. Ý tưởng là thế, nhưng khi bắt tay vào hành động không phải là dễ. Có không ít gia đình trong khu phố không muốn hưởng ứng vì thấy phức tạp và tốn thời gian. Song, nhóm bạn của con bé đã không nản chí. Con gái tôi đã thuyết phục cho các bạn và những gia đình hàng xóm nghe những gì mà cháu đã được trực tiếp thực hiện trong thời gian qua về ích lợi của việc phân loại rác thải và bảo vệ sự trong lành của môi trường xung quanh. Đồng thời con bé bàn bạc với nhóm bạn cam đoan sẽ thu gom sạch sẽ số rác có thể tái chế được như giấy, đồ nhựa, túi nilon… để bán ve chai lấy tiền làm quỹ của nhóm. Trong quá trình trao đổi, các bạn trong nhóm của cháu rất ngạc nhiên khi biết được rằng đã mấy năm nay, con gái tôi cùng với gia đình nghiêm chỉnh thực hiện “một giờ không điện” vào các ngày thứ bảy và chủ nhật trong tuần để vừa tiết kiệm tiền điện cho cả nhà, vừa góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Các cháu cứ nghĩ việc thực hiện đó chỉ làm theo phong trào, hết phát động thì thôi. Thế là, bé đã đưa ra những kiến thức khoa học mà cháu tìm hiểu được để giải thích một cách cơ bản cho bạn hiểu được việc sử dụng điện sẽ gây nên hiện tượng nóng lên của trái đất. Trước khi vào giờ học buổi tối, cả nhà nên đi bộ một vòng (trong khoảng một giờ) để tránh phải sử dụng điện vào giờ cao điểm. Thay vào đó, buổi sáng con gái tôi sẽ phải cố gắng dậy sớm hơn một giờ để học. Thời gian đầu thì hơi vất vả, nhưng sau đó con gái tôi nhận ra rằng học bài vào sáng sớm thì hiệu quả tốt hơn và đỡ tốn thời gian cũng như công sức đầu tư cho việc học vì thời điểm đó đầu óc rất minh mẫn, tỉnh táo. Con gái tôi còn đưa ra lý lẽ để thuyết phục mọi người rằng: “Suy cho cùng việc thực hiện tiết kiệm điện là nhằm mục đích góp phần cho trái đất đỡ nóng lên nên phải biết tự giác tắt hết đèn khi không cần thiết, tắt các thiết bị khi không sử dụng”. Cháu còn biết nhắc nhở các bạn chú ý tắt hết đèn trong phòng khi ánh sáng bên ngoài đã đảm bảo. Con tôi còn biết bảo vệ môi trường bằng việc tiết kiệm giấy không được đem ra chơi và xé bậy lung tung. Tôi đã cùng con tham khảo các thông tin để biết những kiến thức về giấy được sản xuất từ cây xanh. Vì thế, bé đã nhận thức rất rõ rằng nếu biết sử dụng hợp lý số giấy của mình chính là đã góp phần vào việc hạn chế việc khai thác rừng. Tôi còn chia sẻ cho con biết cách chăm sóc những chậu hoa và trồng mấy loại rau trong mảnh vườn nhỏ… Đây là cách làm hiệu quả nhất đưa con hòa mình vào thiên nhiên và đem lại trong lành cho môi trường sống. Cháu cũng đã ý thức được việc tiết kiệm nước như: không vặn vòi quá to khi sử dụng nước, phải khóa vòi nước ngay sau khi dùng, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Cháu còn làm mẹ ngạc nhiên khi giải thích: “Chúng ta không được chôn rác thải dưới đất. Vì như thế sẽ làm rác bẩn ngấm vào nguồn nước ngầm mỗi khi trời mưa xuống gây ra ô nhiễm”. Con gái tôi còn biết để dành nước sinh hoạt vào trong một cái xô riêng để tưới những chậu hoa mà cả nhà cùng sưu tầm và trồng được. Bé mới hơn 12 tuổi mà khả năng thuyết phục lôi kéo các bạn thừa nhận và làm cùng rất tốt. Cháu đã rủ các bạn thành lập từng nhóm làm phân công đảm nhiệm tưới và chăm sóc những cây bóng mát ở khu phố. Các cháu còn biết thi đua chăm sóc xem cây của ai tươi tốt hơn và trồng thêm thảm cỏ dưới gốc cây để giữ ẩm cho gốc cây. Việc làm đó của con gái tôi và các bạn đã được mọi người khen ngợi và khuyến khích cùng nhau thực hiện giữ gìn và xây dựng khu phố xanh, sạch, đẹp. Con gái tôi đã thu hút các bạn quan tâm đến việc cũng trong khoảng thời gian đó, cháu luôn “nói không” với việc sử dụng túi nilon và hộp nhựa. Mỗi lần đi mua đồ ăn sáng, cháu luôn gương mẫu thực hiện bằng cách đem chiếc cặp lồng bằng inox. Cháu bảo làm như thế vừa tiết kiệm vừa góp phần bảo vệ môi trường. Một số bạn trong nhóm rất thích thú và hứa sẽ noi gương làm theo hành động như nhóm bạn của con tôi. Khi con gái tôi còn nhỏ, những lúc đi đến nơi công cộng, tôi luôn dạy cháu chú ý đến việc nhặt rác và bỏ vào các thùng theo quy định. Giờ đây, những hành động nhỏ đầy ý nghĩa đó đã trở thành thói quen mỗi lần cháu ra đường. Nhờ có con mà gia đình tôi luôn gương mẫu trong việc thực hiện giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh.
Cha mẹ hãy khích lệ trẻ đề xuất những cách làm hay để bảo vệ môi trường, bắt đầu từ xung quanh nhà mình, ở trường học, đường phố hay bất cứ đâu. Sau đó, cả gia đình lên kế hoạch cùng trẻ thực hiện để trẻ thấy được trách nhiệm của mình và sự quan tâm của tất cả mọi người đến việc giữ gìn sự trong lành, sạch sẽ của môi trường sống và biến nó thành một việc làm tự giác thường xuyên trong quá trình hoạt động của trẻ. |
Không khó để giáo dục trẻ biết bảo vệ môi trường
Trẻ sẽ làm tốt việc giữ gìn và bảo vệ môi sinh nếu trẻ có sự gắn bó gần gũi với thế giới tự nhiên. Song, điều đó không phải sinh ra đã có, trẻ cần phải được hình thành từ từ qua cách giáo dục và những việc làm, trò chơi cụ thể. Với kinh nghiệm của tôi, không phải khó khăn lắm để giáo dục trẻ biết tự giác bảo vệ môi trường. Một trong những việc làm quan trọng để bảo vệ môi trường đó là các bậc cha mẹ phải gương mẫu và khéo léo dạy con biết tự giác bằng những việc làm thiết thực. Đồng thời, hướng dẫn trẻ biết phân loại những sản phẩm mình thu thập được. Khuyến khích trẻ tái chế và trưng bày chiến lợi phẩm của mình hoặc để dành bán đồ đồng nát tiết kiệm tiền mua sách vở hay làm từ thiện.
ThS. Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)