Trong một lớp học của Trường THCS Kiến Thiết, quận 3 – TPHCM |
Đó là tình cảnh ở nhiều trường thực hiện mô hình trường công lập tự chủ tài chính. Thu nhập của giáo viên cũng giảm đáng kể, trường rơi vào cảnh “mắc cạn”
“Đợt tuyển sinh vào lớp 6 vừa qua, dù trường đã in tờ rơi cho giáo viên ra chợ Tân Định để tiếp thị nhưng sau 3 tháng vất vả cũng chỉ tuyển được 94/300 chỉ tiêu”. Ông Lý Văn Ru, Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Thiết, Q.3 – TP.HCM, cho biết một trong nhiều khó khăn kể từ khi trường thực hiện mô hình trường công lập tự chủ tài chính.
Thừa phòng học, dư giáo viên
Tại sao lại có hiện tượng thừa chỗ học ở mô hình trường công lập tự chủ tài chính trong khi nhiều trường công lập có sĩ số lớp rất cao? Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm học 2007-2008, Trường THCS Bán công Kiến Thiết, Q.3 chuyển sang mô hình trường công lập tự chủ tài chính theo chủ trương của TP.HCM. Gọi là trường công lập nhưng học sinh của trường vẫn phải đóng học phí 90.000 đồng/tháng, cao gấp 6 lần so với trường công lập thuần túy.
Thêm vào đó, năm học 2008-2009, tất cả học sinh lớp 5 đã hoàn thành chương trình tiểu học ở Q.3 đều được Phòng Giáo dục quận sắp xếp học ở trường THCS công lập. Trường THCS Kiến Thiết không có học sinh nên phải tuyển học sinh quận khác, thậm chí cả học sinh tỉnh khác chuyển về. Dù vậy, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Khó khăn trong tuyển sinh đã kéo theo khó khăn trong việc tổ chức bộ máy nhân sự của trường. Năm ngoái, trường có đủ giáo viên để duy trì 24 lớp học, năm nay bộ máy trở nên dư thừa vì chỉ còn 18 lớp học. Toàn trường có 28 phòng học đủ cho 28 lớp được học 2 buổi/ngày, nay cũng thừa 10 phòng.
Không riêng gì Trường THCS Kiến Thiết, một trường khác trong quận 3 hoạt động theo mô hình công lập tự chủ tài chính là Trường THCS Phan Sào Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mặc dù có ưu thế tổ chức cho học sinh ở nội trú nhưng năm nay trường cũng chỉ tuyển được 4 lớp so với khả năng là 6 lớp.
Ông Nguyễn Trọng Chức, Trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Thạnh, cho rằng đa số các trường công lập tự chủ tài chính có xuất phát điểm thấp như cơ sở vật chất yếu kém… nên gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều trường đến ngày khai giảng vẫn chưa đủ chỉ tiêu.
Thu nhập giáo viên giảm đáng kể
Được thu học phí cao hơn trường công lập thuần túy nhưng thu nhập của giáo viên Trường THCS Kiến Thiết không vì thế mà khá hơn những trường khác, ngược lại từ năm học này, thu nhập của giáo viên đã giảm đáng kể. Nhiều giáo viên phản ánh năm học này tổng thu nhập của họ đã giảm khoảng 400.000 đồng/tháng, có người giảm cả gần 1 triệu đồng.
Theo giải thích của ban giám hiệu nhà trường, thu nhập của giáo viên giảm xuất phát từ số lượng học sinh giảm gần 300 em so với năm trước. Kinh phí thu được từ việc tổ chức học buổi thứ 2 vì thế cũng giảm trong khi số lượng giáo viên vẫn phải giữ nguyên. “Trong lúc khó khăn, nhiều giáo viên đã gắn bó với trường nên trường không nỡ nào cắt hợp đồng. Lỡ năm sau tuyển sinh khá hơn thì lấy đâu ra giáo viên!” – ông Lý Văn Ru tâm sự.
Trước tình hình này, ông Ru cho biết trường đã nhiều lần xin chuyển sang trường công lập thuần túy nhưng không được Sở GD-ĐT chấp thuận vì ngành giáo dục TP sợ tăng thêm gánh nặng ngân sách.
Trao đổi với chúng tôi về khó khăn của các trường trên, ông Lê Trường Kỳ, Trưởng Phòng Giáo dục quận 3, cũng thừa nhận: Mô hình trường công lập tự chủ tài chính ở bậc THCS không phù hợp, cần phải bỏ. Để thực hiện phổ cập THCS, tiến tới thực hiện phổ cập bậc THPT, chống bỏ học, ngành giáo dục cần tạo quyền lợi ngang nhau cho học sinh. Học sinh hoàn thành tiểu học được vào lớp 6 không qua thi tuyển nên không có lý do gì các em phải học ở trường công lập tự chủ tài chính.
Không thể chuyển thành trường công lập
Trao đổi với chúng tôi chiều 2-12, ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các trường khó khăn thì báo cáo sở để tìm cách giải quyết, việc chuyển sang công lập thuần túy là không được. Ông Ngai lý giải: Khi thực hiện chủ trương chuyển trường bán công sang công lập hoặc ngoài công lập, Sở GD-ĐT tham mưu UBND TP chuyển các trường bán công sang trường công lập tự chủ, vận dụng theo Nghị định 43 về thực hiện xã hội hóa giáo dục. Nếu chuyển qua công lập thuần túy tất cả trường bán công thì ngân sách đầu tư của Nhà nước sẽ tăng.
Ông Ngai cho rằng mô hình trường công lập tự chủ tài chính còn mới, trong quá trình thực hiện, các trường sẽ gặp khó khăn do những hạn chế của bản thân trường bán công. Ngành giáo dục sẽ phải tổ chức đánh giá những ưu, nhược điểm để từng bước khắc phục khó khăn cho các trường. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi ngành giáo dục tổ chức đánh giá thì giáo viên vẫn phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày khi thu nhập giảm và bản thân nhà trường cũng hoạt động trong tâm trạng phập phồng không biết mùa tuyển sinh tới sẽ ra sao?
Theo HUY LÂN – Người Lao Động
Bình luận (0)