Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi giáo viên giỏi theo tiếng gọi trường tư

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị bước vào năm học mới, tám cán bộ, giáo viên tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) xin chuyển công tác. Trong đó có hai phó hiệu trưởng, bốn giáo viên là khối trưởng lớp 1, 2, 3, 5.

Khi giáo viên giỏi theo tiếng gọi trường tư
Minh họa: LAP
“Lương của “kỹ sư tâm hồn” mỗi tháng chỉ có 3-4 triệu đồng, sao mà gắn bó được? 
Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, TP.HCM
"Tôi đi dạy đã bảy năm, trình độ thạc sĩ, nhưng tổng thu nhập của tôi ở trường công lập bây giờ là 4,5 triệu đồng/tháng. Với khoản tiền đó, tôi sống như thế nào giữa thành phố đắt đỏ bậc nhất nước ta?”.
Một giáo viên 

Diễn ra nhiều năm gần đây

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một trong số những giáo viên chuyển đi cho biết: “Tôi quyết định chuyển sang môi trường mới vì thu nhập. Tôi đi dạy đã bảy năm, trình độ thạc sĩ, nhưng tổng thu nhập của tôi ở trường công lập bây giờ là 4,5 triệu đồng/tháng.

Trong đó bao gồm lương cơ bản, phụ cấp đứng lớp và cả khoản tiền tăng thêm ban giám hiệu đã tính toán để mỗi tháng chúng tôi có thêm chút đỉnh. Với khoản tiền đó, tôi sống như thế nào giữa TP đắt đỏ bậc nhất nước ta?”.

Và không chỉ Trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Một số hiệu trưởng trường tiểu học khác trên địa bàn TP cũng cho biết: có 1-2 giáo viên, bảo mẫu xin chuyển công tác trước khi năm học mới bắt đầu.

Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân thừa nhận: “Việc giáo sinh mới ra trường không muốn vào dạy ở trường công lập, giáo viên ở trường công lập cũng mong muốn sang trường tư giảng dạy đã diễn ra nhiều năm gần đây vì thu nhập ở trường công thấp quá. Lương của “kỹ sư tâm hồn” mỗi tháng chỉ có 3-4 triệu đồng, sao mà gắn bó được?”.

Trước đó, phát biểu trong buổi họp giữa Ban văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM và Sở GD-ĐT TP, ông Nguyễn Quang Vinh – trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP – nêu ý kiến: “Những giáo viên giỏi ở trường công lập đang có xu thế chuyển qua trường tư thục hoặc ngành nghề khác. Nhất là giáo viên tiếng Anh.

Hiện nay không dễ tuyển dụng, mà cũng không dễ giữ chân giáo viên tiếng Anh. Sắp tới đây, ngoại ngữ sẽ là môn học bắt buộc trong chương trình mới và triển khai đại trà, khi đó nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiếng Anh sẽ rất cao. Tuy nhiên, nếu không có đãi ngộ tương xứng thì tuyển dụng 3-4 lần/năm vẫn không đủ giáo viên”.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được có bao nhiêu giáo viên chuyển từ trường công lập sang tư thục, trường quốc tế. Tuy nhiên, rải rác trong năm học, ở trường này trường kia vẫn xảy ra tình trạng như trên, mặc dù không ào ạt như ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Bức xúc về thu nhập

Trước tình trạng trên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 nói thẳng: giáo viên xin chuyển sang trường tư thục vì thu nhập, đãi ngộ.

Vị này phân tích: “Lâu nay, giáo viên không hài lòng với chế độ lương, thưởng trong trường công lập nhưng vẫn sống được nhờ dạy thêm. Từ năm học 2016-2017, TP.HCM kiên quyết cấm giáo viên tiểu học dạy thêm thì bức xúc ấy bùng lên dữ dội.

Xã hội ngày càng đòi hỏi cao ở giáo viên. Họ phải tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy, phải đi học nâng cao trình độ. Ngoài đứng lớp thì phải thực hiện rất nhiều hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

Thế mà mỗi giáo viên nhận lương tháng có vài triệu đồng, còn thua người giúp việc nhà. Cứ đà này sẽ còn nhiều trường lâm vào tình cảnh giống như Trường tiểu học Lê Ngọc Hân”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngay từ đầu năm học 2016-2017, tôi đã biết có một số giáo viên tiếng Anh xin nghỉ ở trường công lập để tìm công việc khác tốt hơn. Trong đó đa số là giáo viên giỏi.

Sở GD-ĐT TP.HCM rất quan tâm đến thực trạng này. Điều này thật đáng báo động và đúng là mức lương của giáo viên trường công lập hiện quá thấp, nên không đảm bảo được cuộc sống cho các thầy cô”.

Theo ông Hiếu, Sở GD-ĐT TP đang gấp rút xây dựng đề án hỗ trợ giáo viên tiểu học như từng làm với giáo viên mầm non trước đây (giáo viên mầm non ở TP.HCM được hưởng mức hỗ trợ vài trăm ngàn đồng/giáo viên/tháng tùy theo thâm niên phục vụ trong ngành GD-ĐT – PV).

Trước mắt, Sở GD-ĐT TP đã trình UBND TP dự thảo tờ trình về chính sách cho giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Theo đó, thay vì giáo viên tiếng Anh phải thực hiện hơn 20 tiết nghĩa vụ/tuần thì nay chỉ thực hiện gần 1/2 số tiết ấy (tức 11 tiết nghĩa vụ/tuần), từ tiết thứ 12 trở đi các thầy cô được hưởng phụ trội.

Loại hình trường nào cũng có ưu có khuyết

Thầy N. – giáo viên giỏi cấp TP, người đã có trải nghiệm dạy ở cả hai môi trường công lập và tư thục – nhận xét: “Loại hình trường nào cũng có ưu và khuyết điểm. Khi ở trường công, tôi bất bình trong cách quản lý của hiệu trưởng. Giáo viên muốn đổi mới thì bị kìm lại với lý do: Thầy còn trẻ quá, đừng chơi nổi. Thầy đổi mới nhanh quá, nhiều quá phụ huynh phản ứng đấy…”.

Thầy N. cũng nói cách cư xử của hiệu trưởng đối với giáo viên cứ như ban phát, không rạch ròi, thiếu sự tôn trọng. Như việc giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học nhưng lại không được hưởng tiền phụ trội như quy định của Sở GD-ĐT; khi đề nghị được nhận khoản này thì bị hiệu trưởng kêu lên nhắc nhở về đạo đức (!)

Còn ở trường tư, hiệu trưởng như một người bạn. Họ tôn trọng và lắng nghe giáo viên, cái nào mình làm hay thì họ khen, cái nào chưa tốt thì cùng thảo luận. Nhưng ông cũng công nhận một điều: “Thời gian đầu khi mới chuyển công tác về đây, tôi đã bị sốc vì cường độ làm việc quá cao ở trường tư”.

HOÀNG HƯƠNG/ TTO

 

Bình luận (0)