Chắc hẳn mọi người sẽ hình dung ra sự ưu ái như thế nào cho một “ngôi sao” rồi nếu bạn là giáo viên và phụ huynh.
Ở trường, nếu cô cậu học trò nào đó là “cây văn nghệ” của trường thì sẽ được du di thời gian để tập luyện ca hát, nhảy múa và được nghỉ học đi tham dự các buổi biểu diễn ở quận/huyện, thành phố. Còn bài tập về nhà chưa hoàn thành, học bài cũ chưa thuộc thì giáo viên cho nợ buổi sau chứ không bị la rầy như các bạn khác vì là người “nổi tiếng” và thầy cô giáo cũng là “fan” mà! Về nhà, cha mẹ nào lại không muốn con mình học giỏi, có vài năng khiếu lẻ nào đó “mua vui” cho mọi người.
Với một đứa trẻ, nếu là học sinh giỏi và có giải thưởng thì được rất nhiều thầy cô giáo quý mến, bạn bè ngưỡng mộ và tung hô. Còn cha mẹ tự hào với đồng nghiệp, với lối xóm, nhận được nhiều lời khen từ các cuộc họp tổng kết hay dịp lễ tết… Kết hợp hai yếu tố vừa học giỏi vừa ca hay múa đẹp trong cùng một đứa trẻ thì càng được ưu ái gấp bội. Tự thân các đứa trẻ đó cũng thấy mình “có giá” hơn so với bạn bè. Các em được dùng như một hình mẫu nếu được phụ huynh hay người quen nào sử dụng để nhắc nhở con hay so bì trước mặt con… Đây là tâm lý thường tình của con người và trẻ nhỏ cũng không ngoại lệ.
Tuy vậy, băn khoăn của tôi chính là áp lực của các bậc cha mẹ đè lên con trẻ, đó là áp đặt mơ ước của người lớn lên con trẻ. Tuy là tâm lý thường tình, ai cũng công nhận sự “nổi tiếng” đó có nhiều điều tích cực, song nếu thuận theo lẽ tự nhiên tức là quá trình phát triển tâm sinh lý lứa tuổi thì mỗi thầy cô giáo, mỗi bậc cha mẹ đừng nên quá tự hào, đừng nên “thần thánh” hóa những ưu điểm tạm thời của trẻ trong giai đoạn này. Cần hiểu giai đoạn nào trẻ có khả năng phát triển các tố chất gì, giai đoạn nào chỉ cho trẻ tiếp xúc với năng khiếu gì, giai đoạn nào đầu tư “trọng điểm”, lứa tuổi nào phù hợp với những “lời khen có cánh”… Từ đó con nổi tiếng cũng không sao.
Quốc Việt
Bình luận (0)