Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi giáo viên cũng là nạn nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Công bằng mà nói, trong thực tế, với nhiều trường hợp, giáo viên cũng chính là nạn nhân của câu chuyện bạo lực học đường; nhưng lại chưa được xã hội dành cho sự quan tâm đúng mức. Vậy bạo lực mà giáo viên gánh chịu đến từ đâu? Đó là những lời nói, hành vi cư xử thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là vô lễ, hỗn hào ở không ít học sinh ngỗ nghịch. Có những học sinh vô tư hồn nhiên gây chuyện, nhưng cũng có những học sinh cố ý làm điều không hay. Những lời nói, hành động này không chỉ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm mà còn tổn thương tình cảm nghề nghiệp của giáo viên: trao đi sự dạy dỗ tràn đầy tình yêu thương nhưng nhận về những chua cay đắng lòng xót xa.

Bạo lực mà giáo viên gánh chịu còn đến từ tâm lý và thái độ bênh con thái quá của nhiều phụ huynh. Cưng chiều con quá mức, không ít bậc cha mẹ luôn tìm cách bảo vệ con bất kể con đúng sai ra sao. Mặc con đã mắc sai lầm, phụ huynh cố tình bao che, biện giải bằng những lời nói và hành động sai càng thêm sai. Nhiều phụ huynh dùng những câu từ phản cảm, những hành động bạo lực với thầy cô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của giáo viên. Dựa vào sự dung túng của gia đình, nhiều học sinh đã lớn tiếng với thầy cô, với người lớn tuổi hơn mình; thậm chí có những thái độ và hành vi thách thức, trêu ngươi, có trường hợp đe dọa và tìm cách gây hấn thầy cô…

Đáng tiếc là những câu chuyện “thường ngày ở huyện” ấy trong nhà trường hiện nay lại chưa được người trong ngành lẫn xã hội quan tâm đúng mức, để chung tay cải thiện tình hình. Con hư thì phụ huynh tặc lưỡi phân bua “trẻ con ấy mà”. Và dư luận thì chỉ ra sức chĩa mũi dùi vào giáo viên mỗi khi có sự kiện “một con sâu làm rầu nồi canh”. Dư luận phản ánh là quyền của dư luận, và tất nhiên cũng có những lý lẽ, lập luận đúng của dư luận. Nhưng phản ứng tiêu cực hay tích cực, giúp xây dựng tìm hướng giải quyết hay làm gia tăng xung đột, lại là mặt khác của vấn đề. Không khó để đọc được những lời bình luận phản cảm, quy chụp, cực đoan về thầy cô trên các trang báo, trên các diễn đàn mạng xã hội. Việc tự mình tạo thế đối lập giữa phụ huynh và giáo viên đang khiến cho khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa nhau.

Một khi khoảng cách giữa nhà trường và gia đình ngày thêm cách xa thì người thiệt thòi nặng nề nhất không ai khác chính là học sinh. Giáo viên buồn lòng, chán nản, đành phải buông tay với những học sinh sai phạm và phụ huynh nuông chiều con quá mức. Vấn đề học sinh phạm sai lầm nhưng giáo viên ngại ngần trách phạt đã lên đến mức đỉnh điểm khi mà một số giáo viên đành phải lắc đầu ngao ngán cho qua để khỏi chuốc lấy phiền lụy: “Mình không dạy được, thôi thì để cuộc đời dạy các em!”. Mà cuộc đời dạy thì bao giờ cũng đau hơn khi thầy cô dạy…

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)