Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi giám khảo “đếm ý cho điểm”

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện điểm thi tốt nghiệp THPT môn văn ở các tỉnh ĐBSCL thấp, số điểm 5 trở lên chưa tới 25% mà Tuổi Trẻ nêu trong số báo ngày 20-6 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến mổ xẻ phân tích theo nhiều hướng khác nhau, từ giáo viên chấm thi cũng như các nhà quản lý giáo dục.


Thí sinh xem kết quả tốt nghiệp tại Cần Thơ – Ảnh: M.Giảng

* Ông NGUYỄN THANH BÌNH – giám đốc Sở GD-ĐT An Giang (đơn vị chấm cho Kiên Giang):  

Giáo viên bám sát đáp án vì sợ trách nhiệm?  

Khi sinh hoạt giám khảo chấm thi, sở yêu cầu chấm bình thường như mọi năm. Năm nay hướng dẫn chấm của bộ khá chi tiết nên cần bám theo đáp án, lấy học sinh làm trọng và không quá khắt khe. Chủ trương là vậy nhưng vấn đề ở chỗ vận dụng đáp án. Tôi nghĩ không có chuyện địa phương này “triệt” địa phương khác bởi học sinh ở đâu cũng là học trò của mình. Tuy nhiên, có thể giám khảo vì sợ trách nhiệm nên bám sát theo đáp án dẫn đến việc chấm quá chặt tay. Với môn văn, việc chấm như vậy là chưa thỏa đáng.  

Trong quá trình chấm, chúng tôi cập nhật điểm hằng ngày. Có ngày tỉ lệ điểm cao 28%, ngày hôm sau tăng lên 29%, nhưng ngày kế lại giảm xuống 26%. Việc tăng thì không sao, nhưng khi giảm, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên trách qua nhắc nhở giám khảo chấm bài cẩn thận, xem xét cẩn trọng từng con điểm.  

Tôi nghĩ bộ không chỉ xem xét lại kết quả tại những nơi điểm thấp mà những nơi điểm cao cũng cần được xét. Không phải xem xét để so bì nhưng làm như vậy sẽ thấy được cách vận dụng hướng dẫn chấm ở các nơi khác nhau để sau này vận dụng được tốt hơn. Đó cũng là kinh nghiệm để bộ có những hướng dẫn chấm tốt hơn, tạo sự công bằng và đồng thuận trong xã hội.

Thanh tra Bộ GD-ĐT làm việc với các tỉnh ĐBSCL  

Ngày 20-6, đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT đã làm việc với Sở GD-ĐT Bến Tre về những vấn đề liên quan tới công tác chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bến Tre là đơn vị chấm bài thi của thí sinh tỉnh Đồng Tháp, trong đó kết quả môn văn quá thấp (21,8% từ 5 điểm trở lên). Sở GD-ĐT Đồng Tháp (cùng với Kiên Giang) đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem lại kết quả này và tạm thời chưa công bố kết quả tốt nghiệp. Hôm nay (21-6), đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT tiếp tục làm việc với An Giang (đơn vị chấm thi cho Kiên Giang) trước khi làm việc với Đồng Tháp và Kiên Giang.

 

* Hội đồng chấm tốt nghiệp 2009 tại TP.HCM thực hiện chấm bài HS các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre và Long An. Chấm thi môn văn năm nay vất vả hơn năm trước, đó là cảm nhận của nhiều giám khảo, giáo viên văn tại TP.HCM. Điểm số giữa hai giám khảo chênh lệch quá lớn ở cả ba câu, do vậy phải mất nhiều thời gian chấm lại. Bài viết lan man, không rõ ý, bài làm không sát yêu cầu đề, thậm chí có nhiều bài viết thể hiện HS không hiểu đề… Theo các giáo viên, đó là những nguyên nhân làm bài thi môn văn điểm thấp.

* Ông LÝ ĐẠI HỒNG – phó giám đốc Sở GD-ĐT, chủ tịch hội đồng chấm thi tỉnh Vĩnh Long (đơn vị chấm cho An Giang):

Do thí sinh làm lệch đề  

Trước khi chấm, chúng tôi có sinh hoạt quy chế và hướng dẫn chấm cho giám khảo. Chủ trương của tỉnh là chấm theo đáp án. Tất nhiên với môn văn tính đến tính sáng tạo của thí sinh. Kết quả của An Giang thấp, theo như phản ảnh của giám khảo chấm thi, là do thí sinh làm lệch yêu cầu đề bài, nhất là trong hai câu “đọc sách” và “giá trị nhân đạo”. Chúng tôi làm đúng quy chế, chấm theo đáp án.  

* Cô CAO THỊ NGỌC HÀ – phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ):  

Nhiều học sinh viết lan man  

Phần lớn học sinh viết lan man, diễn đạt chưa tới ý nhưng chúng tôi luôn chắt chiu, trân trọng từng ý mà cho điểm. Nhiều khi các em chỉ làm được một ý nhỏ so với đáp án nhưng giáo viên vẫn lẩy ra để các em được một phần điểm của câu đó.  

Như trong câu 1, đáp án yêu cầu nói được hai ý mà dân chúng bàn tán trong quán trà, đó là cái bánh bao tẩm máu và người chiến sĩ Hạ Du. Nếu học sinh không nêu được chiến sĩ Hạ Du mà nói rằng đó là một chiến sĩ cách mạng thì chúng tôi vẫn cho điểm.  

Hay như câu phân tích giá trị nhân đạo của “Vợ chồng A Phủ”. Trong phần tóm tắt tác phẩm, nhiều học sinh viết rất dài dòng và không có ý, nhưng nếu có khái quát được giá trị nhân đạo của tác phẩm thì vẫn được điểm. Nhiều em chỉ thấy được giá trị nhân đạo qua hình ảnh Mỵ cởi trói cho A Phủ. Trong khi những luận điểm lớn của đáp án phần này bao gồm sự cảm thông của tác giả với nhân vật, phát hiện vẻ đẹp của con người…  

Có những câu mà căn cứ theo câu chữ của đáp án thì học sinh sẽ không được điểm. Tuy nhiên, môn văn đòi hỏi sự sáng tạo, diễn đạt, văn phong khác nhau nên nhiều khi các em chỉ nêu được một ý nhỏ trong đáp án, nếu giám khảo chắt chiu thì vẫn cho điểm được.  

* Cô TRẦN THANH THỦY – tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM):

Vận dụng máy móc đáp án?  

Nhiều bài làm không rõ ý do các em diễn đạt rất yếu, vụng về. Có những bài thi giám khảo đọc qua một lần không biết phải chấm bao nhiêu điểm, phải đọc lại, tìm ý để cho điểm. Ở câu 3 (5 điểm), đề yêu cầu phân tích giá trị nhân đạo tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” nhưng có phòng thi hơn 1/2 thí sinh sa vào phân tích hoặc kể chuyện về nhân vật Mỵ. Điều này cho thấy học sinh còn yếu khả năng khái quát, đánh giá tác phẩm.  

Ở câu 1, nhiều bài làm thể hiện sự lúng túng, không hiểu đề, không biết tóm tắt tác phẩm. Đây có thể là hậu quả việc học vẹt, đề yêu cầu vận dụng sáng tạo một chút các em không làm được. Câu nghị luận xã hội được nhận định là không khó nhưng thực tế chấm thi cho thấy độ chênh lệch điểm thi khá lớn. Cùng một bài thi giám khảo này chấm 2,5 điểm nhưng giám khảo kia chấm chỉ có 1 hoặc 1,5 điểm. Có những bài thi giám khảo 1 chấm 5,5 điểm nhưng giám khảo 2 chấm chỉ có 3 điểm (cả ba câu). Đó là thực tế ở cùng hội đồng chấm mà điểm số cách biệt quá xa. So với những năm trước, điểm chênh lệch năm nay quá lớn. 

Cho nên, cũng dễ hiểu sự chênh lệch kết quả điểm văn giữa các địa phương. Những địa phương kết quả thi văn quá thấp, theo tôi, có thể giám khảo chấm bài những nơi này đã chấm quá sát, vận dụng máy móc đáp án.

Giám khảo không linh hoạt, điểm thấp là khó tránh khỏi 

Là một giáo viên dạy văn và đã tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2009, tôi thấy tỉ lệ môn văn của các tỉnh ĐBSCL như vậy là bất bình thường. 

Tôi nhận xét đề thi năm nay không khó (chỉ hơi bất ngờ) nên số HS đạt điểm 5-6 là không khó. Nhưng vì sao ở các tỉnh ĐBSCL lại có tỉ lệ thấp đến không ngờ như vậy? Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là do đáp án, biểu điểm năm nay của bộ quá chi tiết, thậm chí nêu quá rõ từng ý một cho từng câu nên khi chấm, giám khảo cứ căn cứ vào các ý đó để chấm thì chắc chắn HS khó có điểm cao, bởi làm sao các em làm bài giống hệt như đáp án, biểu điểm của bộ được.

Thứ hai, do tổ chấm môn văn ở các tỉnh được phân công chấm bài của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang có lẽ do thiếu linh hoạt nên cứ căng theo hướng dẫn chấm của bộ để từ đó chấm một cách cứng nhắc, máy móc, bỏ qua sự sáng tạo của HS và tinh thần xem toàn cục bài làm của HS để cho điểm (hay nói khác đi là chấm bài theo kiểu “đếm ý cho điểm”, “đếm cua trong lỗ”). 

CAO XUÂN LƯƠNG (Trường THPT Lê Lợi, Sóc Trăng)

M.GIẢNG – P.ĐIỀN ghi (TTO)


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)