Hệ thống trường THPT dân lập ra đời là hệ quả tất yếu của quá trình xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là tình trạng giáo viên tại các trường dân lập đang có biểu hiện “chạy xô”, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy tại các trường này.
Tình trạng này không có gì mới lạ, khi các trường dân lập mới được thành lập, số lượng tuyển sinh ít, nguồn thu học phí hạn chế nên khó khăn trong việc trả lương cho các giáo viên cơ hữu. Trong khí đó, Bộ GD-ĐT quy định về hoạt động các trường dân lập, trong đó nêu rõ trong 2 năm đầu, tỷ lệ giáo viên cơ hữu của trường THPT dân lập không dưới 30% và từ năm thứ 3 trở đi tỷ lệ này không được dưới 40%.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta số trường dân lập có giáo viên cơ hữu đạt tỷ lệ như quy định trên là không nhiều. Để nhanh chóng giải quyết vấn đề này, các trường dân lập thực hiện hợp đồng với giáo viên các trường công lập để giảng dạy. Như vậy, trong các trường dân lập tồn tại song song 2 loại hình giáo viên: giáo viên cơ hữu và hợp đồng. Thực tế này lại đặt ra một câu hỏi cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường dân lập. Qua tìm hiểu được biết, giáo viên cơ hữu của trường dân lập hầu hết là những người còn trẻ hoặc SV mới ra trường nên kinh nghiệm trong giảng dạy chưa nhiều, các công tác chuyên môn khác cũng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng tuy có nhiều kinh nghiệm và năng lực giảng dạy khá, nhưng không phải lúc nào họ cũng thể hiện được sự nhiệt tình hăng say đối với học sinh tại nơi làm thêm của mình. Trong khi công việc chuyên môn ở trường chính không phải là ít, giờ vì “cơm áo gạo tiền” họ lại gánh thêm phần trách nhiệm khi dạy tại trường dân lập, trong đó không ít những giáo viên phải tham gia công tác chủ nhiệm tại cả 2 trường. Khi giáo viên phải vừa “chạy”, vừa giảng, nội dung môn học truyền đạt chưa sâu thì chưa thể nói đến việc cải tiến hay áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại. Và cái cách giảng dạy tối ưu nhất, để “hoàn thành công việc” đối với những học trò nghịch ngợm ở trường dân lập là thầy đọc trò ghi. Hậu quả của tình trạng trên không chỉ HS các trường dân lập phải chịu mà ngay cả hoạt động dạy và học ở trường mà giáo viên đó có biên chế chính thức cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nhiều giáo viên, nhiều trường và cả các cấp quản lý chuyên môn hiểu rất rõ tình trạng và hậu quả của vấn đề này, nhưng để khắc phục là điều không dễ.
Trong quá trình phát triển, chắc chắn các trường dân lập sẽ phải chấp nhận tình trạng thuê thầy như hiện nay. Nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu không nói là “ăn xổi ở thì”, không thể kéo dài. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần phải có biện pháp để các em HS dân lập không phải chịu cảnh “con ghẻ” trong học tập như hiện nay.
N.HẢI
Bình luận (0)