Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi công nghệ phát triển đến mức “như con người”

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 31-3, tại Đường sách TP.HCM vừa tổ chức buổi trò chuyện văn chương cùng các tác giả: Yang Phan, Phát Dương, Trọng Khang, Đinh Khoa, Võ Đăng Khoa.


Các tác giả từ trái qua: Huỳnh Trọng Khang, Yang Phan, Đinh Khoa, Phát Dương, Võ Đăng Khoa

Trong buổi trò chuyện văn chương lần này, các tác giả đã chia sẻ cách viết ra cảm xúc, suy nghĩ của mình, kinh nghiệm tìm cảm hứng từ cuộc sống và các tác phẩm văn học kinh điển, cách tiếp cận văn chương thế giới, cách quan sát chất liệu thực, cách tìm chủ đề người đọc quan tâm, và trên hết là cách duy trì kỷ luật sáng tác.

Cả năm tác giả này đều là những người viết kiên trì. Ngoại trừ Võ Đăng Khoa vừa có tác phẩm đầu tay trong năm 2023, thì 4 tác giả còn lại đều đã ra mắt một số tựa sách, với sự đổi mới không ngừng về chủ đề và sự tiến bộ về kỹ thuật viết. Tác phẩm của họ thể hiện những mối quan tâm của giới trẻ đương đại: Sự cô đơn, định nghĩa nhân tính, tương lai loài người, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu…


Bạn đọc tương tác và đặt câu hỏi tại buổi trò chuyện

Đối với những người viết trẻ, có hai điều khó vượt qua nhất, một là viết trọn vẹn tác phẩm đầu tay của mình và xuất bản, và hai là kiên trì theo đuổi con đường sáng tác, tìm kiếm và nuôi dưỡng cảm hứng. Những tác giả này không phải là người viết có đào tạo từ trường lớp văn chương, đa số họ đang sống bằng những nghề khác. Chính vì vậy, họ gặp thách thức nhiều hơn, nhưng cũng có cơ hội quan sát cuộc sống từ nhiều góc độ hơn.

Những tác phẩm mới nhất của năm tác giả là tác giả Yang Phan với tác phẩm “Biến thể của cô đơn”, tác giả Phát Dương với tác phẩm “Hai người trong một ngăn tủ”, tác giả Võ Đăng Khoa với “Lạc đà bay”, tác giả Trọng Khang với hai tác phẩm xuất bản năm 2023: “Bể trăng côi” và “Nơi không có tuyết”, tác giả Đinh Khoa với “Dị bản”.

Trong đó các tác phẩm của Yang Phan, Phát Dương, Đinh Khoa đều mang màu sắc scifi, khi khắc họa thế giới tương lai, khi robot và trí tuệ nhân tạo đã đóng vị trí không thể thiếu trong cuộc sống con người. Nhưng họ không đi sâu vào những tiến bộ kỹ thuật, mà thay vào đó đặt ra câu hỏi về nhân tính: Khi công nghệ phát triển đến mức “như con người”, thì thế nào là con người?


Các tác phẩm của 5 nhà văn trẻ

Trong “Biến thể của cô đơn”, ta thấy được những robot/chương trình giả lập mang theo ký ức của người thân đã mất. Ta vẫn có thể “trò chuyện” với họ, thậm chí sống cùng nhà với “họ”, nhưng  không thể thay thế cho thực tế rằng con người thực sự đã mãi mãi mất đi. Đồng cảm hứng về chủ đề nhân tính, Đinh Khoa trong “Dị bản” đặt vấn đề: Trước bao nhiêu vấn nạn trong xã hội, những mặt tối của con người, liệu dùng công nghệ để cải tạo nên một giống người “hoàn hảo, yêu môi trường” có phải là lựa chọn tốt hơn? Trong thế giới mà mọi điều đều có thể được thỏa mãn, sự kết nối giữa người và người có giá trị như thế nào?

Phát Dương trong “Hai người trong một ngăn tủ” nghĩ đến một hành tinh nhân tạo, khi con người đã khiến trái đất không còn là nơi có thể dung thân. Trẻ con sẽ thấy: “Thành phố như được đặt dưới đáy biển, với lớp kính mái vòm giả làm bầu trời. Chỉ là, thứ biển này chỉ có cá voi và cam. Lộng lẫy nền xanh dương mát lạnh, loang chút tím và ngả dần về xanh biển, như những bước pha màu nước cầu kỳ. Bầy cá voi khổng lồ hiền hòa chầm chậm bơi, giữa những tinh cầu nho nhỏ tròn màu chín vàng như những trái cam mọng nước”.


Tác giả Yang Phan của tựa sách “Biến thể của cô đơn”

Trọng Khang với “Bể trăng côi” và “Nơi không có tuyết” là một trường hợp thú vị, khi anh chọn cách kể lại những câu chuyện kinh điển để bày tỏ ý mình. Với “Bể trăng côi”, anh kể về hành trình của hai thầy trò phải đến một nơi giữa thời đại dịch phong tỏa khắp chốn – song song đó là câu chuyện về thầy trò Đường Tăng. Những kiếp nạn song chiếu, những tỉnh ngộ, những thông điệp đậm tính thiền. Tiếp nối tinh thần đó, “Nơi không có tuyết” là tác phẩm đẹp đẽ lấy cảm hứng từ “Hoàng tử bé”, một tác phẩm đã để lại ảnh hưởng to lớn với hàng triệu người trên thế giới.

“Lạc đà bay” của Võ Đăng Khoa lại là những lát cắt cuộc sống đương đại, qua sự quan sát tinh tế của tác giả. Những con người bình thường ta đi ngang qua, cuộc đời của họ như thế nào? Tiếng nói của họ ai sẽ lắng nghe? Cho dù là người sống chỉ cách nhau không xa, nhưng bạn đọc sẽ thấy có những câu chuyện có thực, nhưng với ta rất khó tin. Làm sao ta kết nối với con người nếu thiếu đi lòng cảm thông? Tác phẩm đầu tay của Võ Đăng Khoa đã nhận được đánh giá cao của nhiều nhà văn, nhà báo, trong đó có tác giả Nguyễn Ngọc Tư.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)