Nuôi dưỡng, dạy dỗ một đứa trẻ vô tư, khô khan, hời hợt đã khó, thì đối với một đứa trẻ đa sầu, đa cảm, quá mẫn cảm trước những tác động bên ngoài cũng khiến các bậc cha mẹ gặp không ít cam go, thử thách.
Cha mẹ cần chú ý quan tâm đặc biệt nếu con mình là một đứa trẻ đa sầu, đa cảm. Ảnh: IT
Con đa cảm mà ngỡ tự kỷ
Phải thừa nhận đứa trẻ nhạy cảm có khá nhiều ưu điểm, bé rất tinh tế, nhạy bén khi phát hiện dấu hiệu khác biệt nhau dù rất nhỏ. Bé thường yếu đuối, đa đoan, tình yêu thương của bé dành cho thế giới bên ngoài mênh mông lắm và dành cho mọi thứ bé gặp trong cuộc sống. Bé yêu cây rau, ngọn cỏ, bé nâng niu con dế, con chim, bé thương luôn cái đồ chơi từng gắn bó với mình. Bé giàu trí tưởng tượng, sức sáng tạo vô cùng, bé cẩn thận, cân nhắc một cách thái quá những gì bé chuẩn bị thực hiện. Bé dễ rơi nước mắt vì động lòng trắc ẩn trước những điều bé cảm thấy chạnh lòng. Vì thế bé dễ bị coi là lập dị, khó thích ứng, không giống ai, ít có người muốn chơi với bé. Con trai của chị Hạ (Q.Tân Phú, TP.HCM) là một trường hợp như thế. Khi cu cậu mới hơn ba tuổi đã luôn quan tâm để ý đến ông bà, cha mẹ. Nhìn thấy mẹ hơi nhăn mặt, hay nén tiếng thở dài vì làm việc vất vả, thằng bé đã thỏ thẻ: “Mẹ bị đau ở đâu? Mẹ có mệt lắm không? Con đi mua thuốc cho mẹ uống nhé!”. Lúc mới hơn năm tuổi thằng bé nói những câu nhận xét đầy trắc ẩn, nào là “Sao con thấy trong đàn kiến có một con rất buồn mẹ ạ! Hình như nó nhớ ai hay là đang bị ốm hay sao mẹ ạ?”. Hay “con thương con gà trống nhà bác Hiếu quá! Nó già lắm, thế là bác ấy bán nó mất rồi! Sao con chim sẻ chỉ có một mình mẹ nhỉ?”… ”. Chị Hạ còn lo lắng, phân vân lo con bị tự kỷ khi thấy con chỉ thu mình một góc xem các bạn trong phố chơi, không dám tham gia. Thằng bé chỉ thích những thứ quen thuộc, ăn đúng món ăn mẹ nấu, ngại va chạm với bạn… Đem băn khoăn của mình trao đổi với các chuyên gia tâm lý, chị Hạ được biết con trai chị không phải mắc chứng tự kỷ như gia đình tự “chẩn đoán” mà bé là thuộc kiểu người khá nhạy cảm.
Tính khí của trẻ đa sầu, đa cảm thường hay e dè, hay mắc cỡ, dễ rơi nước mắt, coi nặng chuyện khen chê, nhắc nhở; hết sức cảnh giác, thận trọng về mọi thứ xung quanh; quá lo lắng về những gì bạn bè tác động lên mình. Khi chứng kiến những cảnh thương tâm luôn khiến bé cảm thấy xót xa, băn khoăn. Khi nghe một lời nhận xét chưa đúng luôn khiến bé bận tâm suy nghĩ, đắn đo. Bé chỉ có vẻ rất phấn khích nhất thời, rồi bỗng dưng trở về trạng thái ủ rũ và suy tư ngay. Chẳng hạn như đòi mua đồ chơi cho bằng được nhưng về chơi được chốc lát là buồn chán đòi đổi thứ khác vì không như ý. Nhưng cái gì đã thích thì dù thật cũ mèm cũng không muốn bỏ đi. Bé luôn cầu kỳ, kỹ tính, thậm chí là quá cố chấp, khó tính khi khăng khăng yêu cầu cho bằng được sở thích của mình. Bé thường hướng vào những con vật hoặc cây cỏ mà bé hứng thú, nên cách bộc lộ bằng ngôn ngữ của bé cũng có nhiều hạn chế. Tình cảm bạn bè của bé với các bạn cùng trang lứa vì thế cũng thiếu thốn do bé khó chia sẻ.
Tôn trọng những gì thuộc về con
Các bậc cha mẹ lưu ý, rất khó để biến đổi một đứa bé từ một người đa sầu, đa cảm, suy tư thành người mạnh mẽ, dạn dĩ. Kiểu tính cách này cũng là một ưu điểm nếu bé biết chủ động quản lý và kiểm soát được thái độ và hành vi của mình. Trong thế giới ngày nay, khi sự thờ ơ, hờ hững ngày càng đầy rẫy, thì tính đa sầu, đa cảm tự nhiên của bé là điều đáng trân quý, vì bé luôn quan tâm và xót thương những điều xảy ra xung quanh. Do đó, cha mẹ hãy giúp bé nhận thấy mặt tích cực của sự nhạy cảm và phát huy nó trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, đồng thời kiềm chế những điểm tiêu cực mà do tính đa sầu, đa cảm cản trở hoạt động của bé.
Giúp trẻ hòa nhập
1. Thừa nhận mặt tốt của con: Trẻ đa cảm thường biểu hiện của sự e dè, ngại ngùng, yếu đuối, hay rơi nước mắt. Do đó, cha mẹ cần nhấn mạnh đến những điểm mạnh của trẻ. Nhấn mạnh cho bé biết rằng nó có thể tìm cách khác để phản ứng với mọi người như: “Mẹ không bao giờ muốn con bỏ lối sống là một người biết quan tâm. Đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con. Nhưng con phải cố gắng kiểm soát ánh mắt, cử chỉ, nét mặt để đừng làm người khác khó chịu nhé!”.
2. Đưa ra những điều thay thế: Nếu bé là một người dễ rơi nước mắt, thì bé cần luyện tập những hành vi phải làm gì thay vì khóc lóc. Cha mẹ hãy cùng bé đưa ra một số lựa chọn một trong những điều trẻ thích nhất. Chẳng hạn: “Nghĩ trong đầu về một nơi thật thú vị và hướng suy nghĩ về điều đó”, “ngân nga một bài hát (chỉ thầm trong đầu con), nhớ đến câu chuyện hài hước”, “Đếm nhẩm trong đầu từ một đến mười”… Để có được thói quen đó cần giúp trẻ tập nhiều lần. Dạy cho bé ý thức được khi nào nó bị bực bội thì nó cần phải tỏ ra mình ít quan tâm hơn về điều ấy. Điều quan trọng là giúp trẻ học cách phản ứng trước những trẻ cùng tuổi. Dạy trẻ học kỹ năng đối phó để trẻ có thể chủ động xử sự được bất cứ tình huống nào xảy ra trong cuộc sống của trẻ.
3. Giúp trẻ biết bộc lộ cảm xúc đúng thời điểm: Giúp bé thấy không phải tất cả các lời phê bình là không thân thiện hoặc có đầu óc nhỏ nhen. Dạy bé tập thói quen giữ im lặng khi người khác đang nói (kể cả lời phê bình, nhận xét). Nếu bé cảm thấy mình sắp khóc, hãy biết quay mặt đi, hít thở thật sâu, che giấu những cảm xúc tiêu cực đó trước đám đông. Đừng bắt trẻ phải kìm nén quá lâu những điều trẻ không chấp nhận, khuyến khích trẻ nói ra, nói càng nhiều càng tốt. Trẻ sẽ bộc lộ toàn bộ nỗi lòng mình khi chúng cảm thấy được an toàn và đáng tin cậy. Khi về đến nhà hoặc đến chỗ ít người cha mẹ hãy để cho trẻ được khóc, thậm chí là gào thét lên để giải tỏa những nỗi ấm ức trong lòng.
4. Giúp trẻ làm quen với cách ứng phó tự tin: Cha mẹ có thể tập cho bé làm quen từ từ với những người bạn cùng trang lứa, hoặc các vật lạ từ ít đến nhiều để bé mạnh dạn hơn. Hãy nói với bé rằng khóc lóc, hay giọng nói run rẩy đều làm người khác khó chịu, ức chế và không có thiện cảm. Chỉ cho bé biết lợi ích và cách suy nghĩ vững vàng, sẵn sàng, dứt khoát trước khi nói. Cho bé tập các kiểu diễn đạt khác nhau cho tới khi thuần thục để trẻ có thể nói một cách tự tin. Đồng thời, cha mẹ cũng cần tập cho bé biết cách thay đổi biểu hiện của điệu bộ, cử chỉ, nét mặt làm chủ cảm xúc của mình. Chẳng hạn như khi bị đem ra chọc ghẹo, trêu đùa bé hãy bình tĩnh, mỉm cười, tỏ ra ngạc nhiên hoặc biểu thị vẻ mặt ngây ngô khó hiểu… như thế các bạn của con sẽ không đoán được con đang phản ứng thế nào.
ThS. Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)