Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi con không chịu trở lại trường

Tạp Chí Giáo Dục

Tết, học sinh không phải đến trường thì đương nhiên được đi chơi tết rồi. 

Nếu được chuẩn bị tốt về tâm lý, trẻ sẽ hào hứng, vui vẻ đến trường. Trong ảnh: Các cô giáo Trường mầm non Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đón học sinh ngay cổng trường – Ảnh: H.Hg.
Nhưng điều quan trọng là sau khi chơi tết thoải mái với thời gian dài (hầu hết tỉnh, thành đều cho học sinh các cấp nghỉ tết hơn 10 ngày) thì các em có sẵn sàng quay lại trường không?
“Năm trước, những ngày tết mình cho mấy đứa nhỏ đi chơi xả láng, hết về thăm ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác là cả nhà lên xe ra Phan Thiết chơi. Vui quá, mấy đứa nhỏ ít chịu ăn chịu ngủ, cứ chơi suốt không biết mệt. Mình hò hét bảo chúng ngưng thì ông xã lại bênh con, nói cả năm con phải đi học suốt từ sáng đến tối. Có mấy ngày tết mà mẹ cũng bắt làm theo quy định cứ y như trong quân đội” – chị Thanh Hương, nhà ở phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, kể.
“Hậu quả là đến ngày đi học, gần 7g sáng mà hai đứa nhỏ nhà mình vẫn ngủ mê mệt. Bố mẹ phải lấy khăn lạnh lau mặt cho con nhưng cũng không ăn thua. Sợ trễ giờ học, cuối cùng mình đành bế chúng lên, thay quần áo cho chúng rồi đưa lên xe. Đến trường mầm non, bé Út khóc ầm ĩ, cứ một mực đòi về nhà ngủ, cô giáo dỗ dành kiểu gì cũng không nghe. Anh lớn 7 tuổi thì mắt nhắm mắt mở, lệt bệt bước vào lớp mà miệng cứ ngáp dài. Tình trạng đó kéo dài mất bốn ngày khiến bố mẹ phát bệnh, chưa kể mấy ngày đó mẹ đều phải đi làm trễ” – chị Hương nói.
Kể xong, chị Hương đặt câu hỏi: “Có cách nào dung hòa giữa việc cho con đi chơi tết và đi học sau tết không?”.
Đau đầu vì thiếu ngủ
Nên cho bài tập về nhà
Cô Nguyễn Võ Bảo Ngọc, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Vạn Tường, chia sẻ kinh nghiệm: “Thời kỳ tết thường giáo viên sẽ cho bài về nhà giúp bé không quên kiến thức.
Dù chỉ một, hai bài nhưng phụ huynh cũng nên cho bé hoàn thành trước tết. Đến mùng 1, 2, 3 thì các bé được chơi thoải mái, không phải vướng bận bài vở nữa.
Nhưng đến mùng 4, 5 mỗi ngày phải ngồi vào bàn học 30 phút để ôn lại bài và đi ngủ sớm để chuẩn bị ngày đi học lại”.
Tình trạng trên khá phổ biến khiến nhiều gia đình lao đao bởi con không chịu đi học thì ba mẹ không thể đi làm. Các phụ huynh cho biết từ la mắng đến năn nỉ, dỗ dành, thậm chí tét vào mông con nhưng các bé cứ ì ra, không chịu đến trường.
Sau Tết Nguyên đán năm con ngựa, chúng tôi đi thực tế tại một số trường mầm non trên địa bàn TP.HCM và chứng kiến cảnh học sinh vùng vẫy, khóc, ói… khi ba mẹ đưa đến trường. Giáo viên cũng than các cô rất ngán thời kỳ sau tết.
Bé tuổi mẫu giáo còn đỡ, chứ bé nhà trẻ nghỉ tết lâu quá là quên trường, quên cô. Khi đi học lại coi như làm quen từ đầu. Mệt nhất là sau vài ngày khóc như vậy thì các bé… bệnh (chủ yếu viêm đường hô hấp trên) khiến cô oải mà mẹ cũng oải.
Một giáo viên tiểu học ở quận Phú Nhuận kể: “Lớp mình có trường hợp bé than đau đầu. Dẫn bé xuống phòng y tế, cô y tế thăm khám rồi cho bé ngủ một giấc. Sau khi ngủ dậy thì hết đau.
Hỏi ra mới biết mấy ngày tết ở nhà bé ngủ quá trễ, ban ngày thì không ngủ trưa (trong khi ngày thường đi học bán trú thì ngày nào bé cũng ngủ trưa từ một giờ trở lên). Lúc đó mới dám kết luận chứng bệnh đau đầu là do thiếu ngủ.
Theo nhiều giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, tình trạng học sinh lớp 1 quên bút, viết, sách, vở khi đi học lại sau tết rất phổ biến. Nguyên nhân do các bé chơi tết đến sát ngày đi học. Có bé thật thà nói: “Con mới đi Nha Trang về tối qua, mệt quá chừng. Sáng nay, ngủ dậy là con xách cặp táp đi học, không kịp soạn bài vở, đồ dùng học tập gì cả”.
Cha mẹ phải làm gương
Trẻ thích được động viên
Theo cô Tự Do, trẻ mầm non rất thích được động viên. Sau tết, được ba mẹ khuyến khích, con đi học sẽ kể cho cô giáo nghe con được đi chơi ở đâu, ai lì xì cho con, có những bạn nào được đi chơi giống con…
Khi đến trường, các giáo viên cũng cần tâm lý một chút, khơi mào để các bé kể chuyện chứ ở nhà mẹ gợi ý mà đến trường cô không hỏi thì bé rất dễ hụt hẫng.
Việc này phụ huynh cần chủ động trao đổi với giáo viên để cùng phối hợp, giúp bé sớm thích nghi với môi trường lớp học.
Cô Nguyễn Thị Lệ Dung – hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Vườn Thần Tiên, quận Phú Nhuận – đưa ra lời khuyên: “Cho các bé đi chơi tết, phụ huynh cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho con em. Nếu có về thăm nội, ngoại thì cần giữ nếp ăn, ngủ một cách tương đối chứ đừng quá thoải mái.
Nếu có cho bé đi du lịch thì nên du lịch theo dạng nghỉ dưỡng, tức là đừng “tha” bé đi tham quan chỗ này chỗ nọ khiến bé quá mệt, nhất là với thời tiết như hiện nay.
Trước khi đi học hai ngày thì đưa bé trở về với nếp sinh hoạt cũ để chuẩn bị cho bé đi học. Việc này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào phụ huynh”.
Đồng tình với ý kiến trên, hầu hết giáo viên mầm non và tiểu học đều cho rằng phụ huynh là người quyết định nếp sinh hoạt của bé.
Ví dụ, ba mẹ yêu cầu bé đi ngủ nhưng cả nhà vẫn mở đèn sáng trưng, cười nói, vui chơi ồn ào thì rất khó thực hiện. Muốn cho bé ăn đúng giờ thì ba mẹ cũng phải ăn đúng giờ…
Cô Đoàn Thị Tự Do – phó hiệu trưởng Trường mầm non 7B, quận Bình Thạnh – tư vấn: “Trẻ mầm non có đặc thù khác với những trẻ lớn tuổi hơn. Tết, ba mẹ cho bé đi chơi nhưng đừng bắt bé dang nắng nhiều quá, đi chơi vui vẻ nhưng phải ăn uống đủ chất chứ không thể qua loa. Vì khi trẻ đi chơi nhiều, ăn, ngủ không đủ là mất sức, người bứt rứt, khó chịu. Kêu đi học nữa thì càng khó chịu hơn.
Nhiều bé đến trường thời kỳ sau tết với thể trạng mệt mỏi nên cáu gắt là đương nhiên. Trong những ngày nghỉ tết, người nhà cũng cần nói với bé về chuyện ở trường, ở lớp, giải thích cho bé hiểu ngày tết bố mẹ được nghỉ làm nên con được ở nhà. Hết tết thì bố mẹ đi làm, con phải đến trường”…
HOÀNG HƯƠNG
(TTO)

Bình luận (0)