Trong một buổi nói chuyện về việc học dành cho giới trẻ mà tôi có dịp tham dự, một phụ huynh đã mạnh dạn hỏi chuyên gia: “Tôi thấy trên thế giới có nhiều người không cần phải tới trường để học mà vẫn xuất chúng. Thậm chí tỉ phú Bill Gate cũng bỏ học giữa chừng khi đang là sinh viên một trường ĐH lẫy lừng là Havard và sáng lập ra Tập đoàn Microsoft có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong khi rất nhiều con em chúng ta luôn than thở rằng chương trình học đang rất nặng nề và muốn học theo xu hướng của những tỉ phú như Bill Gate. Vậy chúng ta nên định hướng như thế nào cho phải?”. Tâm sự của phụ huynh này cũng là vấn đề mà nhiều người từng gặp phải khi trò chuyện với con cái về việc học hành và được con cái đưa ra những… lý sự “cùn”.
Về vấn đề này, hòa thượng Thích Viên Trí (giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam) cho rằng những người xuất chúng như Bill Gate hay Thomas Edison chỉ là các trường hợp ít ỏi trong hàng tỉ người trên thế giới do não bộ của họ có cấu trúc đặc biệt hơn những người bình thường. Tuy nhiên, việc họ rời bỏ trường học không có nghĩa là họ kết thúc việc học ở ngay tại thời điểm đấy mà là chuyển hình thức học từ cách này qua cách khác. Thay vì tới trường, tiếp nhận những bài giảng của giáo viên, họ lại tự mình nghiên cứu qua tài liệu như sách vở, internet, tự trải nghiệm và khám phá nguyên lý hoạt động của sự vật, sự việc qua các loại máy móc. Điều đó cũng có nghĩa là việc học của họ không dừng lại mà luôn biến động theo từng giai đoạn, từng cách tư duy. Trên thực tế, có rất nhiều nông dân từ trước tới nay không được học hành qua trường lớp nào nhưng vẫn sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho đời sống. Đó là vì họ đã tự học hỏi qua thực tế lao động, tự tìm hiểu tài liệu và vận dụng, tư duy những điều đó để biến nó thành những công cụ đáp ứng cho đời sống của mình.
Hòa thượng Thích Viên Trí chia sẻ: “Việc học có thể bằng nhiều cách nhưng được tiếp nhận kiến thức tại trường học chính là bước đi chắc chắn nhất cho mọi sự khởi đầu của con người”.
Linh Vy
Bình luận (0)