Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi “danh xưng tùy tiện” mang tính xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhà trường hiện nay, sự biểu dương, khích lệ, khen thưởng – hay có tính chất như thế – được thực hiện khá rộng rãi, đôi lúc đến mức trở nên rất đỗi bình thường. Chẳng hạn, hiện có một số hình thức: “học sinh giỏi”, “học sinh tiên tiến”, “cháu ngoan Bác Hồ”, mà số được tuyên dương thường chiếm tỷ lệ cao trong lớp, trong trường (chẳng hạn có lớp gần 50 học sinh mà chỉ có 1-2 em là học sinh tiên tiến, còn lại đều là học sinh giỏi). Ngoài ra, còn có “học sinh giỏi môn…”, học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi khác (nói giỏi tiếng Anh, tiếng Hàn chẳng hạn hay đạt huy chương trong các cuộc thi đấu thể thao, Olympic tin học/ngoại ngữ…), học sinh tham gia các cuộc thi phong trào hoặc năng khiếu (vẽ, kể chuyện theo sách, văn nghệ…). Chính vì quá đề cao yếu tố khích lệ, động viên mà lời khen, giấy khen hay phần thưởng trở nên giảm giá trị đi. Giả sử, một lớp chỉ có 3 học sinh đứng đầu lớp được khen thưởng cùng các học sinh đạt giải các cuộc thi, hội thi từ cấp quận/huyện trở lên thì hẳn phần thưởng đó có thể lớn hơn (không còn phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa nữa), ý nghĩa cũng tích cực hơn, bởi học sinh phải phấn đấu thực sự cao mới được khen thưởng và các em sẽ thấy rõ tính chất vinh dự của phần thưởng này. Không chỉ vậy, nhiều nơi học sinh tiên tiến cũng được khen (bằng giấy khen của hiệu trưởng ký), được thưởng (có giảm đi một chút so với học sinh giỏi) thì giá trị của danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi có khi được nhìn nhận cũng không quá cách biệt (nếu nhìn qua giấy khen và phần thưởng).

Thí sinh đạt giải thưởng cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi cấp thành phố (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Nhưng nhìn rộng hơn, các danh xưng – một kiểu khen ngợi – thực ra mang tính xã hội rất rõ, chứ không phải chỉ trong nhà trường. Ngoài đường có những người làm được việc tốt thì được gọi là “hiệp sĩ”; người viết được một hai cuốn sách hoặc đủ tiêu chuẩn kết nạp hội viên hội nhà văn cấp tỉnh thì mặc nhiên được gọi là “nhà văn”; người có làm thơ, có thơ đăng báo hoặc in sách thì cũng được gọi ngay là “nhà thơ”; người có tham gia đóng phim, đóng kịch, ca hát… thì vẫn hay được gọi là “nghệ sĩ”, khi có chút danh tiếng thì lắm khi được gọi là “ngôi sao”, “diễn viên nổi tiếng”, “danh hài”, “danh ca”…; người làm công việc của các cơ quan Nhà nước (gồm cơ quan Đảng, đoàn thể…) thì vẫn được gọi là “cán bộ” với hàm ý có một vị trí cao hơn nhiều nghề khác trong xã hội (theo cách nhìn nhận của không ít người); thiếu nữ, phụ nữ trẻ có nhan sắc khá một chút thì hay được gọi là “hoa khôi”; trẻ em có trí nhớ tốt, thông minh một chút thì lắm khi được “bốc” là “thần đồng”… Những kiểu danh xưng đó khá phổ biến trong xã hội ta, thông thường là để tâng bốc nhau, lấy lòng nhau mà không ít trường hợp thì tự xưng, tự khoe hoặc mớm để người khác xướng danh! Đó là chưa kể có những người đi đâu hay trong tác phẩm nào cũng ghi nhiều học hàm, học vị hoặc lờ đi những cách xướng danh chưa đúng, miễn sao “kêu” là được (như ghi đồng thời “tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, giảng viên cao cấp”…; ký tên trong văn bản hành chính cũng ghi “thạc sĩ”, “tiến sĩ”…; ai giới thiệu là “tiến sĩ” thì phải đính chính ngay là “tiến sĩ khoa học”; chỉ là “phó giáo sư” nhưng khi được gọi là “giáo sư” thì cũng lờ đi…). Còn với các danh xưng mang tính chính thức, tức các danh hiệu được Nhà nước tuyên dương, thì lâu nay cũng có ý kiến hàm ý người được phong tặng, biểu dương, khen thưởng các loại danh hiệu là khá nhiều, trong số đó có thể có trường hợp “chạy” hoặc chưa xứng đáng, hoặc chỉ đơn giản là “sống lâu lên lão” chứ không phải có thành tích xuất sắc.

Có nhìn nhận về tính phổ biến của các danh xưng sẽ thấy dễ lý giải hơn hiện tượng nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng trong nhà trường. Suy cho cùng, trong giáo dục, ở nhiều trường hợp, biện pháp biểu dương có ý nghĩa lớn hơn nhiều biện pháp trừng phạt. Thế nhưng, nếu các cách khen thưởng, tính chất khen thưởng mà không tạo ra sự khích lệ, không tạo ra động lực thực sự để học sinh phấn đấu, thì hình thức khen thưởng đó nên được cân nhắc, để tránh tạo ra “danh xưng tùy tiện” có thể lại manh nha từ trong nhà trường!

Trúc Giang

 

Bình luận (0)