Đối với những người gắn bó với Sa Pa, cáp treo Fansipan là một "cú hích" ngoạn mục khiến ngành du lịch của thị trấn trong sương khởi sắc.
Thị trấn "ngủ quên" trong sương
Theo chị Lý Thị Thu – một khách du lịch tại Hà Nội, vào những năm đầu thập niên 2000, Sa Pa vẫn là một thị trấn nhỏ xíu, lặng lẽ và vắng vẻ đúng như trong áng văn của nhà văn Nguyễn Thành Long đã mô tả từ hàng chục năm trước đó. Du khách chỉ tìm đến đây để nghỉ ngơi, khám phá bản làng rồi về. Việc leo núi chinh phục đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương chỉ dành cho ai dai sức, chẳng bệnh tật gì, vì đường đi quá hiểm trở, thời tiết thì khắc nghiệt.
Sa Pa lặng lẽ
Sa Pa khi đó, giống như một nàng công chúa, miệt mài giấc ngủ kéo dài nhiều năm trong sương mờ, không biết đến bao giờ được đánh thức.
Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa nheo mày khi nhớ lại giai đoạn "lặng lẽ" đó: "Vào những năm 1996, có mỗi tôi làm du lịch. Khách cũng chủ yếu là người nước ngoài. Họ đến, hoặc vì dấu tích của những khu nghỉ dưỡng người Pháp từ trăm năm trước, hoặc đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã cũng như đời sống các dân tộc địa phương".
Phải đến năm 1999, Châu Long 1 với 24 phòng ra đời, thị trấn trên đỉnh Tây Bắc mới biết tới khái niệm khách sạn lưu trú đúng nghĩa. Thế nhưng, theo ông Vỹ, lúc này, mức chi tiêu của khách Tây rất khiêm tốn khi du lịch vẫn theo phương thức có gì dùng đấy: Xuống bản thì ngủ tại nhà dân, ăn gà rừng, thịt lợn rừng và rau củ. Về giao thông, đó cũng là giai đoạn những hướng dẫn viên F1 như ông Vỹ phải "vật vã" dẫn khách vì toàn phải cuốc bộ, leo núi; ngày nào cũng phải đi tới hàng chục cây số.
Vùng đất giàu bản sắc nhưng thiếu trải nghiệm. (Hình ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid bùng phát
Tình hình không có nhiều biến chuyển tới tận đầu những năm 2010. Theo bà Trần Thị Thanh, trưởng bộ phận kinh doanh của thương hiệu Sa Pa Green (Công ty CP Thương Mại Hùng Dũng), du lịch Sa Pa khi ấy vẫn gặp khó vì số lượng khách sạn, nhà hàng quá ít, các dịch vụ không đủ cung cấp cho khách nên xảy ra tình trạng quá tải và đắt đỏ. Điều này dẫn đến việc các dịch vụ du lịch tự phát bắt đầu nở rộ không kiểm soát. "Sa Pa có thời gian như một đại công trường, từng ngóc ngách bị xới tung, đâu đâu cũng có dự án đang xây dựng", đại diện Sa Pa Green nhớ lại.
Việc tìm ra giải pháp đánh thức nàng công chúa ngủ quên khi ấy luôn là vấn đề đau đầu với những người làm du lịch. Theo số liệu thống kê, năm 2013, lượng khách du lịch tới Sa Pa vẫn chỉ đạt mức 720.000 lượt/năm. Con số này "nhích" thêm không đáng kể vào một năm sau đó với 826.000 lượt. Bài toán giữ chân khách lâu hơn, khiến họ chi tiêu nhiều hơn rơi vào thế khó, khi ngành du lịch Sa Pa thiếu vắng cả sản phẩm độc đáo lẫn trải nghiệm.
Khi Sa Pa thôi lặng lẽ
Bàn về "nút thắt trầm kha" của ngành công nghiệp không khói Sa Pa, ông Phạm Cao Vỹ thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Tư duy giá rẻ và bình dân không đồng nghĩa với việc khách nào cũng thích.
Khách sạn Châu Long
"Năm 1999, chúng tôi bắt tay vào xây dựng khách sạn Châu Long 1 cũng là khách sạn đầu tiên tại Sa Pa với giá thuê 50USD/đêm. Lúc đó, có nhiều người nói tại sao lại để giá phòng cao như vậy. Nhưng trước đó, tôi đã đi sang Pháp, một khách sạn ở đó thiếu thốn đủ thứ cũng có mức giá tương tương. Vậy tại sao khách sạn của mình đẹp, đầy đủ mọi thứ lại độc đáo mà không thể? Tư duy giá rẻ không hẳn khách du lịch đã thích", ông Vỹ nhấn mạnh.
Thay đổi làm du lịch từ tư duy cũng là lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp tại Sa Pa. Sau Châu Long 1, lần lượt Châu Long 2, Sa Pa Green, Sa Pa House tiếp tục xuất hiện.
Nhưng có lẽ, cột mốc đánh dấu một thời kỳ mới của du lịch Sa Pa bắt đầu vào năm 2016, khi khu du lịch (KDL) Sun World Fansipan Legend do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng đi vào hoạt động. Hàng triệu du khách đã có thể chinh phục nóc nhà Đông Dương một cách thuận tiện và dễ dàng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, khách du lịch tới Sa Pa cán mốc 1,2 triệu lượt và tiếp tục duy trì đà tăng trường ấn tượng ở mức trên 20%/năm.
Khu du lịch Sun World Fansipan Legend
Không chỉ góp phần giúp du lịch Sa Pa thăng hạng trên bản đồ du lịch Việt với lượng du khách tăng cao hàng năm – Sun World Fansipan Legend còn được quốc tế vinh danh với những giải thưởng danh giá như "Điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu thế giới" (2019, 2020) và "Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới"(2020) do "Oscar của ngành du lịch thế giới"- World Travel Awards (WTA) trao tặng.
Bà Trần Thị Thanh, trưởng bộ phận kinh doanh của thương hiệu Sa Pa Green cho rằng: "Đối với một địa phương, sản phẩm du lịch độc đáo mang tính chất quyết định để xem vùng đó phát triển du lịch như thế nào. Tổ hợp du lịch của Sun Group bao gồm cáp treo Fansipan, hệ thống nhà hàng, khách sạn là một sản phẩm du lịch nổi tiếng có chất lượng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế", bà Thanh nhấn mạnh.
Khách sạn Sa Pa Green
Sự xuất hiện của Sun World Fansipan Legend có thể được xem như một cú hích của du lịch Sa Pa, và cú hích đó cũng đồng thời tạo đà để các doanh nghiệp địa phương cùng bứt phá. Sa Pa Green nằm ngay bên hông khách sạn Hotel De la Coupole MGallery đã liên tục tiếp nhận dòng khách chất lượng cao, lưu trú dài và có mức chi tiêu lớn hơn.
Cũng theo bà Thanh: Du lịch đi vào bài bản đồng nghĩa với sự đào thải của các mô hình chưa đáp ứng được kỳ vọng. Sau năm 2016, khi nhiều khách sạn có chất lượng ra đời đạt chuẩn 4-5 sao thì các nhà nghỉ tự phát đã bị đào thải hàng loạt. Một số điểm đến thiếu sự đầu tư cũng rơi vào tình trạng suy giảm lượng khách rõ rệt. Áp lực chuyên nghiệp hóa khiến cho tất cả các doanh nghiệp buộc phải tìm cách tự làm mới mình.
Đánh giá trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa, ông Phạm Cao Vỹ khẳng định: Ngành công nghiệp xanh của địa phương này đã "lột xác và khởi sắc" chỉ sau 5 năm khi cáp treo Fansipan ra đời. Từ cú hích này, Sa Pa thực sự trở thành điểm đến của đời người, điểm đến của thế giới.
Trường Thịnh (theo dantri)
Bình luận (0)