Hầu như đứa trẻ nào cũng đã có lần nhõng nhẽo, nũng nịu để làm khó, bắt cha mẹ phải chiều theo mong muốn của mình. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì khi lớn lên, chúng còn có thêm những “chiêu” nữa là “được đằng chân, lân đằng đầu”, thậm chí là tự tổn thương mình để cha mẹ phải đáp ứng tất cả những yêu cầu của mình.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Chị Huyền (Q.4, TP.HCM) tâm sự: “Không ai trong gia đình tôi mà không khổ sở vì tính ương bướng, lì lợm của con trai lên 9 tuổi, ai nói gì cũng không chịu nghe lời. Sáng không chịu dậy để chuẩn bị đi học, gọi mãi không thưa. Bị ba đánh đòn mới chịu dậy, rồi lại mè nheo, mặc cả: “Con sẽ đi học nhưng chiều về mẹ nhớ mua chiếc xe ô tô tự động nhé!”. Để xong việc, chúng tôi đành phải chấp nhận những yêu cầu của con. Sau nhiều lần như thế, vợ chồng tôi gần như bất lực trước thái độ khó bảo, ương ngạnh của cậu con trai”.
Không cổ xúy cho hành vi đòi hỏi của trẻ
Không phải lúc nào trẻ làm nũng, ương ngạnh, có hành vi thách thức chống đối cha mẹ cũng là điều đáng băn khoăn. Đôi khi, trẻ nhõng nhẽo, phụng phịu lại là cách để “báo động” cho cha mẹ nhận ra mình đã thờ ơ không quan tâm đúng mức đối với con trong thời gian qua. Song, cha mẹ cần phải cho trẻ biết được các hành vi chống đối là một hành động không tốt, có nhiều cách để làm rõ vấn đề. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành thói quen không có lợi cho bản thân trẻ sau này. Có nhiều người, khi con giở “chiêu” “leo đòi hỏi” cha mẹ để đạt được mong muốn, đã cố lờ đi hoặc vờ nói sang chuyện khác, coi như không biết về đòi hỏi của con. Như vậy, trẻ sẽ không thấy phụ huynh quan tâm và giải quyết vấn đề của mình. Chúng nghĩ là cha mẹ không quan tâm, yêu thương chúng, không có trách nhiệm và thờ ơ với những mong muốn mà chúng coi là hợp lý. Chúng chưa đủ khả năng để hiểu rằng, những nhu cầu của chúng không được cha mẹ đáp ứng là không phù hợp và chúng sẽ tiếp tục “đấu tranh” bằng cách “làm mình làm mẩy” để giành lấy quyền lợi cho mình. Nếu cha mẹ mắng mỏ, cấm đoán thậm chí đánh đập và thách thức với chúng, thì không khí cả gia đình sẽ rất căng thẳng. Trẻ chỉ tạm ngưng hành động chống đối để tránh bị xử phạt tại thời điểm đó. Khi có nhu cầu nào đó và hoàn cảnh cho phép thì trẻ lại tiếp tục đòi hỏi cho bằng được. Có không ít bậc cha mẹ vì mệt mỏi và ngại xung đột với con, muốn giải quyết nhanh cho qua chuyện nên đành đáp ứng nhu cầu của con cho qua mọi chuyện. Chính sự thiếu nhất quán trong cách giáo dục con của cha mẹ, trong trường hợp này thì phạt con, trường hợp khác thì làm ngơ, chỉ dọa dẫm qua loa rồi bỏ qua, có khi lại thỏa mãn, tạo cho trẻ có một thói quen, muốn gì thì cứ giở “chiêu” đối phó cha mẹ là được.
Giúp trẻ gỡ rối bế tắc trong hành xử
Cha mẹ và những người thân trong gia đình phải giúp trẻ giải quyết vấn đề cho trẻ, giúp trẻ có một suy nghĩ về sự thấu hiểu cảm xúc khó chịu của người khác khi bị chúng làm phiền nhiễu. Tất cả sự hỗ trợ phải trên cơ sở tình yêu thương và chia sẻ với trẻ. Gợi ý cho trẻ lựa chọn cách thể hiện bản thân khi trẻ bắt đầu có ý muốn nũng nịu. Trẻ làm khó cha mẹ suy cho cùng là để ép người khác đáp ứng nhu cầu của mình. Vì thế, cha mẹ hãy trao đổi với trẻ nếu chúng khéo léo hơn, nhẹ nhàng trình bày ý muốn, chắc chắn người khác sẽ dễ dàng hiểu trẻ hơn. Trang bị cho trẻ một vốn từ phong phú, sinh động để chúng có phương tiện giãi bày những vướng mắc trong lòng. Cùng trẻ làm phép đối chiếu hai cách thể hiện ý muốn, giữa cách la lối ầm ĩ, nằng nặc đòi bằng được và cách thuyết phục rõ ràng, dứt khoát. Cho trẻ biết cảm giác của người lớn khi bình tĩnh nắm được mọi chuyện thì sẽ dễ dàng hiểu mong muốn của con hơn là khi giận dữ, cáu gắt. Khi trẻ hiểu được rằng, gây nhiễu cha mẹ không phải là một cách làm hiệu quả nhất, trẻ sẽ trang bị cho mình những kỹ năng mới như kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự chủ và kiểm soát được hành vi của bản thân trong cuộc sống. Trẻ sẽ hình thành các cách giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống để có được điều mình muốn. Đồng thời, trẻ cũng học cách đối mặt và chấp nhận với việc chưa được thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu. Trẻ sẽ hiểu muốn đạt được mong muốn của mình thì phải xem mong muốn đó có phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi và điều kiện của mình hay không. Ngoài ra, trẻ sẽ khéo léo lựa chọn cách thuyết phục bằng cách đàm phán với cha mẹ để đạt được những mong muốn hợp lý.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)