Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khi doanh nghiệp chú trọng đào tạo người địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như không ít doanh nghiệp (DN) tại các địa phương thường bỏ qua lao động địa phương chưa qua đào tạo thì câu chuyện ở Hải Phòng và Hà Nam lại cho thấy điều ngược lại: DN quan tâm đào tạo nghề cho lao động ngay tại địa phương, coi đây là lực lượng quan trọng có thể làm nòng cốt để phát triển sản xuất.
Cầm tay chỉ việc
Thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2011, Công ty TNHH An Huy đã kết hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đào tạo phát triển làng nghề hoàn tất thủ tục đăng ký mở 2 lớp đào tạo nghề thêu và nghề móc cho tổng số 80 học viên tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng và xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ba nghệ nhân làng nghề Việt Nam và một thợ giỏi cấp thành phố đã tham gia giảng dạy tại các lớp học.
Theo đánh giá của các giáo viên, khi tiếp cận với các học viên 2 lớp học này, khó khăn lớn đặt ra đó là phần lớn học viên đăng ký trình độ văn hóa thấp hoặc là người dân bị thu hồi đất, thậm chí có đối tượng không đủ sức khỏe. Do đã quen với môi trường lao động tự do nên trình độ tiếp thu nghề nghiệp của họ còn hạn chế. Trong khi cơ sở vật chất, điều kiện lớp học ở địa phương cũng gần như không có gì…
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty An Huy, công ty cũng như các giáo viên cố gắng tổ chức thành công lớp học bởi muốn giúp đỡ học viên đa phần là lao động chịu nhiều thiệt thòi được tiếp cận các cơ hội việc làm tốt hơn. Do vậy, để phù hợp với học viên, các giảng viên phải rất chú ý đến việc xây dựng chương trình học. Hàng tuần với sự chứng kiến của công ty, các giảng viên đều tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập và rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, đào tạo.
Câu chuyện tương tự diễn ra ở xã Bình Nghĩa, Hà Nam khi công ty TNHH Bảo Châu là DN đứng ra phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề thêu cho 80 học viên, trong đó ưu tiên đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo cũng được ưu tiên đào tạo. Với phương pháp học nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc. Nghề thêu đã có ở địa phương từ năm 1990 đến nay nên việc phát triển nghề này giúp lao động nông thôn có việc làm trong bối cảnh diện tích canh tác còn rất hạn chế.
Ổn định lực lượng lao động
Sau các khóa đào tạo, 80 học viên ở Công ty An Huy đã được cấp chứng chỉ nghề. Trong đó, lớp nghề thêu có 25 người đạt loại giỏi, 14 loại khá, 1 trung bình còn lớp nghề móc cũng có 21 loại giỏi, 13 loại khá, 6 trung bình và tất cả học viên đều đạt yêu cầu của khóa học đề ra.
“Quan trọng hơn, sau khi kết thúc khóa học, tất cả học viên đều thêu được cơ bản trên mọi chất liệu, mọi kiểu dáng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu và vệ sinh tốt sản phẩm trong sản xuất”, Giám đốc Công ty An Huy khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo này, DN chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thì việc đào tạo được đội ngũ lao động ngay tại địa phương, gắn bó lâu dài với công ty là hết sức quý báu. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục lấy lao động cơ sở làm nòng cốt để thực hiện công tác sản xuất kinh doanh của công ty. Với hình thức “giao nguyên liệu, thu sản phẩm”, người lao động luôn đảm bảo có công việc ổn định thường xuyên.
Trong khi đó, ông Mai Văn Hưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bảo Châu cũng chia sẻ: Việc kết hợp lý thuyết với thực hành trên sản phẩm của công ty đang sản xuất đã giúp lao động được đào tạo tại chỗ có thể đáp ứng ngay những yêu cầu công việc mà công ty cần.
Có thể thấy, qua 2 câu chuyện diễn ra ở những xã nghèo của Hải Phòng và Hà Nam, nơi lao động nông thôn đã bị mất đi phần lớn đất sản xuất cho thấy việc quan tâm đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông thôn là một hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Hướng đi này không chỉ giúp giải quyết gánh nặng thất nghiệp cho địa phương mà còn giúp lao động tại chỗ yên tâm gắn bó phát triển lâu dài với DN.

Tràng An

Theo Báo Tin Tức
 

Bình luận (0)