Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi con say game

Tạp Chí Giáo Dục

Trong xã hội hiện nay, vai trò của ti vi hay băng đĩa có một ý nghĩa tích cực như cung cấp thông tin quan trọng, hấp dẫn nên không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc lạm dụng các phương tiện nghe nhìn, những trò chơi điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.
Với trẻ dưới 2 tuổi, nếu thời gian xem ti vi, băng đĩa càng nhiều thì nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý càng gia tăng do hạn chế thời gian giao lưu tiếp xúc với cha mẹ và những người xung quanh. Mức độ rối nhiễu xảy ra như: Chậm nói, tăng động giảm chú ý, kém hòa nhập, nặng hơn có thể dẫn đến bệnh tự kỷ…
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ và người chăm sóc không nên dùng ti vi, băng đĩa để giữ trẻ ngồi yên, hay dùng những chương trình quảng cáo để dỗ dành khi trẻ biếng ăn. Những thói quen này nếu lặp đi lặp lại sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Với những trẻ lớn hơn, nếu quá say mê với phim hoạt hình thì sẽ dẫn đến hậu quả là “nghiện” phim siêu nhân, say mê trò chơi điện tử dẫn đến “nghiện” game.
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con đã quá say mê với thế giới ảo mới tìm cách ngăn chặn như: Cấm đoán, dùng hình phạt… chính điều này đã làm nảy sinh tâm lý chống đối, trẻ sẽ tìm mọi cách để có thể chơi game.
Để giúp con em không còn say mê với thế giới ảo, cha mẹ cần cảm hóa bằng tình yêu thương, sự nghiêm khắc, thái độ tôn trọng. Đặc biệt cần tránh thái độ cực đoan, cấm đoán mà không giải thích với trẻ. Trước hết, cha mẹ cần chỉ rõ cho trẻ biết trò chơi điện tử không xấu nhưng không nên quá ham chơi ảnh hưởng đến học tập, chưa kể những trò chơi mang tính bạo lực sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý, nhân cách con người. Ngoài ra, cha mẹ có thể gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm để biết rõ lịch học và nhờ sự giúp đỡ của giáo viên. Bên cạnh lịch học chính thức, tùy theo độ tuổi, giới tính và sở thích của con mà cha mẹ có thể hướng trẻ tập trung hứng thú sang một lĩnh vực khác như đăng ký cho con tham gia các khóa học âm nhạc, hội họa…
Tóm lại, cha mẹ cần “giám sát” kỹ mức độ tiến bộ của con, kiên trì động viên khuyến khích để trẻ nhận ra và tự giác thay đổi thói quen chỉ chơi game khi có thời gian rảnh.
Phạm Thị Ngần
(Giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)