Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi con khó dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi choai choai (độ 13-16 tuổi) thường than phiền rằng trẻ rất khó dạy bảo. Chúng thường mắc bệnh thần tượng, hay ăn mặc, hớt tóc, đi đứng giống với phong cách của các nghệ sĩ trẻ hiện nay. Ngoài ra, lứa tuổi này còn tụm nhóm lại vào cuối tuần để thể hiện tính cách của mình thông qua các gu thời trang quái dị và còn tỏ vẻ ta đây là “người lớn” như hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, yêu nhau… Cha mẹ la rầy thì chúng cãi lại, còn cố tình làm “quái” hơn thế. Thật ra đây là tâm lý bình thường ở tuổi này, nhưng do ba mẹ chưa hiểu rõ trẻ nên khó lòng dạy dỗ con được.

Trẻ vị thành niên đang trong quá trình xác định bản sắc riêng và thường hướng đến những hình mẫu người lớn được chúng đề cao, ngưỡng mộ. Khi lựa chọn thần tượng, một số trẻ vị thành niên dễ bị cuốn hút bởi những điều hào nhoáng bên ngoài và sự tác động của người khác. Vì vậy, thần tượng không ổn định, hay thay đổi và ít khi phù hợp với khả năng phấn đấu của các em. Lứa tuổi này cũng thích tụ tập với bạn và rủ nhau thực hiện những hành vi gây sự chú ý của mọi người. Những kiểu tóc, kiểu trang phục quái dị… là phương tiện giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định, khi nghĩ rằng, điều đó sẽ khiến người khác quan tâm, nể phục.

Thông thường, có phong cách kỳ dị, gây phản cảm, là vì trẻ không biết cách thể hiện bản thân phù hợp hoặc không có cơ hội chính đáng được thừa nhận trong gia đình hoặc ở nhà trường. Vì vậy, trước hết, cha mẹ nên chủ động gần gũi, ân cần với trẻ, tạo cơ hội để trẻ cảm thấy được gia đình quan tâm, coi trọng. Trẻ cần được cha mẹ nâng đỡ để tìm ra giá trị đích thực của bản thân, những ưu điểm, những khả năng giúp trẻ thành công trong cuộc sống. Trước hết, cha mẹ nên tổ chức những buổi trò chuyện thân mật trong gia đình, gợi ý để trẻ bộc lộ quan điểm về thời trang, về giá trị con người…

Nên khuyến khích trẻ đưa bạn về nhà hoặc gợi ý cho trẻ kể về bạn, về những trò vui với nhau khi ra ngoài… Khi con bày tỏ, cha mẹ cố gắng giữ thái độ bình thường, không vội phán xét, la rầy. Thay vào đó, hãy đưa ra những băn khoăn, lo lắng để con tự suy xét và ứng xử. Ngoài ra, hãy chú trọng tổ chức cuộc sống của trẻ phong phú hơn với những sinh hoạt vui tươi, gắn kết trong gia đình, các hoạt động bổ ích và lành mạnh ở nhà trường và xã hội… Trẻ sẽ chín chắn, sẽ định hướng sống tích cực hơn khi nhận ra và tự tin với những giá trị của bản thân đã được gia đình thừa nhận.

Nguyn Hoàng Duy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)